Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (18/4): BSR, FCN và QNS
VCBS dự báo 2023 là một năm tăng trưởng mạnh mẽ của QNS nhờ mảng đường đật kỷ lục về sản lượng cũng như lợi nhuận. Triển vọng của QNS trong 2023 gắn liền với bối cảnh thuận lợi chung của ngành đường Việt Nam sau những biến chuyển về chính sách sau thuế chống bán phá giá và giá đường thế giới liên tục phá kỉ lục.
BSR: SSI khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 16.600 đồng/cổ phiếu
Theo Công ty Chứng khoán SSI, việc điều chỉnh kế hoạch bảo dưỡng tổng thể có thể giúp Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) tăng kết quả kinh doanh so với kế hoạch. Theo kịch bản cơ sở, kế hoạch sản lượng tiêu thụ năm 2023 giảm 20% so với cùng kỳ xuống còn 5,6 triệu tấn và BSR sẽ thực hiện bảo trì tổng thể kéo dài 50 ngày vào giữa tháng 6 đến tháng 8.
Tuy nhiên, BSR có thể lùi kế hoạch bảo dưỡng vài tháng qua năm 2024, do crack spread dự kiến sẽ duy trì ở mức khả quan cho năm 2023 trước khi điều chỉnh sâu hơn vào năm 2024. Tuy nhiên, công ty phải làm việc với các bên liên quan, bao gồm Chính phủ và chuyên gia kỹ thuật, công ty bảo hiểm để đảm bảo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và đảm bảo an toàn khi vận hành máy móc.
Nếu kế hoạch diễn ra theo đúng kỳ vọng, ban lãnh đạo dự kiến sản lượng tiêu thụ năm 2023 sẽ tương đương với năm 2022, điều này giúp tăng doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2023 lần lượt 18-24 nghìn tỷ đồng và 1 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch của BSR theo kịch bản cơ sở.
SSI cho rằng đây là một quyết định hợp lý, đặc biệt là khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng dự kiến sẽ tiến hành bảo trì tổng thể lần đầu tiên trong vòng 55 ngày vào cuối tháng 8/2023, điều này có thể sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung tạm thời trong quý III/2023. Mặt khác, BSR đang kiến nghị Chính phủ thành lập kho dự trữ dầu quốc gia gần Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nếu đề xuất này được phê duyệt có thể giúp BSR tăng cường ổn định nguồn cung đầu vào và tiết giảm chi phí hoạt động.
Theo SSI, kế hoạch niêm yết trên sàn HoSE của BSR sẽ diễn ra trong năm 2023 nếu vấn đề nợ quá hạn được giải quyết. Theo đó, BSR đã đáp ứng gần như đầy đủ 9 tiêu chí để niêm yết trên sàn HoSE, ngoại trừ một vấn đề còn lại liên quan đến nợ quá hạn. HoSE yêu cầu công ty không có nợ quá hạn trên 1 năm tính đến thời điểm đăng ký niêm yết.
Công ty mẹ BSR không có nợ quá hạn, nhưng một trong các công ty con là Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF) có khoản nợ quá hạn chưa thanh toán là 1,06 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022. BSR đang làm việc với các bên để xác định liệu tiêu chí nợ quá hạn là tính trên báo cáo tài chính của công ty mẹ hay là báo cáo hợp nhất. Nếu vấn đề này được giải quyết, BSR dự kiến sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE trong quý III/2023.
Kết quả kinh doanh quý I/2023 của BSR bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thời tiết và giá dầu biến động. Ban lãnh đạo chưa công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 chính thức, nhưng theo như chia sẻ, công ty buộc phải giảm công suất hoạt động vào đầu tháng 1 do thời tiết xấu gây cản trở việc nhập khẩu dầu thô. Ngoài ra, giá dầu giảm trong tháng 3 có thể ảnh hưởng đến việc trích lập dự phòng hàng tồn kho trong quý I/2023.
