Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (18/10): DPM, GMD và KBC

VDSC dự báo tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2022 của KBC sẽ đạt mức 2.985 tỷ đồng (giảm 30,7%) và 3.044 tỷ đồng (tăng 288%), hoàn thành lần lượt 30,5% và 68% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế nửa cuối năm 2022 ước tính lần lượt là 1.900 tỷ đồng (tăng 6,2% so với cùng kỳ) và 2.929 tỷ đồng (tăng 1.939% so với cùng kỳ).

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (18/10): DPM, GMD và KBC
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (18/10): DPM, GMD và KBC

DPM: SSI khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 53.000 đồng/cổ phiếu

Tổng Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HoSSE: DPM) ước tính doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong 3 quý đầu năm 2022 lần lượt đạt 15 nghìn tỷ đồng (tăng 95% so với cùng kỳ) và 5,3 nghìn tỷ đồng (tăng 196% so với cùng kỳ), hoàn thành lần lượt 87% và 128% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế quý III/2022 đạt 1,14 nghìn tỷ đồng (tăng 50% so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế quý III/2022 giảm 30% so với quý trước do giảm sản lượng tiêu thụ (giảm 13% so với quý trước) và giá bán bình quân (giảm 8% so với quý trước).

Theo Công ty Chứng khoán SSI, sản lượng tiêu thụ urê trong quý III/2022 đạt 178 nghìn tấn (tăng 8% so với cùng kỳ), trong khi giá bán bình quân ở mức 14.100 đồng/kg (tăng 32% so với cùng kỳ). Giá bán cao làm giảm đáng kể nhu cầu urê trong nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Nga và Trung Quốc vẫn đang thực thi chính sách hạn chế xuất khẩu, và nguồn cung ở châu Âu vẫn thiếu hụt, công ty vẫn có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu. Kết quả là, DPM vẫn ghi nhận mức tăng trưởng sản lượng tiêu thụ.

Sản lượng tiêu thụ NPK và phân bón kinh doanh giảm lần lượt 24% và 40% so với cùng kỳ trong quý III/2022. Những sản phẩm này không có thị trường xuất khẩu, nên giá bán bình quân cao đã làm giảm đáng kể nhu cầu trong nước, từ đó giảm sản lượng tiêu thụ NPK và phân bón kinh doanh.

SSI ước tính lợi nhuận ròng của năm 2022 và 2023 lần lượt ở mức 5,5 nghìn tỷ đồng (tăng 73% so với cùng kỳ) và 4,5 nghìn tỷ đồng (giảm 18% so với cùng kỳ). Lợi nhuận có thể bắt đầu ghi nhận giảm so với cùng kỳ từ quý IV/2022 (ước tính của SSI là giảm 35% so với cùng kỳ).

Việc giả dầu có xung hướng giảm và sản lượng xuất khẩu urê toàn cầu có thể tăng do Nga và Trung Quốc nới lỏng xuất khẩu sẽ gây áp lực giảm giá urê và lợi nhuận năm 2023. Tuy nhiên, sau khi thị trường chứng khoán bị bán tháo, cổ phiếu DPM hiện khá rẻ với P/E năm 2022 và 2023 là 3,6 lần và 4,3 lần, đồng thời công ty cũng đưa ra mức tỷ suất cổ tức hấp dẫn là 10,7%.

Lượng tiền ròng mạnh của DPM (tương đương 48% vốn hóa thị trường hiện tại) sẽ có lợi cho công ty trong bối cảnh lãi suất tăng. SSI đưa ra khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu DPM, với giá mục tiêu là 53.000 đồng/cổ phiếu.

GMD: BVSC khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 54.700 đồng/cổ phiếu

Trong nửa đầu năm 2022, Công ty Cổ phần Gemadept (HoSE: GMD) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.858 tỷ đồng (tăng 29% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 562 tỷ đồng (tăng 95%).

Năm 2023, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng doanh thu và lợi nhuận của GMD sẽ có phần chững lại so với năm 2022 vì những rủi ro liên quan đến suy thoái và căng thẳng địa chính trị. Thêm vào đó, với tình trạng cạnh tranh ở khu vực Hải Phòng, BVSC giả định cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 chỉ lấp đầy 35% công suất trong năm 2023. Vì vậy, doanh thu và lợi nhuận ròng của GMD chỉ tăng trưởng lần lượt 6% và 10%.

