Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (20/3): VRE, SBT và PLX
VNDirect ước tính PLX sẽ ghi nhận ít nhất 700 tỷ đồng lợi nhuận tài chính bất thường nếu thương vụ thành công. Đây sẽ là động lực tăng giá tiềm năng cho cổ phiếu PLX trong ngắn hạn.
VRE: BSC khuyến nghị mua với giá mục tiêu 36.200 đồng/cổ phiếu
Kết thúc năm 2022, Công ty Cổ phần Vincom Retail (HoSE: VRE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.308 tỷ đồng (tăng 24% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế 2.704 tỷ đồng (tăng 106% so với cùng kỳ) đóng góp chính bởi mảng cho thuê BĐS đầu tư và dịch vụ.
Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng việc tổng diện tích sàn thương mại tiếp tục được mở rộng và sự trở lại của mảng kinh doanh bất động sản là động lực duy trì sức bật phục hồi trong năm 2023 của VRE.
Theo đó, về mảng cho thuê BĐS đầu tư và dịch vụ, tính đến cuối năm 2022, tổng diện tích sàn thương mại đạt 1.747 nghìn m2 (tăng tăng 6% so với cùng kỳ). Dựa trên tiến độ triển khai các đại đô thị của Vinhomes và kế hoạch của VRE, BSC kỳ vọng tổng diện tích sàn thương mại sẽ đạt 1.807 nghìn m2 trong 2023 (tăng tăng 3%so với cùng kỳ) nhờ vận hành Vincom Mega Mall Grand Park, VCP Ha Giang, VCP Quảng Trị và 1.962 nghìn m2 trong năm 2024 (tăng 4% so với cùng kỳ) nhờ khai trương Vincom Mega Mall Ocean Park 2.
Định hướng phát triển diện tích sàn bán lẻ đặt trọng tâm vào loại hình Vincom Mega Mall trong các đại đô thị của Vinhomes được kỳ vọng sẽ là một chiến lược phù hợp, phát huy tối đa lợi thế từ hệ sinh thái toàn diện của Tập đoàn Vingroup nhờ đó tỷ lệ lắp đầy cao được duy trì. BSC ước tính Vincom Mega Mall sẽ đóng góp 87,2% tổng diện tích bản lẻ NLA tăng thêm của VRE trong 3 năm tới (2023-2025).
Về mảng kinh doanh bất động sản, đóng góp của mảng kinh doanh bất động sản trong năm 2022 tương đối mờ nhạt khi doanh thu thuần chỉ đạt 381 tỷ đồng (giảm 62% so với cùng kỳ).
BSC kỳ vọng mảng kinh doanh bất động sản sẽ phục hồi trong năm 2023, đạt doanh thu thuần 1.160 tỷ đồng (tăng 205% so với cùng kỳ) và lợi nhuận gộp đạt 522 tỷ đồng (tăng 463% so với cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp 45%) nhờ vào bàn giao các sản phẩm nhà phố tại Vincom Shophouses Quảng Trị (quy mô 53.000m2) và Vincom Shophouses Điện Biên Phủ (quy mô 7.600m2).
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo, tổng giá trị mở bán tính đến cuối 2022 tại 2 dự án này đã đạt 2.650 tỷ đồng và dự kiến bắt đầu bàn giao trong năm 2023.
BSC cho biết, tỷ lệ lắp đầy các TTTM của VRE duy trì ở mức cao nhờ vào lợi thế từ tệp khách hàng hiện tại và hệ sinh thái toàn diện của Vingroup, qua đó Vincom Retail tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển và vận hành TTTM. Hiện tại, VRE đang trực tiếp vận hành 83 trung tâm thương mại, trải dài 44/63 tỉnh thành khắp cả nước.
BSC cho rằng lưu lượng khách tham quan các TTTM duy trì tốt là một trong những lợi thế cạnh tranh chính của VRE so với các doanh nghiệp cùng ngành trong việc thu hút các nhãn hàng, các đơn vị bán lẻ ký mới/tiếp tục thuê.
