Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia dự án đối tác công - tư tại Ấn Độ

Theo Tiến sĩ Pradhumna Dutt Kaushik, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư tại Ấn Độ dưới hình thức hợp tác công - tư trong các lĩnh vực giao thông vận tải, xử lý nước thải, cơ sở hạ tầng du lịch, bệnh viện, trường học, bảo tàng, thư viện, khu triển lãm...

Ngày 16/3, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Chính sách phát triển kinh tế của Ấn Độ, quy định đối tác công - tư tại Ấn Độ và cơ hội đối với doanh nghiệp Việt Nam” với mục tiêu giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu hơn về các chính sách phát triển kinh tế của Ấn Độ, trong đó có chính sách đầu tư hợp tác công - tư.

Chính phủ Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi đã thực hiện chiến lược sản xuất tại Ấn Độ, Ấn Độ tự lực để biến Ấn Độ trở thành trung tâm sản xuất và đổi mới sáng tạo của thế giới, với khâu đột phá là phát triển kết cấu hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Một trong những chính sách Ấn Độ triển khai tương đối hiệu quả là chính sách đối tác công - tư (PPP) nhằm thu hút nguồn lực tư nhân phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển, đô thị. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 1824 dự án hợp tác công - tư với tổng giá trị khoảng 327 tỷ USD đang được triển khai tại Ấn Độ.

Phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ Pradhumna Dutt Kaushik, nhà nghiên cứu và tư vấn có kinh nghiệm về các vấn đề kinh doanh quốc tế, cho biết các dự án đầu tư hạ tầng được Chính phủ hỗ trợ tài chính và doanh nghiệp tư nhân tổ chức thực hiện. Theo đó, Chính phủ sẽ hỗ trợ thông qua các hình thức như hỗ trợ kinh phí 1 lần; trợ cấp doanh thu; đảm bảo doanh thu hàng năm tối thiểu hoặc giảm thuế doanh nghiệp.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia dự án đối tác công - tư tại Ấn Độ - Ảnh 1

Theo Tiến sĩPradhumna Dutt Kaushik, mô hình hợp tác công -tư mang lại nhiều lợi ích.

Mô hình hợp tác công - tư mang lại nhiều lợi ích cho phát triển thông qua việc thu hút nguồn đầu tư của khu vực tư nhân, thu hút nguồn lực nhân sự quản lý hiệu quả của khu vực tư nhân, thúc đẩy sự cạnh tranh và năng lực đổi mới sáng tạo, giảm tham nhũng và lãng phí, giảm gánh nặng cho người nộp thuế.

Hợp tác công - tư tại Ấn Độ thường được triển khai trong các lĩnh vực như giao thông vận tải, xử lý nước thải, cơ sở hạ tầng du lịch; bệnh viện; trường học, bảo tàng, thư viện; khu triển lãm; văn phòng Chính phủ; nhà ở xã hội. Các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội triển khai hợp tác, đầu tư tại Ấn Độ dưới hình thức hợp tác PPP trong các lĩnh vực này.

Ông Bùi Trung Thướng - Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ nhận xét, hợp tác PPP trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam cũng được quan tâm chú trọng. Việt Nam có thể học hỏi các mô hình hợp tác PPP tại Ấn Độ. Phía Ấn Độ cũng mong muốn hợp tác phát triển đập thủy điện, đường hầm, dự án truyền tải điện, cung cấp nước sạch với doanh nghiệp Việt Nam.

Gần đây, Chính phủ Ấn Độ đã khuyến khích và phát triển mạnh các dự án hợp tác công tư. Điển hình là dự án đường cao tốc nối thủ đô New Delhi với trung tâm tài chính Mumbai có chiều dài 1380km với tổng chi phí khoảng 13,5 tỷ USD. Đây là dự án đường cao tốc dài nhất thế giới, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2023.

Nhằm mục tiêu mang lại những hiệu quả thiết thực và đáp ứng được những nhu cầu và mong muốn của các doanh nghiệp, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ đề nghị doanh nghiệp Việt Nam gửi những đề nghị cụ thể. Trên cơ sở đó Thương vụ sẽ làm việc với các chuyên gia, đối tác Ấn Độ để tổ chức những chương trình phù hợp, đáp ứng được các nhu cầu từ phía các doanh nghiệp.

Thu An

Theo Doanh nghiệp Việt Nam