Tin bất động sản hôm nay ngày 13/9: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sẽ bổ sung hành lang pháp lý cho Condotel, Officetel và Shophouse?

Bổ sung hành lang pháp lý cho condotel, officetel; Tuyên Quang xin làm sân bay Na Hang; Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất việc sở hữu chung cư có thời hạn; Hà Nội đề nghị tăng 1.900 tỷ, thêm thời gian để hoàn thiện dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 13/9.

Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sẽ bổ sung hành lang pháp lý cho condotel, officetel?

Bộ Xây dựng cho biết, dự thảo luật Kinh doanh bất động sản có 99 điều, chia thành 11 chương. Dự thảo sẽ quy định sửa đổi, bổ sung một số nội dung để làm rõ, bảo đảm tính công khai, minh bạch của hoạt động kinh doanh bất động sản và tránh chồng chéo, giao thoa của hệ thống pháp luật.

Đồng thời, làm rõ các nội dung liên quan đến kinh doanh bất động sản dưới dạng quyền sử dụng đất trong các dự án bất động sản, tránh chồng chéo với pháp luật về đất đai; hợp nhất các quy định yêu cầu về công khai thông tin bất động sản của Luật hiện hành và các quy định về thông tin nhà ở của Luật Nhà ở để thống nhất quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Đáng chú ý, dự thảo luật sẽ bổ sung một số nội dung quy định cụ thể về giao dịch, kinh doanh các loại bất động sản là công trình căn hộ khách sạn (condotel), biệt thự nghỉ dưỡng (resort villa), công trình văn phòng làm việc kết hợp lưu trú (officetel), nhà phố thương mại (shophouse); bổ sung quy định về việc điều tiết để bình ổn và bảo đảm sự ổn định, lành mạnh của thị trường bất động sản.

Tại Chương 3 quy định về kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, gồm 7 điều nêu nội dung các loại điều kiện đối với nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh; nguyên tắc kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; huy động vốn và quản lý, sử dụng vốn huy động trong kinh doanh nhà ở…

Một số nội dung của cơ bản giữ nguyên quy định hiện hành như: nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai phải xây dựng xong phần móng trước khi bán cho thuê mua; chủ đầu tư khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thực hiện bảo lãnh; chủ đầu tư chỉ được thu không quá 95% giá trị hợp đồng khi bên mua, bên thuê mua chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Nội dung quy định về việc bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai được sửa đổi, bổ sung làm rõ hơn tại Điều 28 của Dự thảo.

Chương 7 của Dự thảo quy định chi tiết về sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản, tư vấn quản lý bất động sản…

Theo đó, về mô hình hoạt động của sàn giao dịch bất động sản được quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Dự thảo như sau: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp theo pháp luật về doanh nghiệp, phải đảm bảo điều kiện và đăng ký hoạt động theo pháp luật kinh doanh bất động sản”.

Tuyên Quang xin làm sân bay Na Hang

UBND tỉnh Tuyên Quang vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính Phủ xem xét, chấp thuận, tổng hợp bổ sung một vị trí cảng hàng không, sân bay tại tỉnh Tuyên Quang vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Văn bản do Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn ký, đề xuất xây dựng Cảng hàng không Na Hang tại xã Năng Khả, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  

Theo lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, đây là vị trí dân cư thưa thớt, diện tích đất rộng lớn, địa chất vững chắc, bằng phẳng, đồng thời gần Khu Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình, gần các tuyến giao thông quan trọng như Quốc lộ 279, Quốc lộ 2C, Quốc lộ 280 và kết nối thuận lợi với trung tâm và cửa khẩu các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kan,….

Quy mô đề xuất là khoảng 350 ha, trong đó quy mô cảng hàng không, sân bay cấp 4C diện tích khoảng 280 ha và sân bay quân sự cấp II diện tích khoảng 70 ha.

UBND tỉnh Tuyên Quang cũng dự kiến quá trình phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, đến năm 2030 sẽ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trên cơ sở chủ động kêu gọi xã hội hóa đầu tư sân bay chuyên dùng (thực hiện khai thác các tuyến bay nội địa hàng không thường kỳ và khai thác một số tuyến bay quốc tế, phục vụ tìm kiếm cứu nạn và quốc phòng an ninh).

Giai đoạn 2, sau năm 2030, sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh thành cảng hàng không cấp 4C.

Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, đồng ý chủ trương cho phép cập nhật Cảng Hàng không Na Hang, tỉnh Tuyên Quang vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 và cho phép tiến hành các thủ tục đầu tư đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Đồng thời, giao UBND tỉnh Tuyên Quang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện Dự án theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất việc sở hữu chung cư có thời hạn

Ở dự thảo lần 2, Bộ Xây dựng đưa ra 2 phương án quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Phương án 1: Bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình theo quy định của pháp luật xây dựng.

