Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (24/10): VPB, DGC và VCG
(VNF) - VPB đang giao dịch tương ứng với P/B 2022E là 1,0x. Yuanta dự báo ROE năm 2022 của VPB là 20%, thấp hơn so với các bên là 21% (theo Bloomberg). Yuanta duy trì khuyến nghị mua đối với VPB, giá mục tiêu 32.547 đồng/cổ phiếu.
VPB: Yuanta khuyến nghị mua với giá mục tiêu 32.547 đồng/cổ phiếu
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (PATMI) quý III/2022 đạt 3,7 nghìn tỷ đồng (tăng 6% so với quý trước tăng 73% so với cùng kỳ).
Lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ chủ yếu do mức nền thấp của quý III/2021. PATMI 9 tháng năm 2022 đạt 15,9 nghìn tỷ đồng (tăng 70% so với cùng kỳ), hoàn thành 67% kế hoạch cả năm của ngân hàng và 76% dự báo của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam.
Tín dụng tăng trưởng tăng 15% so với thời điểm đầu năm, đạt 443 nghìn tỷ đồng tại thời điểm quý III/2022, trong đó cho vay cá nhân chiếm 70% tổng dư nợ tín dụng. Thu nhập lãi ròng quý III/2022 là 10,4 nghìn tỷ đồng (giảm 1% so với quý trước / nhưng tăng 39% so với cùng kỳ). Thu nhập lãi ròng 9 tháng năm 2022 đạt 30,7 nghìn tỷ đồng (tăng 19% so với cùng kỳ). Thu nhập tăng mạnh so với cùng kỳ chủ yếu do so với mức nền thấp của quý III/2021.
Thu nhập phí ròng quý III/2022 là 1,8 nghìn tỷ đồng (tăng 15% so với quý trước /tăng 124% so với cùng kỳ). Thu nhập phí ròng 9 tháng năm 2022 đạt 4,6 nghìn tỷ đồng (tăng 59% so với cùng kỳ), chủ yếu nhờ tăng thu từ hoạt động thanh toán, bảo hiểm, và dịch vụ thẻ.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận lỗ 29 tỷ đồng (so với quý II/2022 lỗ 250 tỷ đồng và quý III/2021 lỗ 10 tỷ đồng). Hoạt động kinh doanh/đầu tư chứng khoán lãi 92 tỷ đồng trong quý III/2022 (giảm 58% so với quý trước / giảm 87% so với cùng kỳ).
Thu nhập khác (phần lớn là xử lý nợ xấu) đạt 1,3 nghìn tỷ đồng (giảm 5% so với quý trước / tăng 8% so với cùng kỳ) trong quý III/2022. Chi phí hoạt động quý III/2022 là 3,5 nghìn tỷ đồng (đi ngang so với quý trước/ tăng 44% so với cùng kỳ).
Chi phí hoạt động 9 tháng năm 2022 là 10 nghìn tỷ đồng (tăng 28% so với cùng kỳ). Do đó, tỷ lệ chi phí / thu nhập điều chỉnh (đã loại trừ thu nhập khác) là 29% trong quý III/2022 (giảm 50 điểm cơ bản so với quý trước) theo tính toán của Yuanta.
NH trích lập dự phòng 5,4 nghìn tỷ đồng (giảm 3% so với quý trước/tăng 9% so với cùng kỳ) trong quý III/2022. VPB tăng dự phòng 11% so với cùng kỳ lên 15,1 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) hợp nhất của ngân hàng là 5,02% (giảm 24 điểm cơ bản so với quý trước) trong quý III/2022.
Tỷ lệ NPL công bố của ngân hàng mẹ (theo Thông tư 11) thấp hơn 2%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) vẫn duy trì ở mức 62% (đi ngang so với quý trước) trong quý III/2022.
Tỷ lệ tiền gửi CASA tăng nhẹ lên đạt 19,4% tính đến thời điểm cuối quý III/2022 (tăng 40 điểm cơ bản so với quý trước). Tỷ lệ dư nợ tín dụng / huy động vốn (LDR) là 76%, so với hạn mức tối đa của NHNN là 85%, và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn là 27% (so với hạn mức của NHNN là 34%).
Yuanta cho rằng VPB là một trong số những ngân hàng có tỷ lệ CIR thấp nhất ngành, cho thấy hiệu quả hoạt động của ngân hàng đã được cải thiện nhờ vào chuyển đổi số.
