Có nên đầu tư bất động sản ven sông Hồng thời điểm này?
Với Đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống vừa được UBND TP Hà Nội công bố, nhiều chuyên gia đánh giá đây sẽ là một động lực thúc đẩy thị trường bất động sản khu vực ven sông Hồng. Tuy nhiên, nếu ‘xuống tiền’ đầu tư thời điểm này cũng sẽ tiềm ẩn không ít rủi ro.
Bất động sản ven sông hưởng lợi từ quy hoạch
Theo phê duyệt, phân khu đô thị sông Hồng có chiều dài 40km, trải dài từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín và Thanh Trì.
Theo định hướng quy hoạch, phân khu đô thị sông Hồng có chức năng chính là không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Phân khu quy hoạch có diện tích gần 11.000ha, trong đó, sông Hồng chiếm 3.600ha (33%), đất bãi sông trên 5.400ha (50%). Phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm các khu làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt; các khu phố ngoài đê như Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá… Ngoài ra, còn có đất các công trình hạ tầng xã hội (công cộng, trường học), các công trình hạ tầng kỹ thuật…
Dự báo quy mô dân số tối đa tại khu vực này đến năm 2030 khoảng 300.000 người. Trong đó, dân số hiện có giữ lại cải tạo chỉnh trang là 215.000 người, dân số đất nhóm nhà ở mới là 85.000 người.
Trong khi đó, quy hoạch đô thị sông Đuống có quy mô hơn 1.150 ha, dân số tối đa đến năm 2030 trên 8.000. Giới hạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng. Phía Bắc và Đông Bắc giáp đê tả ngạn sông Đuống và phân khu đô thị N9 (thuộc các huyện Đông Anh, Gia Lâm); phía Nam và Tây Nam giáp đê hữu ngạn sông Đuống (thuộc quận Long Biên); phía Tây giáp cầu Bắc Cầu và phân khu đô thị sông Hồng; phía Nam và Đông Nam giáp phân khu đô thị N10 và cầu Phù Đổng.
Đô thị sông Đuống được định hướng quy hoạch bổ trợ cho cảnh quan trung tâm của phía Bắc sông Hồng, là nơi bố trí các công trình đầu mối đường thủy, hành lang sinh thái, cây xanh phòng hộ. Đây cũng là khu vực có quỹ đất để phát triển hai bên sông theo hướng cây xanh sinh thái, kết hợp du lịch, bảo tồn và duy trì cảnh quan thiên nhiên, tạo lập bộ mặt cho các phân khu đô thị.
Với việc quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống được phê duyệt, Hà Nội đã hoàn thành toàn bộ 35 đồ án quy hoạch, phủ kín 100% quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để thành phố xây dựng, phát triển đô thị văn minh, hiện đại trong tương lai.
Cận trọng khi ‘xuống tiền’ thời điểm này
Trong bối cảnh tình trạng ‘sốt đất’ tại các địa phương vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì giới đầu tư lại tiếp tục đứng ngồi không yên khi UBND TP Hà Nội ‘chốt’ Đồ án quy hoạch phân khu đô thị ven sông Hồng, sông Đuống.
Không phải đến tận bây giờ giá đất khu vực ven sông Hồng mới ‘sốt’. Thời điểm Đồ án quy hoạch phân khu đô thị ven sông Hồng mới chỉ manh nha xuất hiện đã khiến thị trường bất động sản những khu vực lân cận ‘nhảy múa’ từng ngày.
Lấy đơn cử như tại xung quanh Thạch Cầu (quận Long Biên), kể từ khi có đồ án quy hoạch, giá đất đã tăng thêm khoảng 3-5 triệu đồng/m2 so với năm ngoái, tùy từng vị trí. Theo đó, những khu đất tuy diện tích nhỏ nhưng có vị trí đẹp, sổ đỏ chính chủ, giá thường ở mức cao từ 30-40 triệu đồng/m2.
Hay thậm trí những lô đất ruộng, đất bãi bồi ven sông Hồng, khu vực phường Ngọc Thụy, Long Biên vốn được người dân bán với giá dao động từ 1 đến 1,5 triệu đồng/m2 thì nay giá được đẩy lên từ 3 triệu đến 5 triệu đồng/m2.
Tại quận Hoàng Mai, từ năm ngoái, thông tin rao bán nhà đất khu vực đường Thúy Lĩnh (phường Lĩnh Nam) đã khá sôi động, nhiều ô đất vị trí đẹp có giá tăng từ 10-20 triệu đồng/m2. Đơn cử, hiện nay, giá đất mặt đường Thúy Lĩnh cũng có giá từ 60-70 triệu đồng/m2, đất trong ngõ đi ô tô được cũng được rao bán 30-40 triệu đồng/m2.
Ở vị trí xa hơn một chút, tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) nhà đất cũng liên tục được rao bán. Cụ thể, giá đất ở đây trước đó chỉ ở mức 17 – 22 triệu đồng/m2. Tuy nhiên sau khi có đề án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, mức giá đã tăng vọt lên 23 – 38 triệu đồng/m2 tùy theo vị trí. Sau mỗi lần có thông tin quy hoạch, giá đất ven sông Hồng lại tăng mạnh. Đặc biệt là những thửa đất ở xung quanh các dự án.
Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư thời điểm này, Ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, tại nhiều địa phương có tình trạng nhà đầu cơ, môi giới bất động sản lợi dụng thông tin quy hoạch. Họ đẩy giá đất lên cao, ban hành bảng giá đất mới. Những người này còn lợi dụng thông tin về việc nâng cấp đơn vị hành chính, nâng cấp hệ thống hạ tầng. Ngoài ra còn có thông tin triển khai các dự án lớn tại các địa phương…
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng nhấn mạnh, việc đầu tư vào BĐS ven sông Hồng phục vụ nhu cầu thực và dài hạn rất ít, do vậy giá sẽ chỉ tăng một thời gian rồi sẽ nhanh chóng trở về mức cũ. Vì vậy, nhà đầu tư cần tỉnh táo trước thông tin về quy hoạch, sốt ảo, bởi đã có rất nhiều nhà đầu tư bị nhấn chìm trong các cơn “sốt đất ảo” hay bởi thông tin ăn theo quy hoạch.
Quang Anh