Chủ mới lộ diện, Chứng khoán Quốc tế Hoàng gia thay tên, đổi 'áo'
Trước khi đổi tên thành Chứng khoán UP, công ty này đã thay máu toàn bộ dàn nhân sự cấp cao. Một số lãnh đạo cốt cán, cũng là những cổ đông đời đầu đã thoái sạch vốn trước khi từ nhiệm.
Theo thông báo từ Công ty CP Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia (IRS), từ ngày 23/9/2024, công ty chính thức đổi tên thành Công ty CP Chứng khoán UP (UP Securities Company – UPS), đồng thời sử dụng bộ nhận diện thương hiệu, website, nền tảng giao dịch, email và fanpage mới.
Những thông tin khác như số tài khoản ngân hàng, số điện thoại liên hệ, số fax, địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, phòng giao dịch không thay đổi.
Theo Chứng khoán UP, việc đổi thương hiệu nằm trong chiến lược phát triển dài hạn, nhằm đáp ứng nhu cầu của thế hệ nhà đầu tư mới, hướng đến các giải pháp tài chính đầu tư cá nhân dành cho giới trẻ.
Cụ thể, chiến lược phát triển sẽ hướng tới ba nội dung: ứng dụng công nghệ, phát triển sản phẩm, cộng đồng & truyền thông đa kênh. Trong đó, công ty chứng khoán này đặt trọng tâm đổi mới công nghệ, cải tiến liên tục, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn vào đầu tư chứng khoán. Tiếp theo là hướng tới các sản phẩm tài chính linh hoạt, dễ tiếp cận, phù hợp với thế hệ trẻ và liên kết với các nền tảng fintech. Đối với cộng đồng và truyền thông đa kênh, Chứng khoán UP dự định phát triển cộng đồng nhà đầu tư trẻ thông qua các nền tảng số.
“Thay máu” toàn bộ dàn nhân sự cấp cao
Cần biết, việc thay đổi thương hiệu là một trong những nội dung được ĐHĐCĐ công ty thông qua tại cuộc họp bất thường diễn ra ngày 29/6. Đây cũng là sự kiện đánh dấu cuộc “thay máu” nhân sự cấp cao tại Chứng khoán UP.
Cụ thể, tại cuộc họp này, ĐHĐCĐ Chứng khoán UP đã thông qua việc miễn nhiệm tư cách Thành viên HĐQT đối với ông Lê Thanh, ông Hồ Ngọc Toàn và bà Trần Thị Thu Hương; miễn nhiệm tư cách Thành viên Ban Kiểm soát đối với ông Đoàn Danh Hưng, bà Phan Thị Mai Hương và bà Nguyễn Thị Mai Anh.
Tất cả nhân sự nói trên đã nộp đơn từ nhiệm trong hai ngày 28-29/6 với cùng một lý do: “thay đổi kế hoạch công việc trong thời gian tới”.
Đáng nói, trước đó 10 ngày, bà Trần Thị Thu Hương đã từ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc sau 9 năm gánh vác trọng trách, nhường “ghế nóng” lại cho ông Nguyễn Quang Đạt . Một trường hợp đáng chú ý khác là ông Hồ Ngọc Toàn. Vị này mới trúng cử vị trí Thành viên HĐQT Chứng khoán UP từ tháng 1, sau khi ông Lê Thanh Hà – người có 16 năm gắn bó với HĐQT Chứng khoán UP – xin nghỉ hồi cuối tháng 11/2023 vì lý do cá nhân.
Cũng tại cuộc họp, ĐHĐCĐ Chứng khoán UP đã phê duyệt phương án tăng số lượng và bầu thay thế, bổ sung Thành viên HĐQT. Theo đó, HĐQT mới gồm 4 thành viên là ông Cao Tấn Thành (Chủ tịch HĐQT), ông Vũ Việt Bảo, ông Lê Tuấn và bà Vũ Thị Hồng Giang (Thành viên độc lập). Cùng với đó, Ban Kiểm toán cũng được kiện toàn lại, với sự xuất hiện của các nhân sự mới là bà Nguyễn Diệu Trang (Trưởng ban), bà Ngô Thị Song Ngân và ông Phạm Xuân Thành.