Nguồn vốn của VPB thuộc nhóm cao nhất ngành, đây là nền tảng vững chắc cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Tỷ lệ an toàn vốn CAR của VPB là 15%, tính đến thời điểm cuối quý III/2022.
Thanh khoản vẫn ổn định với tỷ lệ LDR và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn thấp. VPB đang giao dịch tương ứng với P/B 2022E là 1,0x, tương ứng với trung vị ngành. Yuanta dự báo ROE năm 2022 của VPB là 20%, thấp hơn so với các bên là 21% (theo Bloomberg). Yuanta duy trì khuyến nghị mua đối với VPB, giá mục tiêu 32.547 đồng/cổ phiếu.
DGC: SSI khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 85.900 đồng/cổ phiếu
Trong quý III/2022, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (HoSE: DGC) lần lượt đạt 3,7 nghìn tỷ đồng (tăng 76% so với cùng kỳ) và 1,5 nghìn tỷ đồng (tăng 210% so với cùng kỳ). Mặc dù tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lại ghi nhận giảm so với quý trước, cụ thể lần lượt giảm 8% và 20% do giá phốt pho vàng giảm từ mức đỉnh được thiết lập vào quý II/2022.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 11,3 nghìn tỷ đồng (tăng 86% so với cùng kỳ) và 4,9 nghìn tỷ đồng (tăng 341% so với cùng kỳ), hoàn thành 94% và 140% kế hoạch năm.
Tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể từ 30,4% trong quý III/2021 lên 44,5% trong quý III/2022 nhờ giá bán bình quân tăng đột biến trên tất cả các sản phẩm. Do nguồn cung các mặt hàng liên quan đến phốt phát vẫn bị hạn chế ở Trung Quốc, DGC có thể chuyển chi phí nguyên vật liệu cao sang giá bán cho khách hàng.
Trong khi đó, tăng trưởng sản lượng tiêu thụ đạt mức trên 10% so với cùng kỳ do nhà máy phốt pho vàng hoạt động cả ngày trong năm nay, so với việc chỉ hoạt động trong khung giờ thông thường và khung giờ thấp điểm trong quý III/2021.
Giá bán cao cũng giúp giảm tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý trên doanh thu (từ 7,3% trong quý III/2021 xuống 4,8% trong quý III/2022).
Thu nhập tài chính ròng tăng từ 30 tỷ đồng trong quý III/2021 lên 129 tỷ đồng trong quý III/2022 nhờ số dư tiền mặt ròng tăng nhanh (từ 1,6 nghìn tỷ đồng vào quý III/2021 lên 6,6 nghìn tỷ đồng trong quý III/2022).
Theo Công ty Chứng khoán SSI, phốt pho vàng được sử dụng để sản xuất phân bón, chất bán dẫn và các sản phẩm công nghiệp khác. Trong năm 2021, nhu cầu về phốt pho vàng tăng mạnh do các nhà sản xuất chip tăng sản lượng. Theo Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn, doanh thu chất bán dẫn toàn cầu đã tăng 26% so với cùng kỳ vào năm 2021, nhanh hơn nhiều so với mức tăng trưởng 7% so với cùng kỳ vào năm 2020.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, con số này vẫn ở mức cao, mặc dù có dấu hiệu giảm tốc trong quý II/2022. Nhu cầu đối với các sản phẩm tiêu dùng không thiết yếu (ô tô, máy chơi game hay điện thoại di động,...) được dự báo có thể suy yếu do lạm phát cao và nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu. SSI dự đoán tăng trưởng doanh thu chất bán dẫn toàn cầu có thể chậm lại trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023.
Theo SSI, nguyên nhân khiến sản lượng bị hạn chế là do phốt pho vàng tiêu tốn nhiều năng lượng. Sau đợt hạn hán nghiêm trọng do nắng nóng kỷ lục vào mùa hè năm 2022, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng các chính sách kiểm soát năng lượng, buộc các nhà máy phốt pho vàng ở tỉnh Tứ Xuyên (chiếm khoảng 20% sản lượng phốt pho vàng ở Trung Quốc) phải đóng cửa trong vài ngày trong tháng 8.
Cuối tháng 9, các nhà sản xuất phốt pho vàng ở Vân Nam (tỉnh chiếm khoảng 40% sản lượng phốt pho vàng ở Trung Quốc) đã phải giảm sản lượng theo kế hoạch quản lý hiệu quả năng lượng cho các ngành tiêu thụ năng lượng từ tháng 9/2022 đến tháng 5/2023. Theo news.metal.com, sản lượng phốt pho vàng tại Vân Nam vào ngày 28/9 đã giảm 42% so với thời điểm giữa tháng 9.
