Chung cư tại TP. HCM vẫn đang trên 'đà' tăng
Trên thị trường mua bán, mức độ quan tâm tại TP. HCM đang có xu hướng ổn định với sự tăng nhẹ ở một số loại hình bất động sản.
Theo thông tin từ trang Batdongsan, thị trường bất động sản TP. HCM đã có dấu hiệu phục hồi trong tháng 7.
Cụ thể, sau khi mức độ quan tâm tìm mua giảm 10% và lượng tin đăng bán giảm 3% trong tháng 6, thị trường đã "lội ngược dòng" với mức độ quan tâm tăng 6% và lượng tin đăng tăng 9% trong tháng 7.
Sự gia tăng mức độ quan tâm xuất hiện ở hầu hết các quận/huyện, đặc biệt là quận 10 với mức tăng 15%, Bình Thạnh 12%, TP. Thủ Đức 9%, Bình Chánh 8% và các khu vực khác dao động từ 2-7%.
Trên thị trường mua bán, mức độ quan tâm tại TP. HCM đang có xu hướng ổn định với sự tăng nhẹ ở một số loại hình bất động sản.
Cụ thể, nhà riêng và đất nền ghi nhận mức tăng 2%, trong khi chung cư và biệt thự duy trì chỉ số đi ngang. Lượng tin đăng nhà riêng tăng 8%, nhà mặt phố tăng 7%, chung cư tăng 6%, đất nền và biệt thự đều tăng 8% và 6% tương ứng. Các khu vực như Bình Chánh và Hóc Môn ghi nhận mức độ quan tâm tăng trưởng nổi bật với 7%, trong khi quận 9 cũ tăng 4%.
Giá bán chung cư có dấu hiệu tăng nhẹ
Về giá bán, giá chung cư tại TP. HCM ghi nhận xu hướng tăng trong tháng 7. Giá căn hộ bình dân tăng nhẹ 1%, từ 27,9-28,3 triệu/m2. Căn hộ trung cấp tăng 2%, từ 42,7-43,7 triệu/m2, trong khi căn hộ cao cấp tăng 3%, từ 83,5-85,6 triệu/m2.
Theo Savills Việt Nam, nguồn cung căn hộ dưới 3 tỷ tại TP. HCM đang ngày càng hạn chế, chỉ chiếm 18% nguồn cung sơ cấp trong nửa đầu năm nay và chủ yếu nằm cách trung tâm thành phố trên 10km. Theo nghiên cứu của Savills, căn hộ dưới 3 tỷ hiện được xem là phân khúc bình dân, nhưng dự kiến chỉ chiếm chưa đầy 5% nguồn cung trong ba năm tới, khiến khả năng chi trả trở thành thách thức lớn.
Ông Nguyễn Hoàng Nam - Tổng Giám đốc CTCP G-Home cho rằng, việc sở hữu căn chung cư rộng 60- 70m2 tại TP. HCM là rất khó nếu người mua chỉ dựa vào nguồn tiền tiết kiệm từ lương. Căn hộ tại các quận trung tâm gần như không còn dành cho tầng lớp thu nhập trung bình, khi giá bán đã tiệm cận mức triệu USD, dành cho nhóm người giàu có.
Hàng tồn kho vẫn là bài toán lớn cho thị trường
Dù thị trường bất động sản TP. HCM đã có chuyển biến tích cực so với hai năm trước, nhưng hiện tại vẫn đối mặt với nhiều thách thức.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến hết quý 2/2024, lượng hàng tồn kho của cả nước lên tới 17.105 bất động sản, trong đó TP. HCM góp phần lớn với các dự án như Aqua City, NovaWorld Phan Thiết, và NovaWorld Hồ Tràm của Novaland; Izumi City, Waterpoint của Nam Long; hay The Privia, The Clarita của Khang Điền.
Số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 của 10 doanh nghiệp bất động sản niêm yết cho thấy tổng giá trị tồn kho đạt khoảng 288.000 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng so với quý trước và 4,3% so với cuối năm 2023. Lượng hàng tồn kho lớn này phản ánh sức khỏe tài chính chưa ổn định của các doanh nghiệp, khi dòng tiền lưu chuyển chậm và thanh khoản kém.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng để giảm tồn kho, các doanh nghiệp cần tập trung phát triển nhà ở vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thực của người dân thay vì chỉ xây dựng các sản phẩm giá cao.
Ngoài ra, các điểm nghẽn pháp lý cũng đang góp phần làm tăng tồn kho, nhưng dự kiến sẽ được tháo gỡ dần khi các bộ luật mới như Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Đất đai đã chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2024.