Chìm trong nợ nần, Đức Long Gia Lai vẫn ‘hào phóng’ cho vay hơn 2.400 tỷ đồng
Theo Báo cáo tài chính Hợp nhất quý II/2021 mới được CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG) ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 840 tỷ đồng, nợ phải tính đến ngày 30/6 là 5.641 tỷ đồng. Mặc dù làm ăn ‘kém sắc’, nợ phải trả cũng phải nhỏ, tuy nhiên Đức Long Gia Lai vẫn cho các cá nhân, tổ chức vay lên đến hơn 2.400 tỷ đồng.
Đức Long Gia Lai lỗ lũy kế hơn 840 tỷ đồng
Theo Báo cáo tài chính Hợp nhất quý II/2021 của DLG, kết thúc quý doanh nghiệp ghi nhận 480 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 2% so cùng kỳ. Giá vốn tăng 2% khiến Công ty giảm 22% lãi gộp, còn 60 tỷ đồng.
Về các khoản chi phí, đáng chú là chi phí quản lý doanh nghiệp kỳ này được hoàn nhập 33 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chi ra 210 tỷ đồng. Theo đó Đức Long Gia Lai báo lãi ròng 13 tỷ đồng trong quý II/2021 (cùng kỳ lỗ 210 tỷ đồng). Như vậy DLG đã có 2 quý báo lãi sau cả 4 quý thua lỗ trong năm 2020.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, DLG ghi nhận doanh thu thuần 903 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ và lãi ròng 25 tỷ đồng. Như vậy doanh nghiệp của Chủ tịch Bùi Pháp đã thực hiện 47% kế hoạch lợi nhuận năm 2021 đề ra sau nửa đầu năm. Tuy nhiên khoản lỗ lũy kế của doanh nghiệp sau 6 tháng đầu năm 2021 còn ghi nhận hơn 840 tỷ đồng. Nợ phải trả cũng là 5.641 tỷ đồng (trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 2,990 tỷ đồng, nợ dài hạn chiếm 2,652 tỷ đồng).
Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của DLG ở mức 8,168 tỷ đồng, xấp xỉ hồi đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 2,416 tỷ đồng, tăng 18% sau 6 tháng. Trong đó, Công ty ghi nhận số tiền âm 345 tỷ đồng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi (đầu năm ghi nhận âm 432 tỷ đồng).
Chi phí xây dựng dở dang dài hạn giảm 3% sau 6 tháng, về mức 406 tỷ đồng. Đây là các khoản chi phí trung tu dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 14, dự án nhà máy điện Tân Thượng, dự án DLGL Hotel Pleiku và các công trình xây dựng khác.
Một thông tin cực kỳ đáng chú ý được đề cập trong Báo cáo tài chính của DLG đã gây ra xôn xao trong dư luận thời gian qua là việc doanh nghiệp này đã ‘hào phóng’ cho các cá nhân, tổ chức vay lên đến hơn 2.400 tỷ đồng dù bản thân cũng đang ‘ngập nợ’.
Theo bản báo cáo của DLG, doanh nghiệp đã cho vay tới 2.410 tỷ đồng trong khi tổng vốn chủ sỡ hữu là hơn 2.500 tỷ đổng. Trong đó các khoản vay ngắn hạn là 1.192 tỷ đồng, dài hạn là 1.218 tỷ đồng. Đáng chú ý tất cả số tiền trên đều cho vay không có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của bên thứ ba.
Đức Long Gia Lai bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Tại Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2021 của CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai, kiểm toán đã nhấn mạnh hàng loạt những vấn đề liên quan đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này.
Việc Đức Long Gia Lai cho vay số tiền hơn 2.400 tỷ đồng trong bối cảnh làm ăn ‘kém sắc’ cũng được kiểm toán nhấn mạnh tại bản báo cáo tài chính sau soát xét. Đồng thời kiểm toán cũng đã nhấn mạnh việc nghi ngờ khả năng hoạt động kinh doanh liên tục của DLG.
Kiểm toán có nêu rõ, tại ngày 30/06/2021, khoản lỗ thuần của DLG là hơn 842 tỷ đồng và các khoản nợ ngắn hạn của Tập đoàn đã vượt quá tổng tài sản ngắn hạn gần 239 tỷ đồng. DLG còn có một số khoản nợ phải trả và vay đã quá hạn thanh toán với tổng giá trị ước tính hơn 1,808 tỷ đồng. Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Trước ý kiến nhấn mạnh của kiểm toán, DLG cho biết, các khoản vay cho các bên liên quan nêu trên không có tài sản bảo đảm đều có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản của DLG tại BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2021.
Về vấn đề nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục, hiện Tập đoàn đang xây dựng phương án cấu trúc toàn diện tình hình tài chính, lập kế hoạch và lộ trình thoái vốn các khoản đầu tư kém hiệu quả… Tập trung thu hồi các khoản công nợ để thực hiện thanh toán một phần các khoản nợ quá hạn.
Mặt khác, công ty sẽ xin ngân hàng cơ cấu lại các khoản nợ gốc, miễn giảm lãi. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thành pháp lý của dự án thuỷ điện, điện mặt trời và điện gió để tìm kiếm đối tác huy động vốn hoặc chuyển nhượng một phần dự án để tất toán các khoản nợ quá hạn trong thời gian sắp tới, chậm nhất đến ngày 31/12/2023. Do vậy, báo cáo này của DLG được lập dựa trên giả thiết DLG hoạt động kinh doanh liên tục.
Theo giới thiệu trên trang chủ của Tập đoàn Đức Long Gia Lai, doanh nghiệp hoạt động theo mô hình mẹ – con với 30 công ty thành viên, 4 công ty liên kết ở nhiều lĩnh vực. Từ năm 2015 đến nay, doanh nghiệp đã chuyển hướng sang 5 lĩnh vực chính: Bất động sản, Năng lượng, linh kiện, nông nghiệp, thiết bị điện từ và cơ sở hạ tầng. Những năm trước công ty chủ yếu tập trung vào các ngành mũi nhọn cũ: sản xuất, chế biến gỗ, đã Granite, kinh doanh lưu trú, khoáng sản…. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn là ông Bùi Pháp.
Về tình hình kinh doanh, trong năm 2021, Đức Long Gia Lai dự kiến doanh thu đạt 2.000 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 2% so với mức thực hiện năm 2020. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng thu về 50 tỷ đồng sau 2 năm liên tiếp báo lỗ. Năm 2022 và 2023 dự kiến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận 20-25%.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Tập đoàn Đức Long Gia Lai sẽ hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án đã được bổ sung quy hoạch và được cơ quan chức năng chấp thuận đầu tư như dự án nhà máy điện gió Ia Boòng – Chư Prông, Ia Pếch – Ia Grai, Ia Blứ 1 và Ia Blứ 2, Các dự án thủy điện, điện mặt trời, điện gió tại Bình Thuận, Ninh Thuận, Gia Lai, dự án đường Tam Tân và Nút Xoay An Hạ TP Hồ Chí Minh, dự án bất động nghỉ dưỡng tại các tỉnh miền trung,…
Đồng thời DLG cũng sẽ đẩy mạnh tiến độ thi công và hoàn thành đầu tư các dự án thủy điện Tân Thượng, dự án khách sạn Đức Long 1 tại Gia Lai, cùng với đó tiếp tục thực hiện kế hoạch tái cấu trúc tài chính công ty, thoái vốn các dự án kém hiệu quả, tập trung nguồn vốn để thực hiện thành công các dự án tiềm năng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.