Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (22/3): PVT, POW và FPT
Tổ máy số 1 nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 đã cơ bản khắc phục xong sự cố trong thời gian hơn 1 năm qua và dự kiến đi vào hoạt động từ cuối quý I/2023. Với công suất 600MW, tổ máy sẽ đóng góp từ 2,5 - 3 tỷ kWh trong năm 2023, đưa hiệu quả hoạt động của POW tăng lên.
PVT: SSI khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 23.200 đồng/cổ phiếu
Trong quý IV/2022, doanh thu và lợi nhuận gộp của Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (HoSE: PVT) lần lượt tăng 17% và 33% so với cùng kỳ do doanh thu mảng vận tải tăng 25% so với cùng kỳ nhờ giá cho thuê tàu cao hơn do mảng FSO ổn định.
Công ty Chứng khoán SSI nhận thấy thị trường cho thuê tàu chở dầu tăng mạnh là nhờ các biện pháp trừng phạt đối với dầu và các sản phẩm dầu của Nga làm tăng nhu cầu vận chuyển dầu.
Lũy kế cả năm cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế đạt 1,5 nghìn tỷ đồng (tăng 40% so với cùng kỳ), cao hơn 8% so với ước tính của SSI do phát sinh khoản lãi thanh lý tài sản trong quý IV. Nếu loại trừ tất cả khoản lãi từ việc thanh lý tài sản, lợi nhuận trước thuế năm 2022 sẽ ở mức 1,2 nghìn tỷ đồng (tăng 17% so với cùng kỳ), cao hơn một chút so với tốc độ tăng trưởng kép lợi nhuận trước thuế là 15,6% trong 10 năm qua.
SSI kỳ vọng PVT sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023 cùng với tăng trưởng kinh doanh cốt lõi, do giá cho thuê tàu cao sẽ được áp dụng cho cả năm 2023 thay vì nửa đầu năm 2022 (SSI giả định giá cho thuê tàu tăng 26% so với cùng kỳ và đội tàu cho thuê tăng trưởng 24% so với cùng kỳ, mang lại mức tăng trưởng doanh thu cho thuê là 54% so với cùng kỳ).
Trong khi đó, các mảng hoạt động khác như vận tải nội địa có thể bị ảnh hưởng do nhà máy lọc dầu Dung Quất (BSR) dự kiến đại tu trong 50 ngày vào khoảng tháng 5/2023, điều này làm giảm sản lượng vận chuyển của PVT. Tuy nhiên, trước khi tiến hành bảo dưỡng, BSR thường chạy với công suất cao hơn để bổ sung sản lượng và đảm bảo nguồn cung cấp bình thường cho các đại lý bán lẻ xăng dầu trong thời gian bảo dưỡng do đó sản lượng thực tế giảm không đáng kể.
Theo đó, mảng vận tải vẫn ghi nhận tác động tích cực trong năm 2023 và SSI giả định doanh thu vận tải sẽ tăng trưởng 13%, nhờ doanh thu cho thuê tàu tăng trưởng 45% và doanh thu nội địa giảm 6%. Lợi nhuận gộp mảng vận tải dự kiến tăng trưởng 20% so với cùng kỳ do SSI kỳ vọng mảng cho thuê tàu sẽ mang lại mức lợi nhuận cao hơn.
SSI giả định giá dầu Brent bình quân năm 2023 dao động trong khoảng 80-90 USD/thùng và SSI không dự đoán trước được những biến động trong hoạt động mảng FSO (không điều chỉnh giá đối với giá dầu Brent trên 60 USD/thùng).
SSI kỳ vọng doanh thu của PVT sẽ tăng 10,1% so với cùng kỳ trong năm 2023 và 3,1% so với cùng kỳ trong năm 2024. Tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi (không bao gồm khoản lãi từ thanh lý tài sản) dự kiến đạt 18% so với cùng kỳ trong năm 2023 và 5% so với cùng kỳ trong năm 2024, vì năm 2023 được cho là sẽ được hưởng lợi từ mức giá cho thuê tàu cao hơn. Nếu tính cả khoản lãi từ việc thanh lý tài sản, lợi nhuận sau thuế năm 2023 sẽ tương đối ổn định so với cùng kỳ.
