Cổ phiếu BĐS chìm trong sắc đỏ phiên 5/7, vốn hóa VHM vượt VIC

Thị trường chứng khoán điều chỉnh ngay trong phiên đầu tiên hệ thống giao dịch mới của HoSE do FPT cung cấp vận hành. Nhóm cổ phiếu bất động sản biến động tiêu cực khi sắc đỏ bao trùm.

Thị trường chứng khoán phiên 5/7 biến động theo chiều hướng bất ngờ. Đây là phiên đầu tiên hệ thống giao dịch mới của HoSE do FPT cũng cấp đi vào hoạt động. Ngay từ đầu phiên giao dịch, áp lực bán mạnh đã xuất hiện và khiến hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn giảm giá từ đó, các chỉ số cũng lùi xuống dưới mốc tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán, dầu khí và bất động sản có một phiên biến động tiêu cực và ảnh hưởng đáng kể đến biến động của các chỉ số. Đối với nhóm chứng khoán, các cổ phiếu đầu ngành như SSI, HCM, VND, MBS... đều đồng loạt giảm sâu. SSI giảm 2,4%, MBS giảm 2,5%, HCM giảm 2,6%...

Đối với nhóm dầu khí, GAS gây bất ngờ khi giảm đến 4,8% xuống còn 92.000 đồng/cp, đây cũng là cổ phiếu có tác động xấu nhất đến VN-Index ở phiên 5/7 khi lấy đi của chỉ số này 2,48 điểm (-0,175%). Bên cạnh đó, các mã như PVD hay PVS cũng đều lao dốc.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. (Nguồn: Fialda)  
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. (Nguồn: Fialda)  
Tại nhóm bất động sản, biến động tiêu cực cũng diễn biến khi sắc đỏ áp đảo ở nhóm này. Đáng kể nhất là trường hợp của VRE khi giảm sàn xuống 29.500 đồng/cp và khớp lệnh 6,7 triệu đơn vị. VRE bất ngờ giảm sốc vào phiên ATC khi lực bán quá lớn vào những phút cuối phiên khiến bên mua không kịp “trở tay”. Bên cạnh đó, NVL cũng giảm 3,4% xuống 115.000 đồng/cp, VIC giảm 2,1% xuống 115.000 đồng/cp. VIC cũng là cổ phiếu có tác động mạnh thứ 2 đến VN-Index theo chiều tiêu cực với số điểm lấy đi là 2,43 (-0,171%).
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. (Nguồn: Fialda)  
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. (Nguồn: Fialda)  
Các mã bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ như VPH, FLC, SCR, DXG, CEO, HQC, KBC... cũng đua nhau giảm giá mạnh. Trong đó, VPH bị kéo xuống mức giá sàn 29.500 đồng/cp, FLC giảm 5,7% xuống 12.300 đồng/cp. DXG giảm 3,8% xuống 22.900 đồng/cp. Theo bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu DXS của CTCP Dịch vụ bất động sản Đất Xanh (Đất Xanh Services), tính tại ngày 10/5, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT không còn sở hữu cổ phiếu DXS. Ông Thìn cũng đang là Chủ tịch HĐQT của DXG. Trước đó, tại ngày 27/1, ông Thìn nắm hơn 38,8 triệu cổ phiếu DXS, tỷ lệ 12,05%.

Dù vậy, vẫn còn một số cổ phiếu bất động sản biến động tích cực ở phiên 5/7 và nằm ngoài sự điều chỉnh của thị trường chung. Trong đó, BII và TNT được kéo lên mức giá trần. FIT tăng 3,7% lên 18.150 đồng/cp. VHM tăng 0,4% lên 118.500 đồng/cp. Đáng chú ý vốn hóa của VHM chốt phiên 5/7 đạt 389.807 tỷ đồng và vượt qua VIC trở thành cổ phiếu vốn hóa lớn thứ 2 thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng bứt phá rất mạnh và từ đó kìm hãm đáng kể đà giảm của các chỉ số, trong đó, TCB tăng đến 6,8% lên 58.000 đồng/cp, ACB tăng 5,1% lên 37.950 đồng/cp, TPB tăng 4,1% lên 39.300 đồng/cp, STB tăng 3,5% lên 32.600 đồng/cp.

Kết phiên giao dịch, VN-Index giảm 9,14 điểm (-0,64%) xuống 1.411,13 điểm. Toàn sàn có 112 mã tăng, 287 mã giảm và 28 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,25 điểm (-0,08%) xuống 327,76 điểm. Toàn sàn có 61 mã tăng, 158 mã giảm và 58 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,19%) xuống 90,47 điểm.

Thanh khoản thị trường được cải thiện hơn so với các phiên trước, tổng giá trị khớp lệnh toàn thị trường đạt 30.800 tỷ đồng. Trong đó, FLC là mã bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 31,3 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại bán ròng khoảng 76 tỷ đồng trên toàn thị trường phiên 5/7. Trong đó, NVL, KBC, PDR và VRE là các mã bất động sản nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại. Chiều ngược lại, VHM là mã bất động sản duy nhất nằm trong danh sách các cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh với 76 tỷ đồng.

Theo CTCP Chứng khoán MB (MBS), một phiên điều chỉnh sau chuỗi tăng liên tiếp là điều cần thiết để hạ nhiệt thị trường, giúp giải phóng lượng hàng T+ để thị trường có mức tăng bền vững hơn và cũng phù hợp với tâm lý của phần đông nhà đầu tư sau khi không tham gia vào đợt tăng liên tiếp vừa qua. Về kỹ thuật, phiên giảm này không làm ảnh hưởng xu hướng tăng điểm của thị trường, VN-Index hiện đang nằm khá xa trên ngưỡng trung bình 200 ngày, thị trường đơn thuần điều chỉnh kỹ thuật khi VN-Index gặp ngưỡng kháng cự Fibonacci ở 1.420 điểm. Bên cạnh đó, hệ thống giao dịch mới của sàn HSX chính thức được vận hành, qua đó hôm nay đã kiểm định sức mạnh của dòng tiền, triển vọng tăng cũng thanh khoản bùng nổ là hoàn toàn có thể.

Tuấn Hào

Theo Reatimes