Phương án 2: Giữ nguyên như quy định hiện hành (không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, người mua nhà chung cư được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài).

Đề xuất thời hạn sở hữu nhà chung cư từng gây sự chú ý dư luận. Bộ Xây dựng khẳng định cần thiết phải đưa ra quy định về vấn đề này.

Ở phương án 1, Bộ Xây dựng nêu rõ thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ được áp dụng đối với chung cư thương mại, nhà ở xã hội, tái định cư, chung cư công vụ.

Thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng của công trình nêu trong hồ sơ thiết kế công trình và được tính từ khi nghiệm thu toàn bộ công trình đưa vào sử dụng.

"Khi thẩm định hồ sơ thiết kế công trình nhà chung cư, cơ quan có thẩm quyền thẩm định phải ghi rõ thời hạn sử dụng nhà chung cư trong hồ sơ thiết kế", Bộ Xây dựng bổ sung tại dự thảo. Thời hạn sở hữu nhà chung cư cũng phải được ghi rõ trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư.

Riêng đối với các nhà chung cư được cấp giấy phép xây dựng hoặc có văn bản thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở (đối với trường hợp miễn giấy phép xây dựng) trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì được sở hữu không có thời hạn theo quy định trước đó.

Theo Bộ Xây dựng, đề xuất nêu trên cũng được tham khảo dựa trên kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Như Trung Quốc quy định thời hạn sở hữu từ 50-70 năm, Thái Lan quy định thời hạn sở hữu là 30 năm và có thể gia hạn thêm, Singapore, Mỹ có thời hạn sở hữu tối đa là 99 năm và khi gia hạn thêm thì chủ sở hữu phải nộp thêm một khoản phí nhất định…

Khi công trình nhà chung cư hết thời hạn sử dụng thì sẽ chấm dứt thời hạn sở hữu (trừ trường hợp được gia hạn) và các nước sẽ thực hiện việc phá dỡ, xây dựng lại để bảo đảm an toàn cho người sử dụng cũng như thực hiện công tác chỉnh trang đô thị.

Tại dự thảo, Bộ Xây dựng cũng nêu phương án xử lý nhà chung cư chưa hết hạn sở hữu và hết hạn sở hữu.

Thứ nhất, nếu nhà chung cư còn thời hạn sở hữu nhưng bị hư hỏng do sự cố, thiên tai, địch họa, cháy nổ... không đảm bảo an toàn sẽ phải phá dỡ khẩn cấp. Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ thông báo, di dời người dân để phá dỡ, xây dựng lại cũng như bố trí tái định cư.

Thứ hai, nếu chung cư hết hạn sở hữu nhưng vẫn còn đủ điều kiện sử dụng, chủ sở hữu sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận gia hạn thời hạn sở hữu. Nếu kết quả kiểm định cho thấy nhà phải phá dỡ, quyền sở hữu của chủ căn hộ sẽ chấm dứt.

Trong trường hợp tại địa điểm cũ, Nhà nước vẫn duyệt quy hoạch xây dựng lại nhà chung cư, thì chung cư sẽ được phá đi xây lại. Còn nếu quy hoạch mới không tiếp tục xây dựng lại nhà chung cư, chủ sở hữu được bồi thường về đất và bố trí tái định cư theo quy định của pháp luật về đất đai.

Hà Nội đề nghị tăng 1.900 tỷ, thêm thời gian để hoàn thiện dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội

Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, mốc thời gian hoàn thành dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội được lùi từ 2022 sang 2027, tổng vốn đầu tư tăng hơn 1.900 tỷ đồng.

Tờ trình nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, được trình HĐND TP Hà Nội xem xét, thông qua tại phiên họp ngày 12/9.

Thời gian thực hiện dự án được đề xuất từ 2009-2022 thành 2009-2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng). Trong đó, đoạn trên cao đưa vào khai thác, vận hành năm 2022 và khai thác toàn tuyến năm 2027 (gồm cả đoạn ngầm). Tổng mức đầu tư dự án được đề xuất tăng từ trên 32.900 tỷ đồng lên hơn 34.800 tỷ đồng.

Dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội lỗi hẹn đã nhiều lần.  
Dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội lỗi hẹn đã nhiều lần.  

Nhận định về tiến độ dự án, UBND Hà Nội cho biết chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến tiến độ thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu.

Tính đến hiện nay, tiến độ tổng thể chung của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đạt khoảng 75%, trong đó tiến độ thi công đoạn tuyến trên cao đạt 96,3%.

Theo UBND Hà Nội, hiện, 9/10 hợp đồng các gói thầu cần phải ký kết các phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian thực hiện và bổ sung các chi phí. Nguyên nhân là kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng và đã hết hạn thời gian thực hiện hợp đồng.

Đến nay, chủ đầu tư mới ký kết phụ lục hợp đồng với 5 gói thầu CP1, CP2, CP5, CP7 và PIC, đồng thời gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng các gói thầu này đến tháng 12 năm nay, Ngoài ra, đơn vị đang triển khai thương thảo với gói thầu CP6, CP8 và CP3.