Trong năm 2023, BSC dự báo VRE ghi nhận doanh thu thuần 8.972 tỷ đồng (tăng 23%), lợi nhuận ròng đạt 3.507 tỷ đồng (tăng 30%), tương đương EPS năm 2023 dự phóng đạt 1.506 đồng/cổ phiếu, P/E năm 2023 đạt 19,3 lần, P/B năm 2023 đạt 1,8 lần.
Doanh thu mảng cho thuê BĐS dự kiến tiếp tục tăng trưởng 13,1% so với cùng kỳ nhờ vào việc dừng chương trình hỗ trợ đối với các khách thuê từ 2023, tổng diện tích sàn thương mại tăng thêm 60 nghìn m2 khi đưa vào vận hành Vincom Mega Mall Grand Park, VCP Hà Giang, VCP Điện Biên Phủ 2.
Doanh thu từ chuyển nhượng BĐS dự kiến đạt 1.160 tỷ đồng (tương đương 42% doanh thu bán trước năm 2022) với biên lợi nhuận gộp đạt 45% tại Vincom Shophouses Điện Biên Phủ, Vincom Shophouses Hà Giang.
BSC khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VRE với giá mục tiêu năm 2023 là 36.200 đồng/cổ phiếu, dựa trên phương pháp định giá từng phần, EV/EBITDA mục tiêu đạt 16,15 lần cho mảng cho thuê BĐS tương đương mức giao dịch bình quân trong giai đoạn 2020-2022.
SBT: PHS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 16.700 đồng/cổ phiếu
Kết thúc quý II niên độ 2022-2023, Công ty Cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa (TTC Sugat, HoSE: SBT) đã tiêu thụ 683 ngàn tấn đường, ghi nhận doanh thu thuần lũy kế đạt 12.281 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ, hoàn thành 72% kế hoạch năm.
Sản lượng tiêu thụ của các kênh bán hàng ghi nhận tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ, trong đó, kênh xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc khi sản lượng bán hàng tăng hơn 70%, kênh công nghiệp B2B tăng 26% đáng kể trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận gộp của công ty trong niên vụ 2022-2023 sẽ lần lượt đạt 23.001.7 tỷ đồng (tăng 25,6% so với cùng kỳ) và 2.220,6 tỷ đồng (giảm 3,8% so với cùng kỳ) thông qua việc gia tăng sản lượng nhờ vào điều kiện thời tiết thuận lợi, giá đường trong nước và thế giới nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao nhưng khó có khả năng tăng thêm. Lợi nhuận sau thuế có thể đạt 838,7 tỷ đồng (giảm 4% so với cùng kỳ) cho năm 2023.
Theo PHS, tình hình đường lậu vẫn còn diễn biến phức tạp. Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho rằng mặc dù đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, lượng đường nhập khẩu vẫn suy giảm không đáng kể, có thể thấy qua lượng đường nhập trong năm 2022 vẫn bằng 83,5% so với cùng kỳ (1,5 triệu tấn vào năm 2021). Lượng đường nhập lậu từ Campuchia và Lào nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ lại có dấu hiệu tăng lên so với các năm.
PHS cho rằng biên lợi nhuận của SBT sẽ chưa khởi sắc trong vụ 2022-2023. Thời tiết chung được dự báo sẽ bước trở nên thuận lợi hơn trong thời gian sắp tới khi bước vào pha ENSO trung tính, thích hợp cho việc trồng mía. Các quốc gia xuất khẩu mía hàng đầu thế giới như Brazil cũng đã thông báo kết quả của một mùa vụ bội thu nhất trong các năm đổi lại đây.
Theo ISO, trong niên vụ 2022-2023, tình hình cung – cầu nhiều khả năng sẽ đổi từ thâm hụt sang thặng dư, đồng nghĩa với việc giá đường sẽ khó có thể tăng mạnh. Chi phí tài chính tăng do lãi suất cao cũng sẽ khiến biên lợi nhuận của SBT không thể cải thiện được trong năm nay.
Theo PHS, SBT hiện đang sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh bền vững trong dài hạn, với chuỗi giá trị có chiều sâu, công suất nhà máy lớn và vùng nguyên liệu được phát triển một cách tự chủ.