Sau cuộc họp ĐHĐCĐ này, biến động nhân sự cấp cao vẫn tiếp tục diễn ra. Cụ thể, Chứng khoán UP đã miễn nhiệm chức danh Kế toán trưởng đối với bà Nguyễn Thị Khanh và bầu ông Trần Văn Chiến vào vị trí này, đồng thời kiêm nhiệm chức vụ Giám đốc Tài chính. Bên cạnh đó, công ty chứng khoán này cũng có Phó tổng giám đốc phụ trách Tài chính mới là ông Trần Đức Nam.
Giới chủ mới dần lộ diện
Theo quan sát, cùng với cuộc “thay máu” nhân sự cấp cao, Chứng khoán UP cũng đã “đổi chủ”. Báo cáo quản trị bán niên 2024 của Chứng khoán UP cho thấy, nửa đầu năm, cựu Chủ tịch HĐQT Lê Thanh, cựu Tổng giám đốc Trần Thị Thu Hương và cựu Trưởng Ban kiểm soát Đoàn Danh Hưng đồng loạt hạ tỷ lệ sở hữu về 0%. Trước khi thoái sạch vốn, ba vị này lần lượt nắm 82,95%, 7,7% và 4,53% của Chứng khoán UP, tương ứng tổng tỷ lệ sở hữu là 92,18%.
Cần biết, đây đều là những cổ đông đã gắn bó với Chứng khoán UP từ những ngày đầu tiên. Báo cáo thường niên 2009 của UPS ghi nhận, tại ngày 31/12/2009, công ty có 11 cổ đông lớn, gồm 2 tổ chức và 9 cá nhân. Trong đó, hai cổ đông tổ chức là Công CP Quốc tế Hoàng Gia (UPCoM: RIC) và Công ty CP SPM (HoSE: SPM) cùng nắm 5% vốn. Chủ tịch Lê Thanh (Lê Thanh Tao) cùng các thành viên trong gia đình là ông Lê Thanh Hà (anh trai), bà Nguyễn Thị Giá (mẹ), ông Lê Hồng Thảo (cha) nắm 37,35% vốn. Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu của bà Trần Thị Thu Hương và ông Đoàn Danh Hưng cùng là 10% vốn.
Trở lại với báo cáo bán niên 2024, nhóm chủ mới của Chứng khoán UP đã dần lộ diện. Cụ thể, tại ngày 30/6/2024, tân Chủ tịch Cao Tấn Thành đang nắm giữ 16,5% vốn, trong khi Thành viên HĐQT Lê Tuấn nắm 19,5%. Tuy nhiên, các cổ đông khác tham gia mua lượng cổ phiếu từ 3 cựu lãnh đạo vẫn chưa được tiết lộ.
Được biết, tân Chủ tịch Cao Tấn Thành hiện đang là cổ đông lớn tại Công ty CP Phim Mới (lĩnh vực điện ảnh) và Công ty CP Bolt Holdings (lĩnh vực bất động sản). Còn ông Lê Tuấn đang đảm nhiệm Tổng Giám đốc tại Công ty CP EP Advisory (lĩnh vực tư vấn quản lý).
Nói thêm về Chứng khoán UP, công ty được thành lập năm 2007, đặt trụ sở tại tầng 12 tòa nhà CDC, số 25 phố Lê Đại Hành, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Năm 2009, UPS từng lọt top 20 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất HoSE, top 10 thị phần HNX. Giai đoạn 2007 – 2010, công ty này từng duy trì mức lãi ròng bình quân hơn 4,3 tỷ đồng/năm. Sau khi thua lỗ vào năm 2011, trong giai đoạn 2012 – 2020, mức lãi ròng bình quân giảm xuống chỉ còn hơn 400 triệu đồng/năm.
Năm 2021, tình hình kinh doanh của công ty bất ngờ thăng hoa trở lại với lợi nhuận lên tới 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, lợi nhuận sụt giảm mạnh, chỉ còn 1,2 tỷ đồng. Đến năm 2023, con số này tiếp tục chia đôi, chỉ còn 664 triệu đồng.