Theo UBND thành phố, tiến độ hoàn thành dự án hoàn toàn phụ thuộc vào gói thầu CP03 (hầm và các ga ngầm). Do khó khăn trong bàn giao mặt bằng nên chủ đầu tư đã thống nhất với nhà thầu điều chỉnh tiến độ thi công lên khoảng 4-5 năm. Hiện gói thầu này đã bị dừng thi công hơn một năm, chủ đầu tư đang phấn đấu bàn giao mặt bằng trong tháng 10 và đàm phán để nhà thầu thi công trở lại.

Việc tăng tổng mức đầu tư cũng được UBND thành phố lý giải bởi 7 nguyên nhân gồm biến động tỷ giá quy đổi, điều chỉnh khối lượng công việc, chậm tiến độ, bổ sung các công việc còn thiếu... Nguồn vốn bổ sung cho phần tăng thêm sử dụng từ ngân sách nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp ngày 7/8/2022 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án.

Trong tờ trình, UBND TP Hà Nội cho hay cũng đã xem xét phương án đẩy nhanh tiến độ thi công, rút ngắn thời gian hoàn thành dự án vào năm 2026 (rút ngắn hơn 11 tháng). Chủ đầu tư đã báo cáo Hội đồng thẩm định thành phố xem xét, đánh giá, nhưng với các rủi ro về kỹ thuật cũng như chi phí do đẩy nhanh tiến độ, thành phố không đề xuất phương án này.

Sau khi nghị quyết được HĐND thành phố Hà Nội thông qua, ngay trong tháng 9 UBND thành phố sẽ trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Nhiều bất cập trong việc cưỡng chế công trình vi phạm ở Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang

Trong cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Sỹ Khánh - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, việc cưỡng chế các công trình vi phạm trong Dự án Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang còn nhiều bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ. Trước hết, sau khi cưỡng chế số tầng để đảm bảo công trình tuân thủ đúng chiều cao theo quy hoạch, còn phải cưỡng chế để đảm bảo đúng mật độ xây dựng dưới 60%. Sau khi cưỡng chế xong chiều cao phải đợi 1 tháng sau mới được cưỡng chế về mật độ xây dựng. Việc cưỡng chế mật độ xây dựng chắc chắn sẽ không đảm bảo về kết cấu công trình, sau khi cắt công trình sẽ khó mà sử dụng được.

Tháng 7-2022, UBND phường Vĩnh Trường đã ban hành thông báo thu hồi kinh phí cưỡng chế đối với công trình tại lô A17 và E69 của ông Ngô Phi Hùng. Sau đó, ông Hùng đã tạm ứng thanh toán kinh phí cưỡng chế giai đoạn 1 là 400 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay, việc thu hồi kinh phí thực hiện cưỡng chế từ các chủ đầu tư vi phạm gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng không có tài khoản hoặc số tiền trong tài khoản tại tổ chức tín dụng không đủ để áp dụng biện pháp khấu trừ, dẫn đến việc áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản cá nhân vi phạm không thể thực hiện.

Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Xuân Thân - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho rằng, về nguyên tắc, công trình vi phạm vượt tầng, vượt mật độ xây dựng phải được tính toàn bộ công trình vi phạm và nên phá bỏ hoàn toàn công trình. “Nếu quy hoạch cho xây 4 tầng mà công trình xây 8 tầng thì ngay từ khi xây dựng, chủ đầu tư đã tính toán xây dựng móng cho 8 tầng, tức là vi phạm ngay từ phần móng công trình. Tại sao chúng ta phải thuê đơn vị tư vấn, lập phương án để cắt ngọn công trình vi phạm, rồi lại đi cắt mật độ xây dựng, tức là chiều dọc công trình? Nó tốn quá nhiều thời gian, tiền bạc của Nhà nước! Tôi không hiểu chúng ta đang dựa vào quy định nào để tự làm khó mình như vậy?”, ông Thân cho biết. 

Dự án Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang do Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Thiên Nhân II làm chủ đầu tư. Theo quy hoạch chi tiết 1/500, dự án có 69 lô biệt thự, mật độ xây dựng 40 - 60%, được xây từ 1 đến 3 tầng. Tuy nhiên, qua kiểm tra có đến 15 công trình tại đây đã xây sai quy hoạch khi xây lên 8 tầng, mật độ xây dựng 100%.

Năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành 15 quyết định phê duyệt phương án tháo dỡ phần công trình sai phạm tại dự án. Sau đó, cơ quan nhà nước phải tổ chức đấu thầu thuê đơn vị tư vấn lập phương án tháo dỡ, đơn vị thực hiện tháo dỡ các công trình vi phạm.

Bảo Châu (t/h)

Theo Chất lượng và Cuộc sống