Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (19/4): ACB, KDH và VTP
Điểm rơi lợi nhuận của KDH dự kiến vào năm 2024 khi đưa vào bàn giao 2 dự án lớn Chung cư Privia và biệt thự Clarita. MBS kì vọng 2 dự án này đạt tỷ lệ hấp thụ khoảng 60% do thiếu hụt nguồn cung dự án có pháp lý rõ ràng. Các dự án sau sẽ không đạt được biên gộp như Classia do giá vốn tăng cao trong quá trình giải phóng mặt bằng.
ACB: VDSC khuyến nghị mua với giá mục tiêu 30.000 đồng/cổ phiếu
Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) đưa ra kế hoạch tương đối thận trọng cho năm 2023 với tổng tài sản dự kiến tăng 10%. Tăng trưởng huy động dự kiến 8,1%. Mức tăng trưởng tín dụng 9,7% trong kế hoạch là hạn mức được cấp lần đầu tiên của ACB tính đến ngày 24/2. ACB sẽ điều chỉnh lại kế hoạch tăng trưởng tín dụng khi nhận được hạn mức mới từ Ngân hàng Nhà nước.
Năm 2023, với hiệu ứng nền so sánh cao của năm trước đó và xét đến bối cảnh thị trường khó khăn, khả năng ngân hàng được hưởng lợi từ việc cắt giảm chi phí tín dụng dự kiến sẽ không còn, dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận ở mức trung bình 17,2%, tương đương 20.058 tỷ đồng. Về phương án phân bổ lợi nhuận năm 2022 và 2023, ngân hàng đề xuất mức cổ tức 25% gồm 15% cổ tức bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Việc phát hành cổ phiếu cho năm 2022 có thể diễn ra trong quý III/2023.
Lợi nhuận trước thuế quý I/2023 tăng 24% so với cùng kỳ đạt 5.120 tỷ đồng, hoàn thành 26% kế hoạch năm 2023 mặc dù tín dụng giảm. Hoạt động tín dụng tương đối yếu trong những tháng đầu năm và bắt đầu tăng trở lại từ tháng 3 (tăng 2,2% so với tháng trước), nên tín dụng trong quý I/2023 giảm nhẹ 0,6% so với đầu năm. Ngược lại, tỷ lệ huy động đạt 2,1% so với đầu năm, do đó Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo NIM sẽ có nhiều khả năng giảm trong quý I/2023.
Tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối quý I tăng lên 0,94%, (trước điều chỉnh CIC là 0,84%) từ mức 0,74% vào cuối năm 2022. Chất lượng tài sản có dấu hiệu xấu đi theo ngành ngân hàng, nhưng VDSC cho rằng đây là tỷ lệ hình thành nợ xấu thấp so với với các ngân hàng khác.
VDSC duy trì quan điểm tích cực về chất lượng tài sản của ACB bất chấp tình hình kinh tế ảm đạm. Trong bối cảnh nền kinh tế đi xuống, ngân hàng chú trọng việc kiểm soát rủi ro hơn là mở rộng. ACB cũng đã công bố kế hoạch khá thận trọng cho năm 2023. Trong những năm tới, quá trình chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hiệu quả hoạt động bao gồm mở rộng tập khách hàng và giảm chi phí hoạt động.
Dự phóng lợi nhuận trước thuế cho năm 2023-2024 lần lượt là 20.431 tỷ đồng (tăng 19%) và 24.314 tỷ đồng (tăng 19%). Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu tương ứng ước tính là 18.453 đồng/cổ phiếu và 22.253 đồng/cổ phiếu. Giá mục tiêu gần nhất của VDSC là 30.000 đồng/cổ phiếu, khuyến nghị mua.
KDH: MBS khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 30.300 đồng/cổ phiếu
Trong năm 2022, doanh thu của Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HoSE: KDH) giảm 22% so với cùng kì và đạt hơn 2.900 tỷ đồng. Chủ yếu đóng góp từ bàn giao 100/176 căn liền kề và biệt thự của dự án Classia (Quận 9). Nhờ khoản thu nhập bất thường, lợi nhuận sau thuế của KDH trong năm đạt mức 1.082 tỷ đồng (giảm 20%). Cả năm 2022, công ty hoàn thành 73% kế hoạch doanh thu và 79% lợi nhuận.
Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), Nghị định 08/2023/NĐ-CP giảm bớt áp lực thanh khoản cho doanh nghiệp bất động sản và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư. Việc cho phép các doanh nghiệp gia hạn thời gian thanh toán đến tối đa 2 năm và thanh toán bằng tài sản khác giúp chủ đầu tư thêm phương án xử lý trong bối cảnh dòng tiền đang gặp khó khăn thi thị trường bất động sản đóng băng.
MBS cho rằng cơ cấu tài chính lành mạnh giúp KDH không bị ảnh hưởng khi thị trường trái phiếu bị siết chặt. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nợ vay/tổng tài sản ở mức 30%, thấp hơn so với khoảng 40% của trung bình ngành giúp công ty không bị ảnh hưởng khi lãi suất tăng cao và thị trường trái phiếu gặp khó khăn.
Các dự án chiến lược của KDH đạt tỷ lệ hấp thụ cao nhờ vị trí đẹp và pháp lý rõ ràng, theo MBS. KDH tập trung triển khai dự án đã có đầy đủ pháp lý như Classia, Privia… Trong bối cảnh việc xin giấy phép các dự án mới khu vực TP. HCM đang gặp khó khăn, những dự án có pháp lý rõ ràng sẽ được đón nhận tích cực.
