Chuyển đổi khu công nghiệp xanh: Quỹ đất cạn, vốn dài hạn thiếu
Dù được xác định là đòn bẩy quan trọng giúp khu công nghiệp (KCN) chuyển đổi sang mô hình xanh, tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn đang đối diện với nhiều rào cản khiến dòng vốn này chưa thực sự chảy đến đúng nơi cần thiết.
Tỷ lệ tín dụng xanh còn “khiêm tốn”
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái đang ngày càng trở nên trầm trọng, nhu cầu phát triển mô hình KCN xanh tại Việt Nam ngày càng bức thiết. Sau hơn 30 năm phát triển KCN, nhiều tồn tại trong quy hoạch và hiệu quả vận hành đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về chuyển đổi mô hình.
Từ năm 2014, một số địa phương như: Đà Nẵng, Cần Thơ, TP. HCM, Đồng Nai… đã bắt đầu chủ trương chuyển đổi từ mô hình KCN truyền thống sang KCN xanh. Đến nay, trong số 290 KCN đang hoạt động trên cả nước, mới chỉ khoảng 1 – 2% đang thực hiện các bước chuyển đổi theo mô hình KCN sinh thái.

Việc xây dựng KCN xanh đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn, bao gồm đầu tư vào hạ tầng đồng bộ, hệ thống vận chuyển thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ xử lý chất thải tiên tiến và quy trình quản lý xanh. Đây là những khoản đầu tư chiến lược, dài hạn và không dễ tiếp cận đối với phần lớn doanh nghiệp. Do đó, ngành ngân hàng – với vai trò là huyết mạch tài chính của nền kinh tế – được kỳ vọng sẽ đóng vai trò chủ lực trong việc cung ứng tín dụng xanh, hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của các KCN.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, tín dụng xanh tại Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nhờ định hướng rõ ràng từ Chính phủ và NHNN. Cơ quan quản lý đã ban hành hàng loạt chính sách, văn bản hướng dẫn và hợp tác quốc tế để xây dựng danh mục 12 lĩnh vực xanh ưu tiên – tạo nền tảng cho hoạt động cấp tín dụng xanh.
Từ chỗ chỉ có 15 tổ chức tín dụng tham gia năm 2017, đến nay con số đã tăng lên 50 đơn vị có phát sinh dư nợ tín dụng xanh. Giai đoạn 2017–2024, tăng trưởng bình quân tín dụng xanh đạt trên 22%/năm – cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung. Một số ngân hàng còn chủ động cập nhật các tiêu chuẩn quốc tế về tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường – xã hội.
Tuy nhiên, tỷ lệ tín dụng xanh hiện chỉ chiếm khoảng 4,6% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Thực tế này cho thấy quy mô tín dụng xanh vẫn còn rất “khiêm tốn” so với tiềm năng phát triển.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc thúc đẩy tín dụng xanh để hỗ trợ nhân rộng các KCN xanh vẫn gặp nhiều thách thức. Một trong những nguyên nhân là thiếu hướng dẫn cụ thể về tiêu chí công nhận KCN xanh. Danh mục lĩnh vực xanh chưa được thống nhất trên phạm vi cả nước, gây khó khăn cho ngân hàng thương mại trong việc thẩm định, giám sát và đánh giá các khoản vay. Bên cạnh đó, bài toán quỹ đất và thiếu vùng đệm phát triển cũng là rào cản lớn trong quá trình mở rộng mô hình này.
Rào cản từ gói vay dài hạn
Ông Phùng Tấn Viết, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, nguyên Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng là địa phương duy nhất tại miền Trung và nằm trong số ba tỉnh, thành đầu tiên của cả nước tham gia thí điểm mô hình KCN sinh thái. Qua các dự án hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng đã bước đầu tiếp cận được mô hình và nhận thức được ý nghĩa của chuyển đổi trong thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, từ thực tế triển khai, ông Viết chỉ ra ba rào cản lớn trong quá trình chuyển đổi. Thứ nhất, quỹ đất hạn hẹp và thiếu vùng đệm phát triển khiến việc mở rộng, cải tạo hoặc tích hợp hạ tầng xanh trong KCN gặp nhiều trở ngại.

Thứ hai, nguồn vốn hỗ trợ đổi mới công nghệ còn rất hạn chế. Thủ tục vay phức tạp, nhiều quỹ tài chính xanh đã ngừng cấp vốn hoặc thắt chặt điều kiện vay. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, việc thiếu các gói tín dụng dài hạn cho chuyển đổi xanh là rào cản lớn khiến doanh nghiệp ngần ngại đầu tư công nghệ mới.
Thứ ba, tiêu chí công nhận KCN xanh hiện còn mang tính định tính, chưa được hướng dẫn rõ ràng. Việc yêu cầu 100% doanh nghiệp trong KCN tuân thủ đầy đủ pháp luật trong ba năm liên tục – đặc biệt trong lĩnh vực lao động – là điều rất khó khả thi.
Ngoài ra, nhiều tiêu chí như dữ liệu về phát thải, nguyên liệu đầu vào hoặc các chỉ số sản xuất sạch hơn cũng chưa có hướng dẫn cụ thể, khiến việc đánh giá tính xanh gặp khó khăn.
Về phía ngân hàng, việc thiếu một khung pháp lý thống nhất về ngành, lĩnh vực xanh khiến các tổ chức tín dụng khó khăn trong việc lựa chọn khách hàng và xây dựng quy trình cấp tín dụng. Hiện hệ thống ngân hàng chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ để đánh giá quy mô và tác động thực tế của các khoản tín dụng xanh đối với nền kinh tế.
Bên cạnh đó, đặc điểm của các lĩnh vực xanh, như: năng lượng tái tạo, công trình xanh là cần vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài. Trong khi đó, vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, việc cho vay trung dài hạn gặp trở ngại do phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định. Điều này làm giảm khả năng cung ứng tín dụng xanh dài hạn.
TS. Đặng Quang Hải, Trung tâm Công nghệ sinh học, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng nhấn mạnh: “Để chuyển đổi thành công sang KCN sinh thái, bản thân doanh nghiệp phải có năng lực quản trị tốt và nguồn lực tài chính mạnh để đầu tư trang thiết bị, công nghệ mới và hệ thống xử lý chất thải”.
Thế nhưng, phần lớn doanh nghiệp trong KCN hiện nay là doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ, vốn hạn chế, trình độ quản lý còn thấp. Họ cũng khó tiếp cận nguồn vốn đầu tư xanh do thiếu tài sản đảm bảo, thông tin tài chính chưa minh bạch và thiếu nhân lực chuyên môn. Trong khi đó, chưa có cơ chế ưu đãi tài chính đặc thù cho các dự án đầu tư vào mô hình KCN sinh thái.
Bên cạnh đó, ý thức liên kết cộng sinh giữa các doanh nghiệp trong KCN cũng là một rào cản đáng kể. Tâm lý e ngại thay đổi, sợ phát sinh thủ tục hoặc tăng chi phí khiến nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng tham gia quá trình chuyển đổi.