Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (3/11): HPG, STK và STB
HPG đang giao dịch với P/E dự phóng năm 2022 và EV/EBITDA lần lượt là 8,3 lần và 5,4 lần, trong khi các hệ số này của năm 2023 là 8 lần và 4,8 lần. SSI hạ giá mục tiêu 1 năm cho cổ phiếu HPG xuống 18.000 đồng/cổ phiếu (từ 27.600 đồng/cổ phiếu), căn cứ trên P/E mục tiêu và EV/EBITDA không đổi lần lượt là 7,5 lần và 5,5 lần.
HPG: SSI khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 18.000 đồng/cổ phiếu
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG) gần đây đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2022 với doanh thu giảm 12% so với cùng kỳ xuống 34,1 nghìn tỷ đồng. Công ty ghi nhận khoản lỗ 1,79 nghìn tỷ đồng và đánh dấu khoản lỗ đầu tiên kể từ quý IV/2018 (so với mức đỉnh 10,35 nghìn tỷ đồng trong quý III/2021). Sự kết hợp của nhiều yếu tố tiêu cực bao gồm giá thép giảm, hàng tồn kho giá cao, và ảnh hưởng của lỗ tỷ giá, là nguyên nhân chính của tình trạng này.
Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của HPG đạt 1,08 triệu tấn trong quý III/2022, tăng 3,6% theo quý và 12% theo năm. Kênh xuất khẩu đóng góp 330 nghìn tấn (tăng 12% so với cùng kỳ), chiếm gần 31% tổng doanh thu thép xây dựng, so với mức 26% trong năm 2021.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, sản lượng tiêu thụ phôi thép giảm 90% so với cùng kỳ xuống 22 nghìn tấn do nhu cầu ở Trung Quốc đình trệ. Điều này dẫn đến tổng sản lượng tiêu thụ thép thô giảm 5% xuống 1,7 triệu tấn, tương đương với hiệu suất hoạt động 80% (mức thấp trong nhiều năm) so với mức 85% vào quý III năm 2021 và mức trung bình 94% trong bốn quý qua, gây áp lực lên tỷ suất lợi nhuận của công ty.
Tiêu thụ HRC toàn ngành giảm 33% so với cùng kỳ trong quý III năm 2022, do nhu cầu suy yếu của các nhà sản xuất thép mạ kẽm. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ HRC của HPG vẫn tương đối tích cực so với xu hướng của ngành và gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước ở mức 611 nghìn tấn. Thị phần của công ty tăng từ 35,4% trong quý III/2021 lên 52,9% trong quý III/2022, nhờ sản lượng của đối thủ cạnh tranh Formosa giảm đáng kể 51% so với cùng kỳ.
Theo SSI, giá thép xây dựng trung bình trong quý III/2022 ước tính đã giảm khoảng 13% theo quý và 6% theo năm, đi cùng với sự sụt giảm của giá thép trong khu vực. Giá bán HRC của HPG đã giảm khoảng 25% theo quý và 30% theo năm. Mặc dù giá nguyên liệu đầu vào đã giảm khoảng 20~30% theo quý, nhưng công ty bị ảnh hưởng bởi hàng tồn kho giá cao, đặc biệt khi giá than cốc, nguyên liệu chiếm khoảng 40% giá thành sản xuất thép, đã tăng gấp ba lần. HPG đã trích lập 899 tỷ đồng dự phòng hàng tồn kho trong tháng 9, tăng 137 tỷ đồng theo quý.
HPG chịu thêm một khoản lỗ tỷ giá ròng là 1,0 nghìn tỷ đồng trong quý III năm 2022 do VND giảm giá 2,5% so với USD. SSI dự đoán khoản lỗ chênh lệch tỷ giá sẽ còn lớn hơn trong quý IV/2022 trước khi giảm xuống vào năm 2023, nếu tốc độ và quy mô tăng lãi suất ở Mỹ giảm xuống. Đồng thời, chi phí lãi vay của HPG dự kiến sẽ tăng thêm 162 tỷ đồng lên 837 tỷ đồng, và sẽ tăng trong thời gian tới khi lãi suất trong nước tăng lên.
SSI cho rằng giá thép có thể chưa chạm đáy, nhưng tốc độ giảm có thể chậm lại do sự ổn định của giá thép trong khu vực do Chính phủ Trung Quốc triển khai các biện pháp hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và chủ đầu tư bất động sản và tỷ suất lợi nhuận của các nhà sản xuất thép trong nước đã giảm xuống mức tối thiểu (tỷ suất EBITDA của nhiều nhà sản xuất thép xây dựng đã giảm xuống mức 3% trong quý II/2022 và dưới 0 trong quý III/2022), dẫn đến sản lượng sản xuất giảm.
SSI dự báo doanh thu năm 2022 đạt 143,1 nghìn tỷ đồng (giảm 4,4% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, do nhu cầu thép và giá thép giảm đi, cùng với sự sụt giá nhanh chóng của VND, chúng tôi đã điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 xuống 12,2 nghìn tỷ đồng (giảm 65% so với cùng kỳ).
