Chuyên gia nhận định thế nào về sự phục hồi của bất động sản nghỉ dưỡng?

Sau thời gian dài 'ngủ đông' do ảnh hưởng của dịch bệnh, bất động sản nghỉ dưỡng đang đứng trước nhiều cơ hội để bật dậy nhờ sức nóng của du lịch nội địa và việc mở cửa đường bay quốc tế.

Dịch bệnh được kiểm soát, du lịch mở cửa cả với khách quốc nội - quốc tế và nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân tăng cao đem lại niềm hy vọng lớn cho những nhà bất động sản nghỉ dưỡng. Các chuyên gia bất động sản dự báo, thời gian tới, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ bùng nổ trở lại. Hiện tại, nhiều chủ đầu tư lớn vẫn âm thầm triển khai dự án, chỉ chờ thời điểm thích hợp để công bố.

Theo ông Nguyễn Thọ Tuyển - Chủ tịch BHS Group dự báo, kênh đầu tư tốt trong năm 2022 là bất động sản nghỉ dưỡng ven đô, nghỉ dưỡng sở hữu lâu dài hay các bất động sản nghỉ dưỡng sở hữu có thời hạn nhưng đã được các chủ đầu tư điều chỉnh, đưa ra xuất đầu tư hợp lý và thay đổi cách thức quản lý vận hành sẽ hút mạnh khách đầu tư trong năm 2022.

Chuyên gia nhận định thế nào về sự phục hồi của bất động sản nghỉ dưỡng? - Ảnh 1

"Cùng với đó, các bất động sản du lịch tại khu vực Nam Trung Bộ, các địa phương như Quy Nhơn, Bình Định, Bình Thuận nhà đầu tư mua bất động sản nghỉ dưỡng ở thời điểm này là rất hợp lý nhằm đón đầu tự phục hồi hoàn toàn của du lịch quốc tế trong 2 năm nữa, khi dự án được bàn giao nhà và đưa vào kinh doanh", ông Tuyển khẳng định.

Trong khi đó, ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam chỉ ra các tín hiệu phục hồi thấy rõ của BĐS nghỉ dưỡng ở giai đoạn này. Đường bay quốc tế bắt đầu được nối lại và người Việt đang dần đi du lịch trở lại nhiều hơn. Đặc biệt trong 3 tháng qua ghi nhận gần 22 triệu lượt khách du lịch tại Việt Nam. Đây là một tín hiệu cho sự phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch Việt Nam.

Vị chuyên gia này cho rằng, một đặc điểm nổi bật ở đây là thị trường Việt Nam có một nguồn khách du lịch nội địa khổng lồ. Người Việt hiện nay đi du lịch nhiều hơn bao giờ hết. Khách du lịch quốc tế có tiềm năng lớn nhờ vào mức chi tiêu cao khi đi nghỉ dưỡng và thường hướng đến các khách sạn 5 sao.

Các sản phẩm được quan tâm hiện nay bao gồm những khách sạn ở thành phố lớn, các khách sạn 4-5 sao... Bên cạnh đó, Bất động sản hàng hiệu cũng đã được ra mắt ở nhiều địa phương trên cả nước. Qua những điều đó, có thể thấy các nhà đầu tư đang có một tầm nhìn rất rộng và dài hạn trong việc đầu tư các dự án nghỉ dưỡng tại Việt Nam lúc này. Trong thời gian tới, chúng ta sẽ thấy rất nhiều khách sạn, resort, BĐS hàng hiệu mới được ra mắt.

Còn ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC chia sẻ, từ đầu năm 2022, nhu cầu du lịch đã bắt đầu quay trở lại, bao gồm các hoạt động du lịch quốc tế. Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực có ít rào cản nhất đối với thị trường khách quốc tế. Chúng ta đang đứng trước cơ hội đón đầu nhu cầu phục hồi du lịch từ nhóm khách châu Á sau một thời gian dài phải tạm dừng thực hiện các chuyến đi. Các khách sạn trong thành phố cũng ghi nhận sự tăng trưởng nguồn khách quốc tế trong vài tuần qua.

Ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels APAC.
Ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels APAC.

Đồng quan điểm, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho biết đã đến lúc, nhà đầu tư quan tâm đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, có nhiều yếu tố để họ tin vào một chu kỳ tăng trưởng mới của BĐS nghỉ dưỡng đang mở ra.

Theo vị chuyên gia này, BĐS nghỉ dưỡng có mối quan hệ chặt chẽ với đà hồi phục của ngành du lịch và sự quay trở lại của khách quốc tế. Với việc Việt Nam đã mở lại đường bay quốc tế, ngành du lịch đã tìm thấy "cửa sáng" và đang dần năng động trở lại dù có chậm hơn một số lĩnh vực khác.

Thực tế, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng cũng đang dần "ấm" lên. Điều đáng nói là các nhà đầu tư vào phân khúc này thường có tư duy dài hạn thay vì tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn. Không giống như nhiều phân khúc khác, BĐS nghỉ dưỡng nhìn chung không tăng giá quá nhiều qua hai năm khó khăn vừa rồi gây nên bởi đại dịch Covid-19. Chẳng hạn như đất nền, đất nông nghiệp đã tăng có nơi tăng vài chục phần trăm, trong khi biệt thự nghỉ dưỡng chỉ tăng trong khoảng 4-5%.

Chuyên gia nhận định thế nào về sự phục hồi của bất động sản nghỉ dưỡng? - Ảnh 2

“Không giống như nhiều phân khúc khác, bất động sản nghỉ dưỡng nhìn chung không tăng giá quá nhiều qua hai năm khó khăn vừa rồi gây nên bởi đại dịch COVID-19. Chẳng hạn như đất nền, đất nông nghiệp có nơi đã tăng vài chục phần trăm, trong khi biệt thự nghỉ dưỡng chỉ tăng khoảng 4 - 5%. Đây cũng sẽ là một lý do khiến cho nhà đầu tư quan tâm đến phân khúc này có thêm động lực để xuống tiền”, ông David Jackson nói.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Colliers Việt Nam, BĐS nghỉ dưỡng vẫn có những rủi ro tiềm tàng mà các chủ đầu tư và nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ bao gồm áp lực gia tăng chi phí đầu vào, số lượng và trình độ tay nghề của nguồn nhân lực hay thậm chí cả những nguy cơ dịch bệnh mới.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống