Chủ đầu tư chịu hạ giá thì khách hàng sẽ bỏ tiền mua

Thị trường trong giai đoạn cuối năm 2022 đầu năm 2023 trầm lắng, giao dịch kém, thanh khoản không có, nhiều doanh nghiệp đau đầu vì huy động vốn còn người dân thì vẫn tiếp tục chờ hạ giá để xuống tiền mua.

Căn hộ chiết khấu cao, khách vẫn ngại xuống tiền

Thị trường bất động sản dịp cận Tết vẫn giữ nhịp độ trầm lắng, những chủ nhà cần tiền gấp cũng phải tiếp tục “xuống nước” để tìm người mua. Theo đó, không ít người có sẵn tiền mặt vui mừng vì đã mua được với giá hời.

Vừa chốt thành công căn nhà có diện tích 40m2, với giá 3,7 tỷ đồng trong ngõ tại phố Phú Đô (Nam Từ Liêm, Hà Nội), anh Nguyễn Văn Thái đang rất vui mừng vì đã mua được với giá “hời”.

“Cách đây 2 tháng, tôi đến xem căn nhà này đã ưng mắt nhưng khi đó giá tới 4 tỷ đồng. Cận Tết, chủ nhà cần tiền gấp để tất toán công nợ nên đã chấp nhận giảm 300 triệu đồng theo yêu cầu của tôi. Hết Tết, tôi tìm người vào sửa sang lại một chút là có thể ở ngay”, anh Thái nói.

Tương tự, sau một thời gian dài đi tìm nhà, mới đây, vợ chồng anh Nguyễn Trường (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã chốt thành công căn hộ cũ tại Mỹ Đình với mức giá 2 tỷ đồng, diện tích 68m2.

Tuy nhiên, không phải ai cũng chịu xuống tiền ngay lúc này vì tâm lý người mua vẫn còn chờ giá nhà sẽ tiếp tục hạ xuống trong thời gian tới. Có những căn hộ được chiết khấu từ 1 – 3 tỷ nhưng người mua vẫn e dè vì cho rằng giá còn cao.

Chủ đầu tư chịu hạ giá thì khách hàng sẽ bỏ tiền mua - Ảnh 1
Nhiều căn hộ được giảm giá nhưng nhà đầu tư vẫn dè chừng.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), tình trạng lệch pha về cung cầu và lệch pha về cung ứng thị trường dẫn đến giá nhà tăng liên tục trong 5 năm qua, tính từ năm 2017.

Hiện nay, thị trường rơi vào trầm lắng, thậm chí có phân khúc gần như “đóng băng” giao dịch, doanh nghiệp có dấu hiệu hụt hơi, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu. Doanh nghiệp bị mất thanh khoản, không phải chỉ doanh nghiệp nhỏ, mà kể cả những doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng đang gặp rất khó khăn về thanh khoản.

Cũng theo ông Châu, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã tháo gỡ bằng việc giảm giá bán từ 45-50%, căn hộ từ 4 tỷ đồng/căn nay chỉ còn 2 tỷ đồng.

Ghi nhận trên thị trường cho thấy một số dự án thời gian qua đã đưa ra chính sách chiết khấu cao. Đơn cử, tại dự án Tổ hợp thương mại và căn hộ Hà Nội Melody thuộc Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai), môi giới giới thiệu khách hàng sẽ được chiết khấu trên 32% khi thanh toán 95% giá trị căn hộ. Giá căn hộ tại đây dao động từ 45 - 50 triệu đồng/m2, tùy căn và vị trí. Như vậy mức giảm lên tới 1 -3 tỷ đồng tuỳ diện tích căn hộ.

Với nhà đầu tư, dù chiết khấu cao nhưng yếu tố thanh khoản trên thị trường và tiến độ thực hiện dự án khiến nhiều khách hàng e dè xuống tiền. Khảo sát tại các dự án đang mở bán ở Bình Định, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM, một số dự án cũng được chiết khấu từ 15 - 16%.

Thực tế người ôm bất động sản "xả hàng" giảm giá diễn ra ngày càng phổ biến trên thị trường thứ cấp vào cuối quý IV/2022 sau quãng thời gian dài tăng giá liên tục. Tuy nhiên, giá căn hộ nói riêng và bất động sản nói chung vẫn neo khá cao, ít dự án giảm giá bán sâu để thu hồi vốn.

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, khi thị trường có dấu hiệu “đóng băng”, đối diện với vấn đề sống còn, doanh nghiệp chấp nhận giảm giá qua việc tăng khuyến mãi, chiết khấu lên đến 40 - 50% khi thanh toán 95% giá trị hợp đồng, bởi họ đang chịu sức ép về dòng tiền, thanh khoản.

“Việc giảm giá này phải đi vào thực chất, không nên giảm giá theo kiểu đẩy lên rồi hạ xuống. Doanh nghiệp phải hết sức cầu thị, thà bán lỗ để cắt lỗ còn hơn càng đeo theo, càng lỗ to dẫn đến mất vốn” – ông Châu nêu ý kiến.