Cho năm 2023, SSI dự báo doanh thu sẽ giảm 6,5% so với cùng kỳ xuống 134 nghìn tỷ đồng, chủ yếu do giá thép giảm (thép xây dựng giảm 12,5% so với cùng kỳ, và HRC giảm 19% so với cùng kỳ). SSI kỳ vọng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng, HRC, ống thép, tôn mạ và phôi thép sẽ lần lượt đạt 4,7 triệu tấn (tăng 6,6% so với cùng kỳ), 2,8 triệu tấn (tăng 6,1% so với cùng kỳ), 794 nghìn tấn (tăng 7% so với cùng kỳ) , 297 nghìn tấn (giảm 10% so với cùng kỳ) và 210 nghìn tấn (đi ngang so với cùng kỳ). Do đó, lợi nhuận ròng năm 2023 dự kiến sẽ gần như đi ngang so với năm 2022, đạt mức 12,6 nghìn tỷ đồng (tăng 3,3% so với cùng kỳ).
HPG đang giao dịch với P/E dự phóng năm 2022 và EV/EBITDA lần lượt là 8,3 lần và 5,4 lần, trong khi các hệ số này của năm 2023 là 8 lần và 4,8 lần. SSI hạ giá mục tiêu 1 năm cho cổ phiếu HPG xuống 18.000 đồng/cổ phiếu (từ 27.600 đồng/cổ phiếu), căn cứ trên P/E mục tiêu và EV/EBITDA không đổi lần lượt là 7,5 lần và 5,5 lần.
SSI khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu HPG. Trong khi tác động của hàng tồn kho giá cao có thể giảm dần trong thời gian tới, việc giá thép giảm cùng với nhu cầu yếu có khả năng khiến lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng âm so với cùng kỳ cho đến nửa đầu năm 2023, từ đó gây áp lực lên giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Yếu tố hỗ trợ tăng giá và rủi ro giảm giá đối với khuyến nghị của SSI là sản lượng tiêu thụ hoặc giá bán thép cao hơn/thấp hơn so với giả định.
STK: PHS khuyến nghị mua với giá 45.700 đồng/cổ phiếu
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) đạt 1.681 tỷ đồng (tăng 9.1% so với cùng kỳ), hoàn thành 65% kế hoạch năm 2022, trong khi đó, lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ còn 197,4 tỷ đồng, hoàn thành 66% kế hoạch năm 2022.
Theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), chiến lược phát triển sợi tái chế tạo động lực tăng trưởng dài hạn cho STK. Xu hướng các nhãn hàng thời trang lớn đang chuyển dịch sang sản xuất các sản phẩm dệt may thân thiện với môi trường với những tính năng nổi trội đã tạo ra nhu cầu ngày càng cao cho sản phẩm sợi tái chế.
Hơn nữa, do biên lợi nhuận mảng sợi nguyên sinh ngày càng thu hẹp, STK có chiến lược giảm tỷ trọng sợi nguyên sinh và tăng tỷ trọng sợi tái chế lên 100% doanh thu vào năm 2025, tạo động lực tăng trưởng cho công ty.
PHS cho rằng, dự án liên minh Sợi – Vải – May gia tăng cơ hội hưởng lợi gián tiếp từ CPTPP. STK đã thành lập liên minh từ sợi đến may mặc với đối tác dệt và đối tác may. Đối tác dệt khởi công xây dựng trước vào năm 2020, tiếp theo STK sẽ khởi công xây dựng nhà máy sợi vào năm 2022. CPTPP yêu cầu các công đoạn từ sợi trở đi phải được thực hiện ở các nước thành viên CPTPP. Do đó, để hưởng lợi từ CPTPP, các doanh nghiệp may và dệt nhuộm sẽ ưu tiên sợi sản xuất trong nước.
Hơn nữa, với chủ trương phát triển chuỗi cung ứng dệt nhuộm may nội địa của nhà nước, nhu cầu sợi nội địa có tiềm năng gia tăng trong tương lai. Dự án nhà máy sản xuất sợi tổng hợp Unitex sẽ giúp STK đón đầu xu hướng thời trang xanh. Nhà máy mới tại Tây Ninh với tổng công suất là 60.000 tấn/năm, gấp đôi công suất hiện tại, được chia làm 2 giai đoạn (giai đoạn 1: 36,000 tấn/năm; giai đoạn 2: 24,000 tấn/năm).
Nhà máy khởi công xây dựng giai đoạn 1 từ năm 2021. Năm 2023, nhà máy sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 1 và khởi công xây dựng giai đoạn 2. Đến năm 2025 thì hoàn thành giai đoạn 2. Nhà máy tập trung sản xuất sợi tái chế, sợi chất lượng cao, và sợi đặc biệt.
Áp lực lạm phát ảnh hưởng đến nhu cầu dệt may toàn cầu, PHS ước tính doanh thu thuần của STK năm 2023 sẽ đạt 2,252 tỷ đồng, không tăng so với năm 2022. PHS cho rằng áp lực lạm phát tăng giá nguyên vật liệu đầu vào và biến động của tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến các khoản nợ và chi phí lãi vay của công ty trong năm 2023, qua đó ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2023 đạt 239 tỷ đồng (giảm 1,4% so với cùng kỳ).