BSR hiện đang giao dịch ở mức P/E 2023 là 7,8 lần, theo quan điểm của SSI mức này là khá hợp lý. SSI duy trì khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu của BSR và giá mục tiêu 1 năm là 16.600 đồng/cổ phiếu dựa trên ước tính lợi nhuận ròng năm 2023 là 6,4 nghìn tỷ đồng (giảm 56% so với cùng kỳ).
SSI kỳ vọng sản lượng tiêu thụ sẽ đi ngang ở mức 7 triệu tấn trong năm 2023. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp có thể quay về mức bình thường là 5,2% từ mức nền cao là 9,6% được thiết lập trong năm 2022, do giá dầu giảm và crack spread thu hẹp.
FCN: VNDirect khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 13.000 đồng/cổ phiếu
Doanh thu năm 2022 của Công ty Cổ phần FECON (HoSE: FCN) giảm 12,6% so với cùng kỳ xuống 3.045 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận ròng giảm mạnh 42,8% so với cùng kỳ xuống 39 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 36,6% dự phóng cả năm của Công ty Chứng khoán VNDirect.
Nguyên nhân do biên lợi nhuận gộp giảm 1,8 điểm % xuống còn 11,7% vì chi phí vật liệu xây dựng tăng mạnh trong giai đoạn năm 2021 – 6 tháng đầu 2022, chi phí lãi vay tăng 45,2% do tổng nợ vay cuối năm 2021 tăng 55% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, trong quý IV/2022, FCN đã chuyển nhượng 100% cổ phần tại nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 cho đối tác Leader Energy (nhà đầu tư tổ chức mảng năng lượng từ Malaysia), ghi nhận khoản lãi 145 tỷ đồng vào doanh thu hoạt động tài chính.
VNDirect ước tính FCN sẽ ký các hợp đồng mới trị giá lần lượt là 3.675 tỷ đồng (tăng 5% so với cùng kỳ) và 4.226 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ) trong năm 2023 và năm 2024. Với giá trị backlog cuối năm 2022 là 2.750 tỷ đồng (tăng 37,5% so với cùng kỳ), VNDirect kỳ vọng doanh thu năm 2023/24 của FCN sẽ lần lượt là 4.076 tỷ đồng (tăng 33,9% so với cùng kỳ) và 4.430 tỷ đồng (tăng 8,7% so với cùng kỳ). FCN đang triển khai thi công nhiều dự án lớn như khu liên hợp gang thép Dung Quất 2, Nhiệt điện Vũng Áng 2, Nhơn Trạch 3&4.
VNDirect điều chỉnh lợi nhuận ròng năm 2023 và năm 2024 của FCN giảm lần lượt 46,4% và 28,4% xuống còn 94 tỷ đồng (tăng 136,3% so với cùng kỳ) và 155 tỷ đồng (tăng 65,2% so với cùng kỳ). VNDirect hạ tỷ trọng các dự án điện có biên lợi nhuận cao trong backlog của báo cáo trước do dự thảo Quy hoạch điện 8 phê duyệt chậm hơn dự kiến, qua đó hạ dự phóng biên lợi nhuận gộp năm 2023 và năm 2024.
Ngoài ra, VNDirect điều chỉnh dự báo chi phí tài chính do nợ vay cao hơn để phản ánh tình hình hiện tại. Cuối năm 2022, tổng nợ vay của FCN tăng 9,5% so với cùng kỳ và tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu đạt 78,1%.
VNDirect dùng phương pháp định giá từng phần (SOTP) và hạ giá mục tiêu xuống 13.000 đồng/cổ phiếu để phản ánh dự phóng lợi nhuận ròng thấp hơn năm 2023/24 so với dự báo trước. Tiềm năng tăng giá là giá trị hợp đồng ký mới cao hơn kỳ vọng, đặc biệt ký được dự án quy mô lớn đem lại biên lợi nhuận cao; các dự án bất động sản triển khai sớm hơn dự kiến.
