Chi phí tài chính 'ăn mòn' lợi nhuận tại DRH Holdings

Gánh nặng chi phí tài chính khiến lợi nhuận tại CTCP DRH Holdings (HOSE: DRH) giảm tốc so với cùng kỳ 2020.

Theo BCTC hợp nhất quý 4, doanh thu thuần của Công ty trong quý 4/2021 ghi nhận hơn 39 tỷ đồng, tăng vọt 128% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, chủ yếu là doanh thu từ mảng bất động sản (hơn 35 tỷ đồng), còn lại là doanh thu cung cấp dịch vụ.

Trong kỳ, giá vốn tăng nhẹ hơn giúp biên lãi gộp của doanh nghiệp đạt 22% trong khi cùng kỳ chỉ ở mức 16%. Đáng nói, lợi nhuận tại DRH bị ảnh hưởng lớn từ chi phí tài chính.

Cụ thể, trong quý 4/2021, chi phí tài chính gấp đôi cùng kỳ lên mức gần 21 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay tăng 104% lên gần 20 tỷ đồng. Dù chi phí bán hàng giảm 22% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh 68% nhưng phần lãi gộp vẫn không bù đắp nổi. Đặc biệt, trong kỳ, khoản lãi đến từ công ty liên kết, cụ thể là CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (Bimico, Mã: KSB) giảm 28% xuống còn hơn 17 tỷ đồng.

Kết quả, lãi sau thuế tại DRH giảm 32% xuống còn 8 tỷ đồng. Thực tế, khoản lãi hơn 17 tỷ đồng từ công ty liên kết đã giúp DRH Holdings thoát lỗ trong quý này.

Chi phí tài chính 'ăn mòn' lợi nhuận tại DRH Holdings - Ảnh 1

Tính cả năm 2021, doanh thu thuần giảm 38% xuống còn 48 tỷ đồng. Do đó, chi phí tài chính tăng 124% lên mức 54 tỷ đồng; khoản lãi từ công ty liên kết cũng giảm 26% xuống còn 55 tỷ đồng. Kết quả, DRH báo lãi sau thuế giảm mạnh 73% xuống còn 14 tỷ đồng.

Năm 2021, DRH Holdings đặt mục tiêu doanh thu 870 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 90 tỷ đồng, gần gấp đôi so với kết quả lợi nhuận thực hiện được trong năm 2020. Theo đó, công ty mới thực hiện được hơn 5% kế hoạch doanh thu và hơn 18% kế hoạch lợi nhuận năm.

Kết thúc năm 2021, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tại DRH âm hơn 35,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 âm hơn 125 tỷ đồng. Đáng chú ý, dòng tiền thuần trong năm âm gần 4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 dương hơn 16 tỷ đồng. Có thể thấy, dòng tiền âm dẫn tới DRH phải tăng cường vay nợ.

Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản mà DRH nắm giữ đạt gần 2.638 tỷ đồng, tăng 5% so với hồi đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn hơn 829 tỷ đồng, tăng 5%. Hàng tồn kho cũng tăng nhẹ so với đầu năm, giá trị gần 854 tỷ đồng với toàn bộ là bất động sản dở dang.

Ngoài ra, DRH không còn ghi nhận khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang, đầu năm con số ở mức gần 98 tỷ đồng. Trong khi đó, bất động sản đầu tư gần 93 tỷ đồng (đầu năm không ghi nhận khoản này).

Về nguồn vốn, tại thời điểm cuối năm 2021, nợ phải trả của DRH ghi nhận hơn 1.778 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm, chiếm 67% nguồn vốn, gấp hai lần vốn chủ sở hữu. Đáng chú ý, người mua trả tiền trước ngắn hạn tăng đột biến lên hơn 1.013 tỷ đồng, gấp đôi con số đầu năm.

Đáng chú ý, về cơ cấu nợ vay, tính đến 31/12/2021 vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tại DRH bất ngờ tăng 50% lên gần 443 tỷ đồng và không còn ghi nhận nợ vay dài hạn (đầu năm vay gần 115 tỷ đồng).

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2021 tại DRH.  
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2021 tại DRH.  
Trước đó, tháng 11/2021, DRH Holdings đã công bố nghị quyết triển khai phương án chào bán gần 60,4 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1 và giá chào bán dự kiến 12.000 đồng/cp (giá đóng cửa phiên 23/11 là 20.500 đồng/cp). Thời gian thực hiện dự kiến trong quý I/2022.

Với số tiền trên 724 tỷ đồng dự kiến thu được từ đợt chào bán, doanh nghiệp sẽ đầu tư vào CTCP Kinh doanh và Phát triển Bất động sản Đông Sài Gòn (500 tỷ đồng), 220 tỷ đồng để tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty liên kết CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (Bimico, Mã: KSB) lên 36% và còn lại bổ sung vốn lưu động.

Ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT DRH Holdings cho biết, trong 5 năm tới doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu tại KSB (mảng vật liệu xây dựng). 

Thực tế trong ba năm trở lại đây, kết quả kinh doanh của DRH Holdings được đóng góp lớn bởi Bimico. Thậm chí nếu không có khoản lãi từ công ty liên kết này, DRH Holdings phải báo lỗ.

Hoàng Long

Theo Sở hữu trí tuệ