PVT đang giao dịch với P/E dự phóng 2023 là 8 lần và P/B là 1,02 lần, mức này nằm giữa dải P/E lịch sử (7,6 - 10,5 lần). Giá cổ phiếu đã tăng 19% kể từ báo cáo gần đây nhất của SSI, điều này phản ánh một phần mức tăng trên thị trường tàu chở dầu. Tuy nhiên, SSI cho rằng P/E dự phóng của PVT hiện tại là 8 lần và cổ phiếu vẫn còn dư địa tăng trưởng, đặc biệt khi xét đến triển vọng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp suy yếu trong năm nay.
SSI chuyển cơ sở định giá sang giai đoạn 2023-2024 và tiếp tục sử dụng phương pháp định giá P/E, với P/E mục tiêu điều chỉnh là 9 lần (từ 10 lần như trước đây) để phản ánh triển vọng lợi nhuận đi ngang trong năm 2023 (do mức nền cao trong năm trước), và giảm giá mục tiêu 1 năm xuống 23.200 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá khoangr 17%) từ 24.000 đồng/cổ phiếu.
Theo đó SSI duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu PVT. Trong ngắn hạn, SSI cho rằng tăng trưởng lợi nhuận quý I/2023 có thể ghi nhận mức cao nhất trong năm với giá cho thuê tàu tăng từ quý II/2022. Đây có thể là yếu tố hỗ trợ ngắn hạn cho giá cổ phiếu.
POW: MBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 16.200 đồng/cổ phiếu
Sản lượng điện sản xuất năm 2022 của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HoSE: POW) đạt 14,17 tỷ kWh, hoàn thành 102% kế hoạch cả năm và bằng 97% của năm 2021. Sản lượng giảm là do nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 chỉ hoạt động 1 tổ máy.
Doanh thu cả năm 2022 đạt 28.224 tỷ đồng, đạt 116% kế hoạch cả năm và bằng 115% của năm 2021. Sản lượng điện thấp nhưng doanh thu cao chủ yếu do giá bán điện tăng trong kỳ khi chi phí nhiên liệu tăng. Lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 2,809 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2,553 tỷ đồng, bằng 120% và 124% của năm 2021.
Tổ máy số 1 nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 đã cơ bản khắc phục xong sự cố trong thời gian hơn 1 năm qua và dự kiến đi vào hoạt động từ cuối quý I/2023. Với công suất 600MW, tổ máy sẽ đóng góp từ 2,5 - 3 tỷ kWh trong năm 2023, đưa hiệu quả hoạt động của POW tăng lên.
Trong năm 2023, Công ty Chứng khoán MB (MBS) đánh giá triển vọng sản xuất kinh doanh của POW lạc quan hơn nhờ vào 4 thuận lợi. Một là sản lượng điện tăng lên khoảng 25% đạt 17,8 tỷ kWh nhờ nhà máy điện Vũng Áng 1 khắc phục xong sự cố tổ máy 1 từ cuối quý I/2023, các nhà máy khác như Cà Mau 1 v 2, Nhơn trạch 1… cũng đảm bảo mức khả dụng cao để sẵn sàng tham gia thị trường điện.
Hai là nguồn lực tài chính được củng cố khi nợ vay dài hạn tiếp tục giảm, Vốn chủ sở hữu tăng và đạt 58,5% tổng nguồn vốn, dòng tiền thuần hoạt động kinh doanh đạt dương 3.178 tỷ đồng. Ba là nhu cầu tiêu thụ điện năm 2023 tiếp tục được dự báo tăng 6%, nhiệt điện kỳ vọng có cơ hội tăng trưởng tốt khi thủy điện đi qua giai đoạn thuận lợi.
Bốn là trong trung và dài hạn, dự án đầu tư nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 và nhà máy nhiệt điện LNG Quảng Ninh sẽ là động lực phát triển cho POW.
Bên cạnh thuận lợi, thách thức với công ty khi nhu cầu thị trường điện có thể không tăng mạnh như dự báo do tình hình kinh tế chung đang gặp khó khăn, làm cho huy động điện của EVN với các nhà máy của POW có thể ở mức thấp hơn dự kiến, làm hiệu quả kinh doanh tăng trưởng thấp.
