Cổ phiếu CKG bị đưa vào diện cảnh báo do chậm nộp báo cáo soát xét
HOSE vừa ra quyết định đưa cổ phiếu CKG của CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (CIC Group) vào diện cảnh báo từ 27/9/2023.
Lý do, CIC Group chậm nộp báo cáo tài chính bán niên năm 2023 đã được soát xét quá 15 ngày so với thời hạn quy định.
Trước đó, cổ phiếu CKG bị cắt margin do công ty chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 quá 5 ngày làm việc. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, cổ phiếu CKG có thể bị rơi vào tình trạng bị kiểm soát (chậm nộp báo cáo soát xét quá 30 ngày làm việc), thậm chí là hạn chế giao dịch (chậm nộp báo cáo soát xét quá 45 ngày làm việc).
Nguyên nhân do đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 lần 1 vào ngày 29/6/2023 chỉ có 26,7% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự nên đại hội không đủ điều kiện tiến hành theo quy định.
Đại hội đồng cổ đồng thường niên 2023 lần 2 tổ chức vào ngày 26/7/2023 có 77,68% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự. Đại hội lần 2 đủ điều kiện tiến hành nhưng quy chế tổ chức và làm việc đại hội lần 2, chương trình đại hội lần 2 đều không được thông qua.
Đến nay, CIC Group vẫn chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên lần 3. Do đó, tờ trình lựa chọn đơn vị thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính chưa được thông qua.
Đến ngày 31/8/2023, HĐQT CIC Group “chữa cháy” bằng việc tạm thời lựa chọn đơn vị kiểm toán năm 2023 trên danh sách các công ty kiểm toán đã được cơ quan nhà nước chấp thuận.
Đến thời điểm 21/9/2023, CIC Group chưa công bố đã chọn được đơn vị kiểm toán nhưng Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn RSM Việt Nam (RSM) có thể được chọn vì đây là đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính cho CIC Group từ 2015 đến 2022.
Mới đây, ngày 11/9/2023, HĐQT CIC Group công bố thông qua việc tiếp tục triển khai phương án chào bán 13.400.219 cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 và 2022.
Điều này thể hiện CIC Group rất “khát vốn” để phát triển vì theo tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 lần 1 và 2, công ty đã có tờ trình hủy bỏ phương án này với lý do “phương án kéo dài quá 2 năm vẫn chưa thực hiện. Đồng thời, việc chào bán này không còn phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong giai đoạn 2023-2025”.
Cũng trong tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, CIC Group có tờ trình chào bán 47.629.681 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 12.500 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ 50%. Nếu đợt chào bán thành công, CIC Group dự kiến thu được 595,4 tỷ đồng để thanh toán chi phí nhân công 19,6 tỷ đồng; thanh toán các khoản vay ngắn hạn ngân hàng 218,2 tỷ đồng; thanh toán chi phí cho đơn vị thi công 357,6 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2023 hợp nhất, CIC Group đang có 665 tỷ đồng vay ngắn hạn và 891 tỷ đồng vay dài hạn. Trong đó, công ty đang nợ 500 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 10%/năm. Với số nợ hiện tại, CIC Group cần chi 17 tỷ đồng để trả lãi trong nửa đầu năm nay.
Trong 6 tháng năm 2023, CIC Group đạt 624 tỷ đồng doanh thu thuần và 81 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ, lần lượt giảm 3,5% và 10,7% so cùng kỳ năm trước.
Trong thời gian gần đây, cổ phiếu CKG bị giảm mạnh trước thông tin cổ phiếu bị cắt giao dịch ký quỹ (margin) và đưa vào diện cảnh báo. Đóng cửa ngày 21/9/2023, cổ phiếu CKG đạt 26.250 đồng/cổ phiếu, chỉ còn tăng 33,3% so với đầu năm. Ở mức giá hiện tại, vốn hóa đạt 2.539 tỷ đồng.