QNS: VCBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 52.400 đồng/cổ phiếu
Theo cập nhật mới nhất từ Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS), kết quả kinh doanh 3 tháng đầu 2023 ghi nhận tích cực ở tất cả các mảng kinh doanh. Doanh thu thuần quý I đạt 2.208 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ và đạt 26,3% kế hoạch năm 2023. Lợi nhuận trước thuế 3 tháng đạt 358 tỷ đồng, tăng 72,2% so với cùng kỳ và đạt 29.8% kế hoạch cả năm 2023.
Cụ thể, sản lượng tiêu thụ mảng đường đạt 40.000 tấn, tăng 94% so với cùng kỳ. Doanh thu thuần đạt 702 tỷ đồng (tăng 100% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 148 tỷ đồng (tăng 287% so với cùng kỳ).
Sản lượng sữa tiêu thụ 3 tháng đầu năm 2023 đạt 48,5 triệu lít (giảm 9% so với cùng kỳ) và doanh thu sữa đạt 814 tỷ đồng, tương ứng giảm 8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế mảng sữa đạt khoảng 118 tỷ đồng, duy trì tương đương so với cùng kì năm 2022. Về mảng F&B và khác, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt hơn 600 tỷ và 92 tỷ, tăng trưởng tương ứng hơn 30% và 200% lần so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh này khớp với kì vọng của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) về doanh thu nhưng vượt rất nhiều về ước tính lợi nhuận trước thuế. Qua trao đổi với doanh nghiệp, nguyên nhân của việc chủ yếu đến từ sản lượng mía đạt kỉ lục trong niên vụ 2022-2023, thể hiện sự vượt trội ở cả năng suất mía vượt trội so với năm trước (khoảng 69,5 tấn/ha so với cùng kỳ 63,5 tấn/ha) và chữ lượng đường/tấn mía cao hơn.
Điều này giúp QNS hạ giá thành sản xuất đối với đường xuống mức rất thấp dù chi phí thu mua mía vẫn tiếp tục xu hướng tăng (tăng khoảng 11% so với cùng kỳ). Công ty làm tốt khâu phân phối và tiêu thụ sản phẩm, tiết kiệm chi phí SG&A giúp lợi nhuận trước thuế tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ.
VCBS dự phóng doanh thu thuần của QNS năm 2023 đạt khoảng 9.552 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ, trong đó đóng góp lớn nhất đến từ mảng sữa đậu nành với 4.263 tỷ đồng (giảm 1% so với cùng kỳ và chiếm 45% doanh thu thuần), mảng đường 3.173 tỷ đồng (chiếm 33% doanh thu thuần, tăng 61% so với cùng kỳ), các mảng khác đóng góp khoảng 705 tỷ (chiếm khoảng 22%).
Biên lợi nhuận gộp 2023 của QNS kì vọng đạt mức 35,6%, cao hơn mức trung bình cả năm 2022 5,8% nhờ biên lợi nhuận gộp mảng đường đạt mức kỉ lục. Chi phí SG&A dự kiến tăng nhẹ so với cùng kỳ do định hướng của công ty trong việc ra mắt các dòng sản phẩm để thâm nhập thị trường mới.
VCBS dự báo lợi nhuận sau thuế của QNS tăng trưởng 43% so với cùng kỳ, đạt 1.839 tỷ đồng cho cả năm 2023. Dự báo này vượt nhiều so với kế hoạch lợi nhuận sau thuế của công ty, tuy nhiên VCBS cho rằng kế hoạch này là một mức rất thận trọng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều biến động nhưng nhiều điểm sáng cho ngành đường.
VCBS dự báo 2023 sẽ là một năm tăng trưởng mạnh mẽ của QNS nhờ mảng đường kỉ lục về sản lượng cũng như lợi nhuận. Triển vọng của QNS trong 2023 gắn liền với bối cảnh thuận lợi chung của ngành đường Việt Nam sau những biến chuyển về chính sách sau thuế chống bán phá giá và giá đường thế giới liên tục phá kỉ lục.
VCBS dự phóng EPS năm 2023 đạt 5.153 đồng/cổ phiếu. Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền và so sánh tương đối P/E, VCBS nâng mức giá mục tiêu 1 năm cho cổ phiếu QNS lên 52.400 đồng/cổ phiếu, khuyến nghị mua.