Bằng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền (Discounted Cash Flow) và EV/EBITDA, PHS xác định mức giá hợp lý đối với STK là 45.700 đồng/cổ phiếu, khuyến nghị mua.
STB: Yuanta khuyến nghị mua với giá mục tiêu 28.860 đồng/cổ phiếu
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (HoSE: STB) công bố lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (PATMI) quý III/2022 đạt 1,2 nghìn tỷ đồng (tăng 51% so với quý trước / tăng 89% so với cùng kỳ). Lợi nhuận tăng chủ yếu do thu nhập lãi ròng tăng. Trong 9 tháng năm 2022, PATMI đạt 3,3 nghìn tỷ đồng (tăng 29% so với cùng kỳ), tương ứng hoàn thành 78% dự báo năm 2022 của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam.
Cho vay tăng 8,5% so với đầu năm, đạt 421 nghìn tỷ đồng, và huy động vốn tăng 7,1% so với đầu năm, đạt 458 nghìn tỷ đồng vào cuối quý III/2022. Thu nhập lãi ròng quý III/2022 đạt 5,8 nghìn tỷ đồng (tăng 121% so với quý trước/ tăng 74% so với cùng kỳ). Thu nhập lãi ròng 9 tháng năm 2022 đạt 11,1 nghìn tỷ đồng (tăng 17% so với cùng kỳ).
Yuanta ước tính biên lãi ròng/tổng tài sản bình quân quý III/2022 đạt 4,53% (tăng 2,46 điểm phần trăm so với quý trước/tăng 1,54 điểm phần trăm so với cùng kỳ). Thu nhập phí ròng quý III/2022 là 1,0 nghìn tỷ đồng (giảm 41% so với quý trước / tăng 75% so với cùng kỳ). Thu nhập phí ròng 9 tháng năm 2022 tăng tăng 82% so với cùng kỳ và đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, với sự đóng góp phần lớn đến từ bancassurance.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận lãi 220 tỷ đồng trong quý III/2022 (giảm 9% so với quý trước/tăng 46% so với cùng kỳ) và lãi 759 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2022 (tăng 45% so với cùng kỳ).
Chi phí hoạt động là 3,1 nghìn tỷ đồng trong quý III/2022 (tăng 19% so với quý trước/tăng 28% so với cùng kỳ). Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) điều chỉnh là 44% trong quý III/2022 (giảm 13 điểm phần trăm so với quý trước / giảm 14 điểm phần trăm so với cùng kỳ) theo tính toán của chúng tôi. Chi phí hoạt động 9 tháng năm 2022 tăng tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 8,5 nghìn tỷ đồng.
Dự phòng tăng mạnh tăng 10% so với quý trước/ tăng 155% so với cùng kỳ và đạt 2,4 nghìn tỷ đồng trong quý III/2022. Dự phòng 9 tháng năm 2022 là 5,3 nghìn tỷ đồng (tăng 121% so với cùng kỳ).
Thu nhập khác ròng (phần lớn là xử lý nợ xấu) chỉ đạt 41 tỷ đồng (giảm 97% so với quý trước / tăng 5% so với cùng kỳ) trong quý III/2022. Thu nhập khác ròng tăng vọt tăng 272% so với cùng kỳ trong 9 tháng năm 2022.
Xử lý nợ xấu là khoản mục đóng góp nhiều vào thu nhập của STB vào những năm gần đây, nhưng khoản mục này đang giảm dần do việc tái cấu trúc đã sắp hoàn thành. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) là 0,9% (giảm 37 điểm cơ bản so với quý trước/ giảm 66 điểm cơ bản so với cùng kỳ) trong quý III/2022.
Nợ xấu hơp nhất giảm giảm 34% so với đầu năm, còn 3,8 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) là 154% (tăng 15 điểm phần trăm so với quý trước / tăng 41 điểm phần trăm so với cùng kỳ). Tỷ lệ CASA giảm còn 21,4% vào cuối quý III/2022 (giảm 1,2 điểm phần trăm so với quý trước / giảm 80 điểm cơ bản so với cùng kỳ).
Theo Yuanta, câu chuyện tái cấu trúc của STB đang ở cuối lộ trình. Yuanta ước tính tổng tỷ lệ tài sản không sinh lời của STB giảm còn 3,2% vào cuối quý III/2022 (giảm 40 điểm cơ bản so với quý trước/giảm 3,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ).
Tỷ lệ NPL đang duy trì dưới 1,0%, trong khi đó ngân hàng vẫn tiếp tục xây dựng bộ đệm vững chắc bằng cách gia tăng tỷ lệ LLR. Yuanta cho rằng cổ phiếu STB đang ở mức định giá hấp dẫn. STB đang giao dịch với P/B 2022E là 0,8 lần, so với trung vị ngành là 1 lần. Yuanta duy trì khuyến nghị mua đối với STB, giá mục tiêu 28.860 đồng/cổ phiếu.