Theo BVSC, hiện tại công suất các cảng khu vực Hải Phòng đang vượt trên 20% nhu cầu thực tế và tình trạng cạnh tranh giữa các cảng vẫn còn diễn ra gay gắt. Với giả định tăng trưởng sản lượng hàng hóa trung bình mỗi năm đạt 8%, BVSC cho rằng tình hình cạnh tranh này sẽ còn kéo dài trong những năm tới.

Theo đó, năm 2023, GMD tiếp tục đưa vào khai thác cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2. Kể từ năm 2024, các cảng nước sâu ở khu vực Lạch Huyện sẽ được đưa vào sử dụng. Cụ thể: bến số 3 và số 4 của cảng Hải Phòng dự kiến sẽ được đưa vào khai thác từ tháng 12/2023, và toàn bộ dự án được hoàn thành vào năm 2025; bến số 5 và 6 của Hateco dự kiến đi vào hoạt động năm 2025.

Mặc dù 4 bến cảng mới ở khu vực Lạch Huyện là cảng nước sâu, khác phân khúc cảng sông của GMD, nhưng với tốc độ tăng trưởng sản lượng hàng hóa như hiện tại, BVSC cho rằng các cảng này cũng sẽ tham gia vào cuộc đua cạnh tranh về giá cả dịch vụ với cảng hạ nguồn.

Trong 5 năm tới, theo dự phóng của BVSC, tình hình cung vẫn vượt cầu trung bình trên 20% và các cảng của GMD tại thuộc khu vực này cũng không nằm ngoài vòng xoáy cạnh tranh. Tuy nhiên, cảng Nam Đình Vũ có vị trí thuận lợi bậc nhất trong khu vực cảng sông, khả năng tiếp nhận tàu lớn hơn cùng với các trang thiết bị tân tiến nên có thể gặp ít áp lực cạnh tranh hơn các cảng sông khác trong khu vực.

Giai đoạn 2022 – 2025, BVSC kỳ vọng nhóm cảng GMD miền Bắc sẽ có tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân đạt 15,5% mỗi năm, đóng góp chủ yếu bởi tăng trưởng sản lượng ở cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Tính đến thời điểm cuối năm 2021, cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 1 chỉ mới hoạt động được 70% công suất, trong khi đó, giai đoạn 2 đã tiến hành khởi công từ cuối năm 2021 và dự kiến đi vào hoạt động trong quý 1/2023 với công suất thiết kế 600.000 TEUs.

Tuy nhiên, với tình hình cạnh tranh hiện tại ở khu vực Hải Phòng, BVSC cho rằng cảng Nam Đình Vũ (2 giai đoạn) sẽ chưa thể lấp đầy được 100% công suất trong những năm tới, cùng với đó là tình hình dư cung sẽ khiến giá cước khó có thể tăng mạnh.

Gemalink là cảng nước sâu chiến lược của GMD tại khu vực Cái Mép – Thị Vải. Trong 5 năm gần đây, khu vực này có tốc độ tăng trưởng sản lượng hàng hóa rất nhanh, với mức tăng bình quân đạt 22,8%/năm. Với vị trí địa lý thuận lợi, và tầm nhìn của chính phủ đối với hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, BVSC kỳ vọng Gemalink giai đoạn 1 và Gemalink giai đoạn 2 sẽ là động lực tăng trưởng chính cho GMD trong những năm tới v

BVSC định giá cổ phiếu GMD dựa trên phương pháp SOTP (Sum-of-the-Parts). BVSC khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu cho cổ phiếu GMD là 54.700 đồng/cổ phiếu – với tiềm năng tăng trưởng 14,7%.

KBC: VDSC khuyến nghị mua với giá mục tiêu 33.400 đồng/cổ phiếu

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) cho OPPO thuê 62,7ha ở dự án Nam Sơn Hạp Lĩnh với giá 70 USD/m2/kỳ thuê, thấp hơn khoảng 50% so với giá thị trường hiện tại là 130 USD/m2/kỳ thuê.