Sử dụng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá trị hợp lý là 16.700 đồng/cổ phiếu. Do đó, PHS đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 14%. Định giá của công ty chứng khoán này đã phản ánh con số ước tính dựa trên kịch bản cơ sở trong giai đoạn 5 năm tiếp theo.
PLX: VNDirect khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 45.600 đồng/cổ phiếu
Doanh thu quý IV/2022 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) tăng 59,1% so với cùng kỳ lên 78.383 tỷ đồng nhờ cả sản lượng tiêu thụ xăng dầu (tăng 22,6% so với cùng kỳ) và giá bán bình quân (tăng 30% so với cùng kỳ) đều tăng. Đáng chú ý, lợi nhuận gộp quý IV/2022 tăng 44,5% so với cùng kỳ (và 53% so với quý trước) nhờ điều chỉnh tăng chi phí định mức cấu thành giá cơ sở từ tháng 10-11/2022 và hoàn nhập dự phóng giảm giá hàng tồn kho 357 tỷ đồng.
Trong khi đó, lợi nhuận tài chính thuần quý IV/2022 tăng hơn 11 lần so với cùng kỳ, giúp bù đắp một phần cho mức tăng 38,7% so với cùng kỳ của chi phí bán hàng. Nhờ đó, PLX ghi nhận sự phục hồi ấn tượng trong quý IV/2022 với lợi nhuận ròng đạt 1.168 tỷ đồng (tăng 93,4% so với cùng kỳ), đóng góp 79% tổng lợi nhuận cả năm.
Trong năm 2022, doanh thu tăng 79,9% so với cùng kỳ lên mức kỷ lục là 304.080 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận ròng giảm 47,9% so với cùng kỳ xuống 1.480 tỷ đồng.
Sau năm 2022 đầy khó khăn, Công ty Chứng khoán Vndirect kỳ vọng lợi nhuận trên mỗi lít sản phẩm của PLX sẽ phục hồi kể từ năm 2023 nhờ nguồn cung trong nước ổn định trở lại khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hoạt động ổn định, giúp PLX giảm tỷ trọng nguồn nhập khẩu với chi phí vận chuyển cao và việc điều chỉnh phụ phí kinh doanh xăng dầu kịp thời và đầy đủ của cơ quan quản lý.
Những điều này sẽ giúp lợi nhuận gộp trên mỗi lít sản phẩm của PLX phục hồi về mức trước dịch với mức tăng trưởng 19%/4% so với cùng kỳ trong năm 2023-2024. Bên cạnh đó, VNDirect kỳ vọng sản lượng tiêu thụ của PLX sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới với tốc độ tăng trưởng kép là 4,9% trong năm 2023-2025.
Nhìn chung, VNDirect nhận thấy triển vọng tươi sáng hơn cho PLX trong những năm tới với tăng trưởng lợi nhuận ròng đạt 149,6% và 18,7% so với cùng kỳ trong năm 2023-2024.
Mới đây, HĐQT của PLX đã thông qua phương án thoái vốn tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank, HoSE: PGB). Theo kế hoạch, PLX sẽ bán đấu giá 120 triệu cổ phiếu PGB (40% tổng cổ phần) tại HoSE vào ngày 7/4/2023 với giá khởi điểm là 21.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng quy mô thương vụ tối thiểu là 2.556 tỷ đồng.
VNDirect ước tính PLX sẽ ghi nhận ít nhất 700 tỷ đồng lợi nhuận tài chính bất thường nếu thương vụ thành công. Đây sẽ là động lực tăng giá tiềm năng cho cổ phiếu PLX trong ngắn hạn.
VNDirect duy trì khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu theo phương pháp DCF không đổi là 45.600 đồng/cổ phiếu do điều chỉnh dự phóng EPS 2023-2025 và chuyển mô hình DCF sang năm 2023. Động lực tăng giá đến từ lợi nhuận bất thường từ việc thoái vốn tại PGBank. Rủi ro giảm giá là chi phí kinh doanh xăng dầu cao hơn dự kiến và rủi ro biến động tỷ giá.