Nghi vấn công ty DRH Holdings dùng cát mặn san lấp dự án: Mập mờ nguồn gốc cát san lấp (kỳ 1)

Sau khi mua bán sát nhập, dự án Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt đã được DRH Holdings phát triển. Tuy nhiên, công ty này đã dính phải lùm xùm khi dùng cát biển để lấp dự án, báo cáo sai sự thật về nguồn cát san lấp. Đặc biệt, DRH còn cho rằng, việc dùng cát mặn hay “không mặn” thì chưa có quy chuẩn quy định, và đơn vị này chỉ ký hợp đồng với các công ty san lấp xây dựng.

Dùng cát mặn lấp hàng nghìn ha?

Trong những ngày qua, thông tin liên quan đến việc công ty Cổ phần DRH Holdings (DRH - PV) dùng cát biển để lấp dự án, hút cát biển san lấp mặt bằng đã khiến cho dư luận không khỏi thắc mắc, vì sao lại dùng cát mặn để lấp dự án sinh thái, và có hay không chuyện doanh nghiệp này hút cát dưới biển lên lấp tại chỗ.

Theo thông tin PV Người Đưa Tin có được, dự án Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt do công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Danh Việt làm chủ đầu tư (sau này chuyển nhượng cho DRH) toạ lạc tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.

Dự án có tổng diện tích 738.571,9 m2, bao gồm: 10.828,1 m2 đất hành lang an toàn đường sông; 5.080 m2 đất hành lang và đường N7; 2.479,5 m2 đất tín ngưỡng (đình thần Nam Hải); 720.184,3 m2 đất quy hoạch. Với 720.184,3 m2 đất quy hoạch để thực hiện khu du lịch thì có 385.914,1 m2 đất thương mại dịch vụ du lịch, 161.136,3 m2 đất công viên cây xanh, 1.769,9 m2 đất hạ tầng kỹ thuật và 171.364 m2 đất giao thông.

Ngoài các chức năng như khu thương mại, khu sinh thái, khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp… thì dự án này có có quy hoạch đất công viên cây xanh mặt nước: Bố trí khu vực trung tâm dự án, đảm bảo bán kính phục vụ tổ chức sân chơi, lối đi bộ, chòi nghỉ, hồ nước cảnh quan... Ngoài ra, tổ chức trồng cây xanh tán rộng theo các tuyến đường nhằm tăng diện tích cây xanh và cảnh quan cho toàn dự án.

Tuy nhiên, trong những ngày vừa qua, dự án này vướng phải lùm xùm khi người dân và báo chí phản ánh doanh nghiệp dùng cát biển không rõ nguồn gốc để san lấp dự án. Đặc biệt, người dân cho biết việc san lấp trên đã làm ảnh hưởng để khu vực cửa biển sông Chùa, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cũng như hoạt động ra vào tàu thuyền của người dân tại khu vực này.

Ống hút DRH dùng để hút cát từ ngoài các sà lan vào dự án.

Ống hút DRH dùng để hút cát từ ngoài các sà lan vào dự án.

Ghi nhận thực tế, tại bờ biển khu vực ven dự án hệ thống đường ống bơm cát chằng chịt được trải khắp dự án, có đường ống thông thẳng xuống dưới biển. Một số thuyền, sà lan chuyên dùng chở cát bị đánh dạt vào bờ vẫn còn được giữ lại.

DRH biện minh gì trong việc dùng cát mặn?

Trả lời phỏng vấn PV Người Dưa tin về những lùm xùm quanh việc sử dụng cát mặn không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu san lấp làm ảnh hưởng để cửa biển sông Chùa, đại diện DRH cho rằng, tất cả hoạt động triển khai thực hiện tại dự án được chủ đầu tư tuân thủ tuyệt đối theo nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt tại Công văn số 2377-QĐ-UBND.

DRH lập luận, trên thực tế, quy định pháp luật hiện hành và các quy chuẩn kĩ thuật thi công xây dựng được áp dụng tính đến thời điểm này không quy định về chủng loại vật liệu được sử dụng cho hoạt động san lấp, mà cụ thể trong trường hợp này là “cát mặn” hoặc “cát không mặn”.

 “Đối với vấn đề triển khai hoạt động san lấp một phần cửa biển Sông Chùa hoàn toàn chưa triển khai bất kỳ hoạt động nào tác động đến dòng chảy tự nhiên tại khu vực cửa biển Sông Chùa trên thực tế. Các cửa sông bị bồi lấp là hiện tượng xảy ra thường xuyên chứ không riêng gì Sông Chùa” DRH biện minh.

Hàng trăm nghìn khối cát biển đã được DRH dùng để san lấp mặt bằng.

Hàng trăm nghìn khối cát biển đã được DRH dùng để san lấp mặt bằng.

Ngoài ra, DRH còn cho rằng, việc bồi đắp cửa sông do quy luật của dòng chảy trong mùa mưa khi lưu lượng nước lớn kéo theo các vật liệu trầm tích gây nên và đã trở thành một vấn đề khó xử lý cho hầu hết các khu vực cửa sông tại những địa phương khác. Đơn vị này sử dụng Google map chụp ảnh khu vực sông từng năm rồi gửi cho báo chí để phân trần.

Tuy nhiên, trong khi DRH biện minh rằng việc dùng cát mặn san lấp dự án hàng nghìn hecta, theo quy định pháp luật hiện hành và các quy chuẩn kỹ thuật thi công hiện không rõ ràng thì trước đó, ngày 25/10/2018, sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Thuận phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra tại khu vực dự án đã ghi nhận dự án đã triển khai việc san lấp. Tại vùng biển tiếp giáp với dự án có 2 sà lan, 2 boong tàu đang neo đậu, có một số công nhân đang lắp đặt các đường ống và các máy bơm nối từ các sà lan vào khu vực dự án.

Do đó, sở Tài nguyên Môi trường đã kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản chỉ đạo chủ đầu tư dự án Lạc Việt không được sử dụng nguồn cát do các doanh nghiệp khác cung cấp chuyển tải theo đường biển để san lấp mặt bằng dự án, vì chưa có giấy phép và hồ sơ môi trường cho phép hoạt động Bến nội địa tạm thời do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp. Và việc sử dụng nguồn cát này chỉ được thực hiện khi chủ đầu tư đã có giấy phép và hồ sơ môi trường, đồng thời nguồn gốc cát để san lấp mặt bằng dự án phải hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Khu vực dự án của DRH được rào kiên cố, giữ đất san lấp.

Khu vực dự án của DRH được rào kiên cố, giữ đất san lấp.

Vào ngày 21/12/2018, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Công văn số 4529/UBND-KGVXNV yêu cầu chủ đầu tư Dự án Lạc Việt dừng ngay việc chuyển tải cát theo đường biển để san lấp mặt bằng dự án; khẩn trương tháo dỡ toàn bộ thiết bị máy bơm, ống bơm và các thiết bị khác có liên quan phục vụ cho việc bơm hút cát từ các phương tiện neo đậu ngoài biển vào khu vực dự án trước ngày 21/12/2018; chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước trong hoạt động mua bán cát san lấp mặt bằng…

Cũng theo thông tin từ, bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tổ chức 2 đợt kiểm tra và đình chỉ hoạt động bơm hút cát từ sà lan lên dự án đối với các chủ phương tiện do chưa có Giấy phép thiết lập Bến thủy nội địa của cơ quan có thẩm quyền.

Còn nữa...

Theo Phùng Sơn/Người Đưa Tin

Tin liên quan