'Chìm nổi' số phận Thuận Kiều Plaza - cụm cao ốc thuộc Vạn Thịnh Phát

Cứ ngỡ Thuận Kiều Plaza sẽ "hồi sinh" sau khi vào tay tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Nhưng không ngờ, dự án này vẫn tiếp tục rơi vào cảnh hoang tàn giữa vùng lõi trung tâm quận 5, TP. HCM.

Biểu tượng Sài Gòn hoa lệ đầu những năm 2000

Những năm 2000, chuyện vui chơi, giải trí không mấy thịnh hành như bây giờ. Các "toạ độ" giới trẻ thường lui chân tới cũng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Thời điểm ấy, cái tên Thuận Kiều Plaza chính là một trong những địa điểm trong mơ đối với giới trẻ TP. HCM.

Được xây dựng từ năm 1994 đến năm 1999, Thuận Kiều Plaza là một tổ hợp 3 toà tháp chọc trời án ngữ trên đường Hồng Bàng, ngay khu đất vàng của trung tâm quận 5. Nơi đây được xem là một trong những cao ốc đa phức hợp đầu tiên được xây dựng và từng được coi là biểu tượng phát triển của thành phố. Dự án được đầu tư kết hợp bởi Công ty TNHH MTV Xây dựng thương mại Sài Gòn 5 liên doanh cùng với Kings Harmony Int MTV của Hong Kong.

Cao ốc Thuận Kiều Plaza
Cao ốc Thuận Kiều Plaza

Công trình này có quy mô diện tích lên đến 10.000m2 cùng số vốn đầu tư 55 triệu USD. Sau khi hoàn thành, Thuận Kiều Plaza trở thành một trong những tòa cao ốc, trung tâm thương mại, tổ hợp dịch vụ hiện đại nhất TP. HCM lúc bấy giờ. Dự án được thiết kế với 3 tòa tháp, mỗi tháp có 33 tầng. Trong đó có khu trung tâm thương mại, 648 căn hộ và các công trình tiện ích khác như hồ bơi, khu giải trí, nhà xe…

Nằm ở vị trí đắc địa trung tâm quận 5, bốn mặt tiền giáp với 4 con phố là Dương Tử Giang, Tân Hưng, Thuận Kiều và Hồng Bàng, Thuận Kiều Plaza kỳ vọng sẽ thu hút đông dân cư và các hoạt động thương mại sôi nổi. Tuy nhiên, trái với nhiều dự đoán, sau 15 năm đi vào hoạt động, Thuận Kiều Plaza ngày một thưa thớt khách và dân cư. Các cửa hàng liên tục đóng cửa, bỏ hoang, khu dân cư không có người sinh sống.

Việc khu trung tâm thương mại hiện đại bị bỏ không một cách lãng phí khiến tòa nhà này càng trở nên bí ẩn. Những câu chuyện đồn thổi xoay quanh 3 tòa tháp hoành tráng này cũng được lan truyền trên mạng xã hội suốt một thời gian dài. Nghe nói, nhiều người ví Thuận Kiều Plaza là “3 cây nhang" bởi 3 tòa tháp dự tính sẽ được xây dựng theo hình chữ "Sơn" - (Shan, theo tiếng Trung Hoa - PV) nhưng khi hoàn thành lại có hình dáng mà màu sắc giống 3 cây nhang nên “oan hồn” từ khắp nơi mới bám vào.

Cũng có người lại nói rằng Thuận Kiều Plaza giống như một con thuyền với 3 ống khói nhưng do thiết kế phần dưới bị sai lệch nên con tàu chìm dần. Không những vậy, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều câu chuyện ma mị do người từng làm việc tại tòa tháp này kể lại. Người này cho hay, anh thường xuyên nghe thấy tiếng bước chân, nước chảy trong phòng khi ở lại khuya. Do nhiều dân cư cũng gặp hiện tượng tương tự nên không ai dám ở lại tòa nhà, tầng 30 bỏ trống từ lâu, thang máy được cắm đầy hương. Tuy nhiên, không xét về tâm linh, Thuận Kiều Plaza gặp vấn đề ngay từ cách thiết kế công trình, khiến người dân Việt Nam gặp khó khăn khi sinh sống tại đây.

Về tay Vạn Thịnh Phát, toà nhà bí ẩn càng “lạnh lẽo”

Đáng chú ý, sau nhiều năm bị bỏ không vì địa lý và những câu chuyện tâm linh, giữa năm 2015, Thuận Kiều Plaza bất ngờ được Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mua lại với giá trị hơn 600 tỷ đồng.

