BĐS KCN ‘hồi sinh’ trở lại: Miếng bánh ngon của nhiều ‘ông lớn’ địa ốc?

Sau đại dịch Covid – 19, thị trường Bất động sản Khu công nghiệp (KCN) đang có những bước phục hồi và phát triển với hàng loạt dự án đầu tư khu công nghiệp mới được chấp thuận đầu tư trên khắp các tỉnh.

Bất động sản KCN vẫn là điểm sáng bất chấp dịch bệnh

Trải qua hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thị trường BĐS đối mặt với nhiều khó khăn. Riêng phân khúc BĐS KCN, đặc biệt là tại các địa phương được coi là ổ dịch như Bắc Ninh hay Bắc Giang ghi nhận tình trạng các nhà máy phải tạm đóng cửa, gây không ít lo ngại về kịch bản bất động sản công nghiệp có thể diễn biến theo chiều hướng xấu.

Tuy nhiên, trên thực tế, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đã không làm thay đổi sức ‘nóng’ của bất động sản công nghiệp. Phân khúc này vẫn ghi nhận nhiều chỉ số tích cực và tiếp tục là phân khúc hấp dẫn.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tỷ lệ lấp đầy trung bình cả nước là 87% tổng diện tích đất KCN và diện tích cho thuê 20.567 ha, tăng 2,35% so với năm 2019. Tại miền Bắc, Bắc Ninh và Hà Nội tiếp tục là hai thị trường dẫn đầu toàn khu vực với tỷ lệ lấp đầy lần lượt là 99% và 91%. Ở phía Nam, tỷ lệ lấp đầy tại TP HCM là 88%, Bình Dương 99%, Đồng Nai 94%...

Ngoài ra, giá thuê BĐS công nghiệp cũng tăng mạnh thời gian qua. Cụ thể,  giá thuê đất tại các KCN miền Nam đạt mức 114 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 7,1% nếu so với năm 2020. Trong khi giá thuê đất KCN thị trường miền Bắc là 108 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,1%.

Bất động sản KCN là một trong những phân khúc ít chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid – 19.  
Bất động sản KCN là một trong những phân khúc ít chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid – 19.  

Trong 2 đầu năm, sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, tăng mạnh so với mức tăng 2,8% của tháng 1. Tốc độ tăng trưởng sản lượng tăng nhanh ở lĩnh vực sản xuất cũng đã được cải thiện từ 2,8% trong tháng 1 lên mức 10% trong tháng 2. Số liệu FDI 2 tháng đầu năm, Bắc Ninh dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư. Thái Nguyên đứng thứ 2 với việc thu hút được 924 triệu USD vốn FDI, chiếm gần 18,5% tổng vốn FDI cả nước trong kỳ... Hay trong tháng 3/2022, Tập đoàn Fuchs thuê thành công khu đất tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để mở rộng hoạt động tại Việt Nam, với việc thuê dài hạn khu đất 20.000 m2 tại KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3...

Bất động sản KCN đón làn sóng đầu tư lớn đổ vào

Được biết, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong những tháng đầu năm đang trên đà phục hồi và làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư vào phân khúc này. Việc mở cửa trở lại là yếu tố quan trọng giúp củng cố niềm tin cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế, đồng thời hứa hẹn năm 2022 tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghiệp và BĐS công nghiệp.

Khảo sát cho thấy, trong quý I/2022 thị trường BĐS KCN diễn biến khá sôi động, với những khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD tại các KCN trên cả nước. Tiêu biểu như: LOGOS Viet Nam Logistics Venture thực hiện thương vụ M&A thứ 4 tại Việt Nam, thiết lập mối quan hệ đối tác liên doanh để mua lại một nhà xưởng logistics hiện đại xây theo yêu cầu (built-to-suit) có tổng diện tích 116.000 m2, với giá trị đầu tư lên đến 80 triệu USD; CapitaLand Development cũng đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư 1 tỷ USD với tỉnh Bắc Giang để phát triển KCN và khu đô thị đầu tiên của CLD tại Việt Nam...

Bên cạnh đó nhiều ông lớn khác cũng đang chuyển hướng, đẩy mạnh đầu tư BĐS KCN.

Lấy đơn cử như Vinhomes IZ - Công ty con thuộc lĩnh vực bất động sản công nghiệp của Vinhomes (Mã CK: VHM) đã tăng vốn điều lệ từ 70 tỷ đồng lên 18.500 tỷ đồng chỉ trong 2 năm, gần gấp đôi con số 10.000 tỷ đồng được dự kiến trước đó. Có thể thấy tham vọng của Vinhomes đối với lĩnh vực KCN là rất lớn.