Theo MBS, kết quả kinh doanh trong năm 2023 của KDH sẽ có đóng góp chủ yếu từ dự án Classia với 76 căn liền kề và số ít sản phẩm Verosa Park. MBS kì vọng, 2 dự án này sẽ bàn giao trong năm nhờ hạn chế nguồn cung tại khu vực Thủ Đức khi giai đoạn 1 của Classia đạt tỷ lệ hấp thụ khoảng trên 60%.
Biên lợi nhuận gộp vẫn duy trì ở mức cao khoảng 51% nhờ bàn giao những dự án thấp tầng có giá bán tốt. Doanh thu năm 2023 của KDH dự kiến đạt hơn 2.300 tỷ đồng (giảm 20%) và biên gộp đi ngang trong bối cảnh các dự án lớn đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý và thị trường bất động sản còn khó khăn.
Điểm rơi lợi nhuận của KDH dự kiến vào năm 2024 khi đưa vào bàn giao 2 dự án lớn Chung cư Privia và biệt thự Clarita. MBS kì vọng 2 dự án này đạt tỷ lệ hấp thụ khoảng 60% do thiếu hụt nguồn cung dự án có pháp lý rõ ràng. Các dự án sau sẽ không đạt được biên gộp như Classia do giá vốn tăng cao trong quá trình giải phóng mặt bằng.
Doanh thu năm 2024 của MBS dự kiến đạt hơn 3.700 tỷ đồng (tăng 60%) nhờ số lượng bàn giao lớn và thị trường bất động sản ấm lên. Lợi nhuận tăng trưởng 60% so với cùng kì và đạt hơn 1.200 tỷ đồng.
Từ năm 2025, doanh thu của KDH chủ yếu sẽ đến từ các khu đô thị lớn như Tân Tạo quy mô 360 ha. MBS đánh giá có thể công ty sẽ phải chuyển nhượng 1 phần dự án này để có nguồn vốn phát triển trong bối cảnh dự án này đang chiếm dụng rất nhiều vốn của KDH.
MBS khuyến nghị giữ với mã cổ phiếu KDH với giá mục tiêu sau 1 năm đạt 30.300/cổ phiếu.
VTP: VCSC khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 33.400 đồng/cổ phiếu
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) kỳ vọng mảng dịch vụ của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (UPCoM: VTP) sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong khi doanh thu thương mại giảm dần. VCSC dự báo sản lượng chuyển phát của VTP sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 25% trong giai đoạn 2023-2025 do sự phát triển mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử Việt Nam.
Theo Google, Báo cáo e-conomy SEA năm 2022 của Temasek và Bain & Company, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của thương mại điện tử dự kiến sẽ tăng với CAGR đạt 37% trong giai đoạn 2022-2025.
Trong năm 2023, VCSC dự báo sản lượng chuyển phát của VTP sẽ tăng 25% do VCSC kỳ vọng VTP sẽ gia tăng thị phần nhờ cải thiện chất lượng và mở rộng sang các thị trường ngách và Trung Quốc nới lỏng các hạn chế do Covid-19 vào cuối năm 2022, cải thiện nguồn cung sản phẩm giá thấp cho Việt Nam, hỗ trợ tăng trưởng doanh số thương mại điện tử do người tiêu dùng dự kiến sẽ giảm chi tiêu và quy mô đơn hàng vào năm 2023.
Mặt khác, VCSC dự báo doanh thu thương mại - chủ yếu từ doanh số bán thẻ di động - sẽ giảm trong giai đoạn 2023-2026 do sự phát triển của các nền tảng thanh toán kỹ thuật số.
VCSC giảm dự báo doanh thu do chi phí quản lý/doanh thu dịch vụ cao hơn dự kiến trong giai đoạn 2023-2025. Cụ thể, trong năm 2023, VCSC nâng dự báo chi phí quản lý/doanh thu dịch vụ từ 2,9% lên 3,1% do VTP có chiến lược cải thiện cơ chế khen thưởng và phúc lợi cho cán bộ, công nhân viên để có thể xây dựng lực lượng lao động có trình độ trong bối cảnh cạnh tranh cao.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh cả năm 2022 của VTP, ban lãnh đạo công bố công ty phải tăng lương để giữ nhân viên trong bối cảnh cạnh tranh lương gay gắt từ các các công ty dịch vụ chuyển phát khác. VCSC nâng dự báo tổng chi phí quản lý giai đoạn 2023-2025 thêm 2,8% - tương đương với chi phí quản lý/doanh thu dịch vụ là 3,0% so với mức 2,9% trước đây.
Trong năm 2023, VCSC dự phóng doanh thu bán hàng đạt 19 nghìn tỷ đồng (giảm 14%) và lợi nhuận ròng đạt 365 tỷ đồng (tăng 42%). VCSC cho rằng doanh thu trong năm sẽ bị ảnh hưởng bởi doanh thu giao dịch giảm 37% trong khi doanh thu phục hồi từ mức cơ sở thấp và được hỗ trợ bởi việc kiểm soát chi phí hiệu quả hơn.
VCSC điều chỉnh giảm giá mục tiêu 1,5% xuống 33.400 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị khả quan, kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử sẽ giúp mảng dịch vụ chuyển phát của VTP đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) doanh thu 17% trong giai đoạn 2023-2025. Trong khi đó, VCSC kỳ vọng lợi nhuận ròng tăng trưởng chậm hơn với CAGR 14% do cạnh tranh ngày càng gay gắt trong cùng giai đoạn.