Ngay sau khi về tay tập đoàn bí ẩn này, nhiều nguồn tin đồn đoán dự án sẽ được chuyển công năng thành bệnh viện, bị đập bỏ hoàn toàn để xây dựng một dự án khác… Tuy nhiên, Công ty An Đông sau đó đã bác bỏ mọi thông tin trên, đồng thời doanh nghiệp này cho cải tạo phần khối đế thương mại của dự án và đặt tên mới The Garden Complex.

Sau gần 20 năm sống trong hình hài “3 cây nhang", Thuận Kiều Plaza được khoác “lớp áo mới" màu xanh lá như “3 cây trúc" và đổi tên thành The Garden Mall cho trung tâm thương mại, The Garden Apartment cho căn hộ.

Nhiều người kỳ vọng sau khi về tay tập đoàn có tiềm lực mạnh như Vạn Thịnh Phát, số phận của Thuận Kiều Plaza cũng sẽ khởi sắc hơn. Tuy nhiên, thực tế sau 5 năm, dự án này vẫn chưa thực sự được “thoát xác”.

Một kiến trúc sư cho hay, vốn được xây dựng nhằm đón đầu lượng cư dân Hong Kong có ý định cư tại TP. HCM giai đoạn những năm 1994 – 1998, khu căn hộ và trung tâm thương mại này được thiết kế theo phong cách của người Hong Kong với đặc trưng là căn hộ diện tích nhỏ hẹp, trần nhà thấp, không gian ngột ngạt, ít có khoảng không gian xanh. Vì không gian thiếu sự thông thoáng nên dễ dẫn tới các bệnh về đường hô hấp, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân.

Ngoài ra, chất lượng nhà ở nhanh xuống cấp, từ đường điện, ống nước cho tới những trang thiết bị bên ngoài đều tồi tàn dần khiến chủ đầu tư nếu muốn hiện thực hóa việc kinh doanh hầu như phải đập bỏ nội thất làm lại.

Đầu tháng 11/2017, trung tâm thương mại The Garden Mall chính thức được chủ nhân mới là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát khai trương. Nhưng sau 4 năm đi vào hoạt động, The Garden Mall cũng không tránh khỏi “vết xe đổ" của "người tiền nhiệm", rơi vào cảnh bỏ không một cách lãng phí.

Liên quan đến “sức khoẻ” của chủ đầu tư The Garden Complex, theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong sáu tháng đầu năm 2020, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông lỗ sau thuế hơn 22,84 tỷ đồng.

Trong khi đó, cả năm 2019, doanh nghiệp này vẫn báo lãi gần 35,6 tỷ đồng. Tính tới cuối tháng 6/2020, vốn chủ sở hữu của An Đông đạt gần 9.110,5 tỷ đồng với hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu giữ nguyên ở mức 4,05 lần, tương ứng với khoảng nợ gần 37.000 tỷ đồng.

Đến tháng 7/2021, ứng phó trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, phía chủ đầu tư đã phối hợp với UBND TP. HCM cải tạo toàn bộ mặt bằng khu thương mại (tầng 1 và tầng 2) của tòa nhà để trưng dụng làm bệnh viện dã chiến số 5, quy mô 1.000 giường để tiếp nhận điều trị bệnh nhân dương tính. Tưởng chừng như sau khi kết thúc thời gian làm bệnh viện dã chiến, The Garden Mall sẽ có hy vọng "hồi sinh" trở lại.

Tuy nhiên theo ghi nhận của VietnamFinance, hiện toàn bộ 3 tòa nhà vẫn bao trùm bầu không khí lạnh lẽo, thưa thớt bóng người. Lối lên các tầng trên luôn trong tình trạng "cửa đóng then cài" trong thời gian dài. Quanh khu vực tòa nhà có bảo vệ trực, tại một số lối đi, chủ đầu tư cũng tiến hành giăng dây để hạn chế người lạ ra vào.

Thông qua khe cửa, có thể thấy bên trong nhiều vật dụng như xô, chậu, tấm bạt, thùng xốp… nằm nhếch nhác trên sàn khu trung tâm thương mại. Các phụ kiện trang trí sảnh chính, thiết bị đèn và thang máy cũng bị dẹp bỏ, ngưng hoạt động. Hầu như không có bất kỳ ai bước chân vào khu vực tòa nhà. Các căn hộ không người ở. Toàn bộ sảnh sau căn hộ, môi trường bị ô nhiễm, rác không được thu dọn.

Đến nay, phần lớn gian hàng kinh doanh đều đã trả mặt bằng và đóng cửa do không có khách, chỉ còn lại vài cửa hàng ẩm thực, siêu thị vẫn duy trì hoạt động…

Ninh Dương

Theo VietnamFinance