Giai đoạn tháng 9 năm 2021, các nhà sản xuất phốt pho vàng ở tỉnh Vân Nam đã được yêu cầu giảm sản lượng trong tháng 9-12/2021 xuống dưới 10% sản lượng trong tháng 8. Do đó, SSI cho rằng nguồn cung trong quý IV/2022 có thể không khan hiếm như quý IV/năm 2021.
Với diễn biến cung cầu như trên và nguy cơ suy thoái toàn cầu, SSI cho rằng giá bán trung bình của phốt pho vàng có thể giảm trong năm 2023 từ mức cao kỷ lục năm 2022. SSI dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2022 lần lượt là 15,4 nghìn tỷ đồng (tăng 62% so với cùng kỳ) và 6,3 nghìn tỷ đồng (tăng 153% so với cùng kỳ). Lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 có thể được duy trì ở mức tương đương với năm ngoái. Tuy nhiên, vào năm 2023, SSI giả định giá phốt pho vàng giảm 12% so với cùng kỳ xuống 125 triệu đồng/tấn. Do đó, doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2023 dự kiến sẽ giảm xuống còn 14,6 nghìn tỷ đồng (giảm 6% so với cùng kỳ) và 5,6 nghìn tỷ đồng (giảm 12% so với cùng kỳ).
Với P/E mục tiêu là 6,5 lần vào năm 2023 (điều chỉnh giảm so với P/E mục tiêu trước đó là 11 lần do thanh khoản thị trường giảm và giá phốt pho vàng có khả năng điều chỉnh), SSI đưa ra mức giá mục tiêu cho cổ phiếu DGC là 85,900 đồng/cổ phiếu với khuyến nghị trung lập.
VCG: MASVN khuyến nghị tăng tỷ trọng với giá mục tiêu 20.700 đồng/cổ phiếu
Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG) hoạt động ở 3 lĩnh vực là xây lắp, bất động sản và đầu tư tài chính. Một số dự án, công trình trọng điểm trong lĩnh vực xây lắp là Ga T2 – Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài, Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, XL03 Nghi Sơn – Diễn Châu, XL03 Quốc lộ 45 – Nghi Sơn. Trong lĩnh vực bất động sản là khu đô thị du lịch Cát Bà Amatina, khu du lịch nghỉ dưỡng Condotel Resort Tuy Hòa, Green Diamond Hà Nội.
Ở mảng đầu tư tài chính, một số dự án tiêu biểu của VCG là nhà máy nước Viwaco, nhà máy thủy điện Ngòi Phát.
Về triển vọng của VCG, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng 3 tuyến cao tốc VCG đang thi công dự kiến về đích trong năm nay sẽ đóng góp vào doanh thu ghi nhận trong năm. Bên cạnh đó, việc hoàn thành đúng hạn các tuyến cao tốc giúp VCG gia tăng năng lực và lợi thế cạnh tranh khi tham gia đấu thầu cho các tuyến cao tốc Bắc Nam Giai đoạn 2 – dự kiến khởi công vào cuối 2022.
Về rủi ro, các khoản phải thu phần lớn nằm ở dạng trả trước để đấu thầu, phát triển các dự án bất động sản . Nguồn lực cho bất động sản được tài trợ bởi nợ vay nhưng hiệu quả mang lại chưa rõ ràng và làm gia tăng rủi ro khi các chỉ số thanh toán suy giảm qua các năm. Trong bối cảnh lãi suất đang tăng cao như hiện nay, tác động từ ảnh hưởng này càng đáng kể.
Theo MASVN, danh mục dự án bất động sản của VCG phần lớn nằm ở dạng tiềm năng, cần nhiều thời gian và nguồn lực để chuyển sang giai đoạn phát triển, bán hàng.
Năm 2022, MASVN dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ VCG lần lượt là 6.952 tỷ đồng và 750 tỷ đồng, EPS dự phóng đạt 1.543 đồng/cổ phiếu. MASVN sử dụng phương pháp so sánh P/E và EV/doanh thu với các công ty bất động sản và xây dựng đang niêm yết để xác định mức giá mục tiêu 20.700 đồng/cổ phiếu cho cổ phiếu VCG, khuyến nghị tăng tỷ trọng.