Tâm lý chờ bắt đáy của nhà đầu tư bất động sản

đội ngũ chuyên gia của VARS dự báo, quý I năm 2023, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ ít biến động và rất khó xảy ra các tình huống mang tính “đột biến”, lượng giao dịch kỳ vọng tương đương với cùng kỳ năm 2022. Tháng 1/2023, mặt bằng giá gần như đi ngang, nhiều nhà đầu tư, khách hàng đã bắt đầu rục rịch xuống tiền với tâm thế sẵn sàng chờ “bắt đáy” bất động sản.

Theo các chuyên gia định nghĩa, mức giá cân bằng là ở điểm lượng cung bằng lượng cầu. Nhu cầu là sự mong muốn và cần thiết, trong khi cầu còn phải đáp ứng thêm khả năng chi trả. Tăng trưởng kinh tế và thu nhập sẽ dần chuyển nhu cầu thành thực cầu và tiềm năng thành cơ hội. Nhìn từ góc độ của nhà đầu tư, thực cầu và cơ hội ở Việt Nam là rất hấp dẫn. Sức hút này có thể tạo ra những giai đoạn bùng nổ về xây dựng - và thị trường tốt sẽ có khả năng tự điều tiết cung cầu.

Chủ đầu tư chịu hạ giá thì khách hàng sẽ bỏ tiền mua - Ảnh 2
Giới đầu tư chờ bắt đáy thị trường bất động sản.

Khi cung lớn hơn cầu, không có người mua, để tạo thanh khoản, chủ sở hữu bất động sản sẽ phải điều chỉnh giá cân bằng tại điểm người mua chấp nhận trả với mức lợi nhuận kỳ vọng hoặc trừ đi khoản lỗ tối đa mà nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể chấp nhận trong trường hợp cần “cắt máu".

Chuyên gia bất động sản của VARS cho rằng, khách hàng có nhu cầu mua bất động sản để ở, tích trữ tài sản hay để đầu tư đều cần phải tự làm rõ các vấn đề: Hiện trạng tài chính của bản thân, nhu cầu – mục đích – thời hạn đầu tư, bối cảnh tại khu vực dự định đầu tư.

Giới chuyên gia nhận định, sau 2 năm phát triển như vũ bão, đây là giai đoạn thích hợp, là cơ hội “có một không hai” để các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, nắm bắt thông tin thị trường hoặc có tiềm lực tài chính mạnh, dòng tiền nhàn rỗi, sẵn sàng đầu tư 3-5 năm trở lên với kỳ vọng lợi nhuận cao hơn lãi suất ngân hàng có thể “gom hàng" do giá bán đã dần ổn định và có nhiều lựa chọn, đặc biệt là ở thị trường thứ cấp.

Đối với những người dân có nhu cầu ở thực, đây là cơ hội để "an cư" bởi giai đoạn này chính là thời điểm mà doanh nghiệp buộc phải tái cơ cấu, điều chỉnh giá bán ở điểm cân bằng nói trên để “sinh tồn".

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khả quan, bất động sản chắc chắn sẽ tăng giá nhanh hơn so với tốc độ tăng thu nhập của xã hội. Nếu khách hàng đã tích lũy đủ tiền mặt, muốn mua các sản phẩm đã hoàn thành hoặc các sản phẩm nhà ở trong tương lai (có tiến độ xây dựng và tình trạng pháp lý tốt) phù hợp với nhu cầu để ở hay tích lũy tài sản thì không cần quan tâm đến giá của căn nhà đó có đã ở "đáy" hay chưa, ngay khi thấy có sự điều chỉnh, có thể lập tức mua vào.

Cần có cuộc cải cách thị trường

Đánh giá về thị trường bất động sản hiện nay, theo Bộ Xây dựng, thị trường vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn, từ nguy cơ "bong bóng" chuyển sang nguy cơ "suy thoái", thiếu nguồn cung ở các phân khúc, cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp với nhu cầu thị trường, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, muốn phát triển thị trường lành mạnh, còn rất nhiều việc phải làm trong trung và dài hạn.

“Trong giai đoạn khó khăn này, không phải chúng ta chỉ sửa, chỉnh. Vận hành trở lại thị trường rất quan trọng nhưng đồng thời nhìn nhận tổng thể để có công cuộc cải cách với thị trường, tái cấu trúc, cải tổ thị trường này từ cấp vĩ mô (cấp chính sách), cho đến cấp vi mô (cấp doanh nghiệp) để thị trường bật dậy” – ông Thành nói.

Thực tế, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chỉ đạo để khắc phục những tồn tại hạn chế, gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Đặc biệt, trong năm 2022, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 18, đặt mục tiêu cụ thể đến hết năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai và một số luật liên quan bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Đây là mục tiêu quan trọng mà hiện nay Chính phủ đang nỗ lực thực hiện.

Mới đây, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ (tháng 12/2022), Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, sắp tới cần rà soát phân khúc các thị trường, trong đó tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư cần tìm cách hạ giá nhà xuống mức hợp lý hơn thì người dân sẽ bỏ tiền ra mua.

An Nhiên

Theo Kinh doanh và Phát triển