Hay như Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã CK: PDR) đã được tỉnh Đồng Tháp chấp thuận cho tiếp cận, nghiên cứu đề xuất đầu tư 3 dự án: KCN Cao Lãnh, KCN Cao Lãnh II và KCN Cao Lãnh III, với tổng quy mô 2.000 ha, dự kiến khởi công giai đoạn I trong năm 2024, tổng mức đầu tư 14.726 tỷ đồng, với các phân kỳ: giai đoạn I từ 2021 – 2025 phát triển quy mô 1.000 ha và giai đoạn II từ 2026 – 2030 quy mô từ 1.000 ha. Nhà đầu tư Phát Đạt nghiên cứu đề xuất dự án KCN - dịch vụ đô thị Phát Đạt - Dung Quất (Quảng Ngãi), với quy mô 1.152 ha, dự kiến khởi công năm 2023; dự án Kho bãi tổng hợp – dịch vụ logistics Tài Tiến (Bà Rịa – Vũng Tàu), quy mô 24 ha đang trong giai đoạn triển khai xây dựng...

Nhiều ông lớn Bất động sản đang lên kế hoạch đẩy mạnh đầu tư phân khúc BĐS KCN khiến thị trường này dần trở nên cực kỳ sôi động.  
Nhiều ông lớn Bất động sản đang lên kế hoạch đẩy mạnh đầu tư phân khúc BĐS KCN khiến thị trường này dần trở nên cực kỳ sôi động.  

Trong khi đó, Tập đoàn Hoà Phát (Mã CK: HPG) cũng có kế hoạch cụ thể đổ tiền vào BĐS công nghiệp và đang đầu tư khai thác hạ tầng kỹ thuật 3 khu công nghiệp bao gồm: Phố Nối A (600 ha) và Yên Mỹ II (giai đoạn I: 97,5 ha) – Hưng Yên; KCN Hòa Mạc – Hà Nam (131 ha).

Thời điểm tháng 3/2022 thị trường BĐS KCN lại đón dự án đầu tư mới của Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM), đơn vị thành viên của CTCP Chứng khoán SSI (SSI) đã ký hợp tác cùng CTCP Shinec nghiên cứu cơ hội đầu dự án KCN Ninh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, với quy mô 620 ha để phát triển chuyên sâu về dược phẩm, dịch vụ dưỡng lão và y tế...

Theo dự kiến, đến cuối năm 2022, Bình Dương và Đồng Nai sẽ có thêm 2 Khu công nghiệp mới là VSIP III và AMATA Long Thành hoàn thành hạ tầng và sẵn sàng cho thuê. VSIP III vừa khởi công vào nửa cuối tháng 3/2022, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã đăng ký xây nhà máy trị giá 1 tỷ USD.

Về thị trường nhà xưởng xây sẵn và nhà kho phía Nam cũng có nhiều dự án được xây dựng và sẽ hoàn thành trong năm 2022 với những cái tên nổi bật như SLP, BWID, Khu công nghiệp Việt Nam, JD.com..., cung cấp cho thị trường thêm khoảng 800.000 m2 diện tích kho xưởng.

Nhu cầu lớn khiến tỷ lệ lấp đầy các Khu công nghiệp phía Nam luôn duy trì ở mức cao (90%), mức giá thuê ổn định nhờ sự tăng trưởng nguồn cung. Riêng tỉnh Long An, nhờ giao thông thuận tiện kết nối từ Thành phố Hồ Chí Minh nên mức giá cho thuê nhà xưởng tăng mạnh so với cùng kỳ từ 21-45%.

Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội nhận xét: "Thị trường Việt Nam chứa đựng nhiều yếu tố đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang phải cạnh tranh cao để tìm kiếm địa điểm phù hợp. Bất động sản công nghiệp vẫn tập trung nhiều tại các địa bàn lân cận khu đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và có kết nối thuận tiện với sân bay, bến cảng. Điều này khiến nguồn cung tại các khu vực này trở nên khan hiếm và đẩy giá đất tăng cao.

Tùy vào đặc tính của từng ngành, nhà đầu tư sẽ tìm thấy những cơ hội và lợi thế phát triển khác nhau ở từng địa bàn bởi mỗi lĩnh vực sẽ có những yêu cầu riêng. Nhiều doanh nghiệp ưu tiên các tiêu chí về diện tích lớn, giá đất thấp và khả năng tiếp cận đến cảng biển, sân bay. Do đó, để tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư tại các tỉnh, Việt Nam cần hoàn thiện mạng lưới giao thông, cải thiện cơ sở hạ tầng cũng như ban hành các chính sách hỗ trợ kinh tế. Từ đó, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất sẽ được trải đều trong cả nước."

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam dự báo: Năm 2022, các phân khúc như bất động sản công nghiệp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng là các phân khúc đang hút hoạt động đầu tư sẽ tiếp tục có tăng trưởng tốt và có dự báo phát triển tích cực hơn.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có 575 khu công nghiệp được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm. Hệ thống khu công nghiệp của Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Minh Đức

Theo Chất lượng và Cuộc sống