MBS dự báo sản lượng điện sản xuất năm 2023 của công ty có thể đạt 17,8 tỷ kWh, tăng 25% so với năm 2022. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế dự báo lần lượt đạt 34.644 tỷ đồng và 3.164 tỷ đồng, bằng 123% và 114% của năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 2,848 tỷ đồng, thu nhập mỗi cổ phần đạt 1.035 đồng/cổ phần.
Kết hợp phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền FCFF và so sánh PE, PB, giá trị cổ phiếu POW được MBS xác định ở mức 16.200 đồng/cổ phần.
FPT: KBSV khuyến nghị mua ở mức giá 102.900 đồng/cổ phiếu
Quý IV/2022, Công ty Cổ phần FPT duy trì tăng trưởng với doanh thu đạt 13.042 tỷ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ. Trong đó khối công nghệ tăng 20,8%, khối viễn thông tăng 13,6% và khối giáo dục & đầu tư tăng 66,1%. Chi phí tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 đạt 1.620 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu của FPT đạt 44.010 tỷ đồng (tăng 23,4%), lợi nhuận sau thuế đạt 6.491 tỷ đồng, tăng 21,3%. Doanh thu ký mới cả năm 2022 của khối dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài đạt 21.594 tỷ đồng, tăng 38,9%, tăng mạnh so với mức tăng trưởng của năm 2021 là 18,7%.
Ngày 23/2/2023, FPT công bố thương vụ mua lại toàn bộ mảng dịch vụ công nghệ của Intertec International (Mỹ) nhằm mục đích mở rộng các trung tâm dịch vụ công nghệ toàn cầu của FPT, qua đó đảm bảo cung cấp dịch vụ, khai thác tối đa cơ hội tại các quốc gia nói tiếng anh.
FPT đặt kế hoạch kinh doanh 2023 với doanh thu đạt 52.289 tỷ (tăng 18,8%), lợi nhuận trước thuế đạt 9.055 tỷ (tăng 18,3%). Đối với mảng công nghệ thông tin nước ngoài, FPT sẽ tập trung cung cấp dịch vụ chuyển đổi số và các dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn. Ở mảng dịch vụ viễn thông, FPT sẽ tập trung phát triển mảng PayTV và Data Center, cùng với đó tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) ước tính doanh thu năm 2023 của FPT đạt 53.098 tỷ đồng tăng 20,7%. Doanh thu khối công nghệ ước tính tăng trưởng 22,2%, đạt 31.193 tỷ đồng với doanh thu khối công nghệ thông tin nước ngoài tăng 23%, giảm so với năm 2022 do diễn biến thu hẹp quy mô đầu tư công nghệ của các doanh nghiệp do ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô tiêu cực.
Doanh thu khối viễn thông ước tính đạt 17.008 tỷ đồng, tăng 15,5%, trong đó dịch vụ viễn thông tăng 16% với động lực từ mảng PayTV trong khi mảng nội dung số quay lại mức tăng trưởng thấp, đạt 6%. lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ dự kiến đạt 6.233 tỷ đồng, tăng 17,4%, EPS dự kiến đạt 5.682 đồng/cổ phiếu.
KBSV sử dụng 2 phương pháp định giá là chiết khấu dòng tiền chủ sở hữu (FCFE) và so sánh tương quan chỉ số P/E các doanh nghiệp cùng ngành có cùng quy mô vốn tại các thị trường đang phát triển của châu Á đối với 2 mảng công nghệ và viễn thông.
Riêng đối với mảng công nghệ, KBSV chiết khẩu 10% so với PE trung bình ngành tại thời điểm hiện tại phản ánh lo ngại về nhu cầu dịch vụ công nghệ suy giảm trong năm 2023 do các yếu tố vĩ mô tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến định giá các doanh nghiệp công nghệ trong nhóm theo dõi.
Đối với mảng giáo dục do chưa có tách biệt giữa mảng giáo dục và đầu tư, KBSV giả định mức P/E hiện tại là hợp lý. Kết hợp hai phương pháp định giá trên với tỷ lệ 50-50 để ra được giá hợp lý cuối cùng cho cổ phiếu FPT là 102.900 đồng/cổ phiếu.