Chủ đầu tư KĐT Đại Ninh phải khắc phục sai phạm, trồng lại rừng bị phá nếu tiếp tục triển khai dự án

Nếu được tiếp tục thực hiện dự án, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh phải cam kết khắc phục các tồn tại, hạn chế, sai phạm; cam kết trồng rừng trên diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Nếu tiếp tục để mất rừng, doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

 

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng Võ Danh Tuyên vừa ký ban hành văn bản số 1976/SNN-KL gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư liên quan đến dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh do Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn - Đại Ninh làm chủ đầu tư.

Theo đó, về việc chấp hành nghĩa vụ tài chính về thuê rừng, Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh được UBND tỉnh cho thuê rừng để triển khai dự án với tổng diện tích hơn 1.050 ha từ 2011. Đến nay doanh nghiệp này đã ký hợp đồng thuê rừng và nộp tiền thuê rừng đến năm 2020.

Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cho biết, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh đã thống nhất với số liệu mất rừng theo Kết luận thanh tra số 2094/KL-UBND ngày 13/4/2020 của UBND tỉnh và đã chấp hành nộp đủ số tiền bồi thường vào ngân sách nhà nước theo quy định. Vì vậy, việc kiểm kê tài nguyên rừng để điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, điều chỉnh diện tích rừng được thuê có thể tiến hành song song với việc triển khai thực hiện dự án.

Chủ đầu tư KĐT Đại Ninh phải khắc phục sai phạm, trồng lại rừng bị phá nếu tiếp tục triển khai dự án - Ảnh 1
Văn bản của Sở nông nghiệp - Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng.

Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn đề nghị Công ty Sài Gòn - Đại Ninh phải cam kết và thống nhất nếu kết quả kiểm kê tài nguyên rừng trong lần kế tiếp mà bị mất rừng thì phải có trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Nếu được tiếp tục thực hiện dự án, đề nghị Công ty Sài Gòn - Đại Ninh cam kết khắc phục các tồn tại, hạn chế, sai phạm tại dự án là ký hợp đồng thuê rừng năm 2021 và nộp tiền thuê rừng theo quy định; cam kết trồng rừng, trồng cây xanh trên diện tích đất trống và trên diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.

Đối với diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm chưa giải tỏa thì phải lập phương án giải tỏa và báo cáo, đề nghị chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan hỗ trợ giải tỏa thu hồi đất và cam kết khôi phục rừng, sử dụng đất đúng mục đích theo quy định.

Đồng thời khẩn trương xây dựng phương án quản lý rừng bền vững gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt và bố trí lực lượng bảo vệ rừng đủ mạnh để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng tại dự án theo quy định.

Trước đó, văn bản cuối tháng 9, Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn đã xác định diện tích rừng bị mất của dự án là 257 ha; trong đó, diện tích hơn 140 ha xác định trữ lượng năm 2016 được phê duyệt giá trị bồi thường tài nguyên rừng là gần 6,7 tỷ đồng. Công ty cổ phần đầu tư và du lịch Sài Gòn - Đại Ninh đã nộp đủ.

Chủ đầu tư KĐT Đại Ninh phải khắc phục sai phạm, trồng lại rừng bị phá nếu tiếp tục triển khai dự án - Ảnh 2
Phối cảnh Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh

Diện tích hơn 116 ha được xác định trữ lượng năm 2011 xác định giá trị hơn 12,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh không thống nhất về diện tích, trữ lượng và có đơn kiến nghị.

Ngày 3/6/2021, UBND tỉnh giao Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn thực hiện giải quyết kiến nghị trên theo thẩm quyền. Đến nay, chủ đầu tư đã thống nhất và nộp tiền vào ngân sách nhà nước.

Như vậy, với tổng số 257 ha rừng bị mất tại dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, chủ đầu tư là Công ty Sài Gòn - Đại Ninh đã bồi thường khoảng 18,8 tỷ đồng. Sau đó doanh nghiệp được nhiều Sở, ngành đề xuất cho tiếp tục triển khai dự án.

Quá trình chủ đầu tư thực hiện dự án, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các Sở, ngành và UBND huyện Đức Trọng tổ chức hướng dẫn và tham mưu UBND tỉnh các kiến nghị, đề xuất của chủ đầu tư có liên quan đến lĩnh vực quy hoạch xây dựng theo quy định.

Linh Lan

Theo Sở hữu trí tuệ