Cổ phiếu FLC sẽ được giao dịch trở lại trong năm nay?
Nếu theo đúng lộ trình mà FLC dự kiến, các cổ đông của doanh nghiệp này sẽ phải chờ thêm ít nhất 7 tháng nữa để phía công ty hoàn tất việc khắc phục các lỗi vi phạm khiến cổ phiếu bị hủy niêm yết.
Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (FLC) vừa có thông báo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) liên quan lộ trình khắc phục các vấn đề vi phạm công bố thông tin, tiến tới đáp ứng điều kiện để cổ phiếu FLC được phép giao dịch trở lại trên UPCoM sau án hủy niêm yết.
Cụ thể, FLC cho biết do ảnh hưởng bởi các sự kiện khách quan, ngoài sự kiểm soát của tập đoàn, sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm, đến 20/9/2022, FLC mới ký được hợp đồng với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY để thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, đặc biệt là các vấn đề phát sinh không thuộc thẩm quyền của ban lãnh đạo FLC đương nhiệm (cần phải xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông), đến nay doanh nghiệp vẫn chưa phát hành được Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.
Ngày 4/3, đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 của Tập đoàn FLC mới chính thức được tổ chức với nhiều vấn đề trọng yếu liên quan đến báo cáo tài chính 2 năm gần nhất được cổ đông thông qua.
Hiện Ban giám đốc FLC cho biết đang làm việc cùng đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 và đi đến thống nhất về phương pháp, thời gian, thủ tục giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến việc phát hành báo cáo.
Theo kế hoạch thống nhất với UHY, FLC sẽ phát hành các báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 trong thời gian sớm nhất trước ngày 30/4. Sau đó, công ty dự kiến hoàn thành và công bố báo cáo thường niên năm 2021 trong thời hạn 20 ngày.
Tiếp theo, HĐQT FLC sẽ triệu tập Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng 6 và dự trình cổ đông thông qua việc lựa chọn đơn vị kiểm toán các báo cáo tài chính của năm tài chính 2022.
Trên cơ sở đó, công ty sẽ tiến hành làm việc với đơn vị kiểm toán để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2022, hoàn thiện và phát hành báo cáo bán niên soát xét 2022 dự kiến cuối tháng 10 năm nay.
Doanh nghiệp này mong được cơ quan quản lý xem xét, tạo điều kiện có thêm thời gian để khắc phục các vấn đề theo lộ trình dự kiến nêu trên. Đồng thời, FLC cũng tiếp tục xin cho cổ phiếu sớm được giao dịch bình thường trên hệ thống UPCoM trong thời gian sớm nhất, đảm bảo lợi ích của cổ đông.
Giữa tháng 2, cổ phiếu FLC bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) huỷ niêm yết. Đến cuối tháng, mã này được chuyển sang hệ thống UPCoM, nhưng tiếp tục bị HNX đình chỉ giao dịch ngay sau đó. Sở đã yêu cầu FLC phải giải trình nguyên nhân vi phạm quy định công bố thông tin và đưa ra phương án khắc phục.
Cũng liên quan đến FLC, doanh nghiệp này vừa công bố thông tin về việc nhận được đơn đề nghị thôi giữ chức vụ Phó tổng giám đốc của bà Đặng Thị Lưu Vân. Trên cơ sở đó, HĐQT FLC đã ra nghị quyết miễn nhiệm chức vụ này đối với bà Vân kể từ ngày 22/3.
Với việc bà Đặng Thị Lưu Vân rời đi, đây đã là phó tổng giám đốc thứ 3 của FLC xin nghỉ việc trong năm nay. Trước đó, bà Đàm Ngọc Bích, Phó tổng giám đốc thường trực và bà Lê Thị Trúc Quỳnh, Phó tổng giám đốc FLC cũng đã có đơn từ nhiệm vị trí vào cuối tháng 2. Đồng thời, bà Bùi Hải Huyền cũng đã có đơn đề nghị thôi giữ chức vụ thành viên HĐQT, kiêm tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật tại FLC.
Tại đại hội đồng cổ đông bất thường của FLC vào đầu tháng 3 vừa qua, bà Vũ Đặng Hải Yến và bà Trần Thị Hương đã được bầu làm thành viên HĐQT. Sau đó, HĐQT FLC cũng đã họp và thống nhất bầu bà Yến giữ chức vụ Phó chủ tịch thường trực HĐQT.
Hiện tại, FLC còn lại 5 phó tổng tổng giám đốc, gồm: ông Trần Thế Anh, ông Đỗ Việt Hùng, ông Nguyễn Chí Công, ông Lê Doãn Linh và bà Trần Thị Hương. Vị trí tổng giám đốc hiện thuộc về ông Lê Tiến Dũng.
Theo kế hoạch tái cấu trúc được thông qua tại đại hội đồng cổ đông bất thường tổ chức vào đầu tháng 3 vừa, FLC sẽ tập trung giữ lại 2 lĩnh vực cốt lõi gồm phát triển bất động sản và kinh doanh nghỉ dưỡng, sân golf. FLC cũng sẽ thực hiện M&A các dự án để tái cấu trúc các khoản vay, có nguồn vốn duy trì hoạt động.