Tuy nhiên, trong tháng 6/2022, doanh nghiệp chỉ giữ lại 22,8ha cho đến hết quý III/2022. Trong 40 ha lấy lại, KBC cũng đã tìm được nhà đầu tư thay thế để kí MOU gồm Gotek (20),  2 nhà đầu tư Hàn Quốc (20ha). Ngoài ra, tính tới cuối tháng 6/2022, công ty đã đàm phán cho thuê hơn 50ha tại KCN này cho một số nhà đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất điện tử, logistics.

Về dự án Tân Phú Trung, VDSC cho biết trong nửa đầu 2022, KCN đã hoàn thành hơn 50% (16,8 ha) kế hoạch năm (30ha), dự kiến sẽ ghi nhận thêm 10 – 15ha trong nửa cuối năm 2022.

Về dự án Tràng Cát, hiện tại quy hoạch 1/500 mới của khu đô thị chưa thể hoàn thành do đợi phê duyệt quy hoạch chung 2021-2025 của thành phố Hải Phòng. Vì vậy, thời điểm quy hoạch chi tiết 1/500 mới này khả năng sẽ chậm hơn so với dự kiến.

KBC cho biết, hiện quy hoạch chung của thành phố Hải Phòng đang được trình lên phó Thủ Tướng Lê Văn Thành xem xét, và kỳ vọng sẽ được chấp thuận trong năm 2023. Hiện KBC đã san lấp mặt bằng 60 ha và dự kiến sẽ san lấp hết 200 ha đến cuối năm.

Theo kế hoạch, KBC dự kiến sẽ bán sỉ 30 ha trong năm nay. Trong dài hạn, KBC có kế hoạch liên doanh với một đối tác có kinh nghiệm, một số quỹ đầu tư Bất động sản đang quan tâm ở khu vực này như Kappel Land, Mapple Tree… hoặc tiếp tục bán sĩ với quy mô tối thiếu 30ha như hiện tại.

Tuy nhiên, dựa trên các tiến độ về pháp lý, VDSC cho răng việc bàn giao và ghi nhận 30 ha trong năm nay là khó khả thi. Bên cạnh đó, các thủ tục chuyển nhượng phải mất ít nhất 3-6 tháng. VDSC nhận thấy những lo ngại của các nhà đầu tư có thể trì hoãn hoạt động tích lũy quỹ đất do triển vọng ảm đảm của kinh tế toàn cầu.

Dự án khu đô thị Phúc Ninh của KBC đã mở bán và đưa vào hoạt động giai đoạn 1. Giai đoạn 2 có 10/22 ha thương phẩm, đã bán khoảng 8 ha. Mặc dù đã xây dựng hạ tầng đầy đủ, KBC vẫn còn phần diện tích đất chưa nộp tiền sử dụng đất (27/45 ha). Vì vậy, KBC khả năng chưa thể tiến hành bàn giao cho khách hàng trong năm nay.

Dự án KĐT Tràng Duệ có diện tích thương phẩm 22/42ha, đã nộp toàn bộ tiền sử dụng đất và có sổ đỏ cho từng lô nên việc bán hàng khá thuận lợi. Dự kiến mỗi năm sẽ bán khoảng 6ha, gồm shophouse, nhà ở liền kề, biệt thự.

Trong kịch bản cơ sở, VDSC kỳ vọng KBC có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh tại khu công nghiệp Tân Phú Trung, thực hiện cho thuê một phần diện tích của khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh và khu đô thị Tràng Duệ. Trong khi đó, do các vấn đề về pháp lý, KBC có thể phải lùi thời hạn bàn giao đất tại Phúc Ninh đến năm 2023.

Bên cạnh đó, khoản lợi nhuận từ việc đánh giá lại khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng (khoảng 2.200 tỷ đồng) sẽ được ghi nhận trong nửa cuối năm 2022 sau khi có sự thống nhất giữa các  đơn vị thẩm định giá Savill và kiểm toán EY.

Tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2022 dự báo mức 2.985 tỷ đồng (giảm 30,7%) và 3.044 tỷ đồng (tăng 288%), hoàn thành lần lượt 30,5% và 68% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế nửa cuối năm 2022 ước tính lần lượt là 1.900 tỷ đồng (tăng 6,2% so với cùng kỳ) và 2.929 tỷ đồng (tăng 1.939% so với cùng kỳ).

VDSC khuyến nghị mua cổ phiếu KBC với giá mục tiêu 33.400 đồng/cổ phiếu.

Hải Đường

Theo VietnamFinance