Chuyển đổi số sẽ minh bạch thông tin về giao dịch đất đai, ngăn chặn sốt đất "ảo"
Theo các chuyên gia Savills, Covid-19 tiếp tục khiến nhiều hoạt động thường ngày của thế giới trên nền tảng trực tuyến trở nên tích cực hơn. Việc số hóa các hoạt động kinh doanh đang trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.
Giãn cách xã hội do Covid-19 tiếp tục thúc đẩy các hoạt động thường ngày trên nền tảng trực tuyến tích cực hơn, lượng dữ liệu số gia tăng cùng sự nở rộ của các loại hình hội nghị trực tuyến, game online và mạng xã hội.
Theo ông Chris Marriot - Giám đốc điều hành Savills châu Á - Thái Bình Dương, gần đây, giá bất động sản tại Việt Nam liên tục bị đẩy lên cao, tạo ra những cơn sốt đất “ảo” chỉ vì thiếu nguồn tin chính xác. Do vậy, việc số hóa thông tin là một trong những giải pháp quan trọng.
Cũng theo dữ liệu của Savills Việt Nam cho thấy, trong quý 1/2021, nhu cầu sử dụng các dịch vụ số đã tăng đáng kể so với lượng tăng của thập kỷ trước. Riêng trong năm 2020, 59% dân số toàn cầu đã được kết nối Internet, con số này chỉ là 26% năm 2010. Song song với đó, lưu lượng Internet toàn cầu đã lên gấp 12 lần.
Lượng dữ liệu thu thập được cũng đồng thời tăng với tốc độ chưa từng có với sự phát triển không ngừng của Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), tương tác thực tế ảo (AR) hay blockchain.
Hiện nay, phần lớn các thiết bị công nghệ được áp dụng vào mục đích quản lý và giám sát. Theo Tập đoàn công nghệ Cisco Systems, đến năm 2023, giao tiếp giữa các thiết bị điện tử (M2M) sẽ chiếm tới 50% trong số 14,7 tỉ kết nối. Năm 2018, M2M đã chiếm 33% trong số 6,1 tỉ kết nối toàn cầu. Các ứng dụng mới xuất hiện từ việc triển khai 5G sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của kết nối M2M trong vòng hai năm tới.
Ông Chris Marriot cho biết, ở thời điểm hiện tại, dữ liệu từ Báo cáo Tổng quan Thị trường bất động sản Việt Nam trong quý I/2021 cho thấy, nhu cầu thuê văn phòng với lĩnh vực IT và sản xuất đã tăng đáng kể; Diện tích thuê của các giao dịch văn phòng của các công ty hoạt động trong lĩnh vực này cũng được mở rộng với quy mô chủ yếu trên 1.000m2.
“Các phát triển công nghệ mới có khả năng thu thập và xử lý dữ liệu sẽ mang lại cơ hội cho hoạt động quản lý bất động sản theo hướng định lượng. Trong tương lai, chúng ta sẽ thấy được các dịch vụ dữ liệu được tạo ra trong bất động sản, đặc biệt là bất động sản thương mại”, ông Chris Marriot cho biết.
Tương tự, ông Mathew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội cũng chia sẻ, việc số hóa thông tin mang lại lợi ích trongkiểm soát thông tin đất đai, nhằm đảm báo tính minh bạch của thông tin.
Đây là một trong những giải pháp đã được đưa ra sau những cơnsốt đất liên tụcthời gian vừa qua, khi giá đất bị đẩy lên cao chỉ vì thiếu nguồn tin chính xác. Một trong những giải pháp có thể kể đến là việc thành lập Dữ liệu Quốc gia về giá đất - nơi mà toàn bộ thông tin về đất đai được lưu trữ trên nền tảng số.
Theo ông Mathew Powell, mọi thứ được kiểm soát bởi Cơ quan Đăng ký đất đai, số hóa quốc gia về các giao dịch đất đai sẽ tạo ra viễn cảnh minh bạch hơn. Hiện, giá cả đang được đẩy lên cao dựa trên các thông tin sai lệch hoặc bị hiểu nhầm. Việc này đã dẫn đến sự lẫn lộn trong giá cả và một số người sẽ ra quyết định đầu tư sai lầm dựa trên những thông tin không chính xác. Vì vậy, sự xuất hiện của một nguồn dữ liệu, nơi thông tin được công bố rộng rãi và chính xác sẽ cho phép thị trường bất động sản hoạt động ổn định và giảm thiểu những sự nhảy vọt về giá.
“Ví dụ tại Anh quốc, thị trường này đã có một nền tảng quản lý thông tin đất đai quốc gia. Mọi mảnh đất và mọi giao dịch xảy ra trên mảnh đất đó được lưu giữ trong nhiều thế kỷ. Những thông tin ấy đều được tiếp cận và sử dụng bởi toàn bộ những đơn vị hoạt động trong thị trường bất động sản và chính phủ cũng đồng thời sử dụng như một công cụ hiệu quả về pháp lý.
Điều quan trọng là cải thiện việc lưu trữ và truyền tải thông tin, giảm thiểu những đặc tính đã trở nên lỗi thời trong ngành bất động sản như việc quá phụ thuộc vào các loại giấy tờ. Khi các loại giấy tờ được số hóa thì thông tin không chỉ được truyền tải hiệu quả hơn, mà còn đồng thời mang lại tính bảo mật cao hơn”, ông Matthew Powell lý giải.
Nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận, Covid -19 đã khiến hoạt động chuyển đổi số và vai trò của các trung tâm lưu trữ số liệu trở nên quan trọng hơn đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Dựa trên các lợi thế sẵn có, có thể thấy nhu cầu cho các trung tâm lưu trữ sẽ phát triển hơn trong 5 năm tới.
Việc dịch chuyển sang lưu trữ đám mây sẽ trở thành yếu tố then chốt của nhiều công ty. Vậy nên nhu cầu về các cơ sở trung tâm dữ liệu sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai gần, tạo ra những yêu cầu thuê mới cho các bất động sản thương mại.