Chủ tịch Hội môi giới BĐS Khánh Hòa: ‘Chẳng có chủ đầu tư nào thực hiện bảo lãnh ngân hàng'

Ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Khánh Hòa, cho rằng giao dịch bất động sản qua sàn không chỉ giúp các cơ quan nhà nước quản lý tốt mà còn chống thất thu thuế.

Bộ Xây dựng vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Đà Nẵng.

Góp ý cho dự thảo, về quy định mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty đô thị FPT Đà Nẵng, cho rằng không nên quy định cứng nhắc trong luật mà chỉ nên khuyến khích vì giữa bên bán và bên mua là vấn đề dân sự.

“Thực tế như chúng tôi, một nửa là bán cho nhân viên, tự dưng đưa ra bảo lãnh, ngân hàng thu phí bảo lãnh, cuối cùng giá thành đẩy vào người mua”, ông Lộc nói.

Ông Lộc cũng đề xuất không nên quy định tất cả chủ đầu tư kinh bất động sản đều phải bán qua sàn mà có thể bán trực tiếp hoặc bán qua sàn. Bán qua sàn không thay đổi được hành vi mà sàn thu phí thì vô hình trung tăng giá bán lên.

Theo ông, Lộc các cơ quan quản lý muốn giao dịch qua sàn để xem xét tính pháp lý của dự án. Tuy nhiên, theo quy định, bất kỳ sản phẩm nào bán đều phải đủ quy định, đó là chưa nói "ông" lên sàn chắc gì đã đủ pháp lý để khách hàng yên tâm hơn.

Ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Khánh Hòa, cho rằng Luật Kinh doanh bất động sản 2014 tồn tại nhiều lỗ hổng lớn. Đó là chủ đầu tư chưa đủ điều kiện huy động vốn đã lách luật bằng cách đặt cọc thiện chí… nhưng tất cả đều sai luật.

Ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Khánh Hòa nêu ý kiến tại hội thảo.
Ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Khánh Hòa nêu ý kiến tại hội thảo.

Theo ông Quý, hiện nay không có chủ đầu tư nào thực hiện việc bảo lãnh ngân hàng. Nếu có thì đã không có kiện cáo của người dân. Đa phần chủ đầu tư lấy vốn, ngoài việc bổ sung dự án, còn mang đi đầu tư.

Ông Quý cho rằng, các cơ quan quản lý đã buông lỏng việc này. Khi chủ đầu tư nộp bản vẽ lên, Sở Xây dựng sẽ phê: “qua kiểm tra đối chiếu hồ sơ, nhận thấy dự án này đủ điều kiện. Tuy nhiên trước khi thực hiện việc đó, đề nghị chủ đầu tư thực hiện bảo lãnh ngân hàng”. Thế nhưng thực tế không có chủ đầu tư nào thực hiện việc này và cũng không có chế tài nào cho việc này. Và người thiệt thòi chính là người dân.

“Chủ đầu tư phải có bảo lãnh ngân hàng trước, sau đó mới nộp hồ sơ lên Sở Xây dựng, có làm được như vậy mới chạn chế được nhiều khiến nại”, ông Quý nói.

Nói về quy định giao dịch bất động sản phải thông qua sàn, ông Quý cho rằng, bây giờ các chủ đầu tư dùng mạng xã hội để tiếp thị người mua. Đây là những kênh mà cơ quan chức năng không quản lý được, vì vậy phải thông qua sàn. Thông qua sàn còn để chống thất thu thuế.

“Chủ đầu tư ngại thông qua sàn chỉ ngại huy động vốn trái phép mà thôi. Nếu chủ đầu tư hoạt động có tâm, có tầm không có gì phải ngại”, ông Quý nêu quan điểm.

Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) do Bộ Xây dựng tổ chức tại Đà Nẵng.
Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) do Bộ Xây dựng tổ chức tại Đà Nẵng.

Ông Trần Văn Bình, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - phụ trách khu vực miền Trung, cho rằng quy định giao dịch bất động sản phải qua sàn giao dịch không phải là can thiệp hành chính vào thị trường mà là tổ chức lại thị trường để trở nên hiệu quả và minh bạch hơn, khắc phục các khiếm khuyết vốn có của thị trường. Đây chính là một chức năng quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước.

Theo ông Bình, bất động sản là loại hàng hóa có quá trình hình thành rất phức tạp và trong thời gian kéo dài. Chỉ người bán mới nắm được những thông tin về chất lượng xây dựng, tình trạng pháp lý hay quá trình đầu tư có đảm bảo không. Nói cách khác đây là thị trường có tính chất bất đối xứng thông tin giữa người bán và người mua rất cao. Thị trường được tổ chức tốt cần phải đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho cả bên bán và và bên mua.

“Các chế tài về sự minh bạch thoạt nhìn có vẻ như hạn chế các chủ đầu tư, nhưng về dài hạn sẽ giảm bớt chi phí cho chủ đầu tư trước sự cạnh tranh không lành mạnh. Các yêu cầu quy định này sẽ là bước sàng lọc, loại bỏ bớt phần lớn các chủ đầu tư không đủ năng lực triển khai dự án nhưng vẫn tham gia phát triển bất động sản, làm thị trường trở nên rủi ro, thiếu kiểm soát và chi phí giao dịch tăng cao”, ông Bình nói.

Khánh Hồng

Theo VietnamFinance