Cổ phiếu bất động sản phân hóa trong phiên VN-Index vượt mốc 980 điểm

Dòng tiền tập trung mạnh vào một số cổ phiếu vốn hóa lớn ở phiên 19/11. Nhóm bất động sản phân hóa rõ nét hơn nhưng vẫn ghi nhận nhiều mã thanh khoản cao bứt phá.

Thị trường chứng khoán bước vào phiên giao dịch 19/11 với sự thận trọng do đây là phiên đáo hạn hợp đồng tương lai phái sinh VN-30. Nhóm cổ phiếu vẫn phân hóa mạnh và điều này khiến biến động của các chỉ số vẫn chỉ trong biên độ hẹp.

Tuy nhiên, dòng tiền xuất hiện ngày càng nhiều và tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã giúp VN-Index nới rộng sắc xanh. Thậm chí, đà tăng của chỉ số này còn được củng cố hơn vào cuối phiên và đóng cửa ở mức cao nhất bất chấp áp lực bán mạnh thời điểm đó.

Các cổ phiếu như SAB, PLX, VCB, GAS, FPT… đều tăng giá rất mạnh và là những nhân tố chính giúp VN-Index vượt qua được mốc 980 điểm. Chốt phiên, SAB tăng đến 5,5% lên 193.700 đồng/cp, VCS tăng 4,9% lên 79.200 đồng/cp, PLX tăng 4,8% lên 50.700 đồng/cp, VCB tăng 3% lên 90.200 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.  
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.  
Chiều ngược lại, áp lực bán khá mạnh vào cuối phiên khiến các cổ phiếu như MSN, MBB, HVN… giảm sâu. Trong đó, MSN tiếp tục giảm 1,1% xuống 82.000 đồng/cp, HVN giảm 1,1% xuống 27.000 đồng/cp, MBB giảm 0,8% xuống 19.500 đồng/cp.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.  
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.  
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, VHM dù chịu lực bán rất mạnh ở phiên ATC nhưng lực cầu đối ứng nhanh chóng giúp cổ phiếu này giữ được sắc xanh với mức tăng 0,3% lên 77.500 đồng/cp, VRE tăng tốt với 1,5% lên 27.900 đồng/cp.

Trong khi đó, sự phân hóa vẫn diễn ra rõ nét ở các cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ. Ở chiều tăng, VCR bất ngờ được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, NTC tiếp tục tăng đến 3,7% lên 299.900 đồng/cp, có thời điểm trong phiên giao dịch, giá cổ phiếu NTC tăng vượt qua mốc 300.000 đồng/cp. ITA cũng có một phiên bứt phá khi tăng 2,4% lên 7.700 đồng/cp, PDR tăng 1,6% lên 39.250 đồng/cp. Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI mới đây dự báo, PDR có khả năng được thêm vào danh mục của quỹ ETF FTSE do cổ phiếu đã đủ điều kiện vốn hóa và thanh khoản nhờ giao dịch tích cực trong 3 tháng qua.

Ở chiều giảm, BII và PVL bị kéo về mức giá sàn. Bên cạnh đó, các mã có thanh khoản cao như ASM FLC, NLG… cũng giảm khá mạnh. Chốt phiên, ASM giảm 2,8% xuống 10.600 đồng/cp, FLC giảm 2,3% xuống 4.300 đồng/cp.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 9,73 điểm (1%) lên 983,26 điểm. Toàn sàn có 254 mã tăng, 176 mã giảm và 67 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,05 điểm (0,03%) lên 146,85 điểm. Toàn sàn có 83 mã tăng, 70 mã giảm và 67 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,17 điểm (0,26%) lên 66,05 điểm.

Các cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường. Nguồn: Fialda.  
Các cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường. Nguồn: Fialda.  
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết xấp xỉ so với phiên trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 11.830 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 566 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.132 tỷ đồng. FLC và ITA là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 khớp lệnh toàn thị trường, trong đó, FLC khớp lệnh đến hơn 20 triệu cổ phiếu và ITA là 18 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại duy trì trạng thái giao dịch tích cực khi mua ròng 385 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó, VRE là cổ phiếu bất động sản được mua ròng rất mạnh với giá trị 85 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM, KBC và NLG là các cổ phiếu bất động sản bị bán ròng mạnh.

Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường tăng điểm khá mạnh trong phiên thứ ba liên tiếp với thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức cao hơn trung bình 20 phiên cho thấy lực cầu mua lên trong phiên 19/11 là thực sự tốt. Tuy nhiên, đây cũng là phiên đáo hạn hợp đồng tương lai VN30 tháng 11 nên những diễn biến tăng hay giảm mạnh có khả năng xảy ra cao hơn các phiên bình thường.

Trên biểu đồ kỹ thuật, VN-Index tuy tăng điểm nhưng kết phiên ở trong vùng kháng cự 975 - 985 điểm (gap down giữa hai phiên 22/1 và 30/1) nên những rung lắc có thể diễn ra trong phiên tới khi một bộ phận nhà đầu tư quyết định chốt lời ngắn hạn.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 12 duy trì basis dương 4,58 điểm so với chỉ số cơ sở VN30, cho thấy các nhà giao dịch kỳ vọng vào xu hướng tăng sẽ tiếp diễn trong ngắn hạn.

SHS dự báo, VN-Index có thể sẽ rung lắc và giằng co trong khoảng 975 - 985 điểm (gap down giữa hai phiên 22/1 và 30/1) để tạo mặt bằng giá mới. Những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục nên quan sát diễn biến trong phiên 20/11 và có thể giải ngân một phần nếu thị trường có nhịp test lại ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 970 điểm (đỉnh tháng 10/2020).

Tuấn Hào

Theo Reatimes