THACO muốn làm khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng ở Quảng Nam
Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) muốn nghiên cứu, đề xuất đầu tư dự án khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng Long Thạnh Tây tại xã Tam Hải, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam).
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi Sở Kế hoạchh và đầu tư (KH&ĐT), Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp, UBND huyện Núi Thành và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải về việc nghiên cứu, đề xuất đầu tư dự án khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng Long Thạnh Tây tại xã Tam Hải, huyện Núi Thành.
Văn bản nêu rõ, UBND tỉnh Quảng Nam giao UBND huyện Núi Thành căn cứ danh mục dự án nghiên cứu đề xuất đầu tư trên địa bàn tỉnh đợt 2/2022 đã được UBND tỉnh phê duyệt và chỉ đạo của UBND tỉnh để phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng Long Thạnh Tây, xã Tam Hải theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp, các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn UBND huyện Núi Thành thực hiện các hồ sơ, thủ tục và tham mưu UBND tỉnh giải quyết các nội dung liên quan theo đúng quy định.
Trước đó, vào tháng 2/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã ký quyết định phê duyệt danh mục dự án nghiên cứu đề xuất đầu tư trên địa bàn tỉnh đợt 2 năm 2022 với 5 dự án đầu tư. Các dự án đầu tư về nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, hạ tầng cụm công nghiệp, thương mai – dịch vụ và 2 dự án khác.
Trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ có duy nhất 1 dự án được đề xuất nghiên cứu đầu tư là là Khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng Long Thạnh Tây với diện tích nghiên cứu là 32ha, gồm toàn bộ diện tích đảo Long Thạnh Tây. Được biết, đảo Long Thạnh Tây là ốc đảo riêng biệt của xã đảo Tam Hải. Hiện nay trên địa bàn thôn có khoảng 100 hộ dân sinh sống.
UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Núi Thành tính toán, di dời bà con vào đất liền để có cuộc sống mới tốt hơn vì ở đây khó khăn, thiếu thốn về nguồn nước sạch, phương tiện đi lại qua sông không có, bà con phải sống phụ thuộc vào sông nước.