Cổ phiếu tăng mạnh: DRH 'lên ngôi' nhờ may mắn, SAB - VIC bứt phá thuyết phục

Với diễn biến “lấy – trả” gần như triệt tiêu lẫn nhau, biên độ dao dộng của nhóm cổ phiếu tăng mạnh tuần qua chỉ loanh quanh ngưỡng 20-30%.

Chỉ vỏn vẹn bốn phiên giao dịch, nhưng thị trường chứng khoán tuần qua chứng kiến biến động dữ dội hiếm thấy. VN-Index rơi tự do, mất gần 120 điểm trong hai phiên đầu tuần, phản ánh tâm lý bi quan trước “đòn” thuế mạnh tay từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngay khi phía Washington “quay xe”, chỉ số lập tức đảo chiều tăng mạnh, có thêm 128 điểm. Từ vùng đáy 1.073 điểm, VN-Index tái lập mốc 1.200 điểm.

Mọi cảm xúc dồn nén được giải phóng ở phiên thứ Năm (11/4), đẩy VN-Index tăng vọt 74 điểm – mức tăng mạnh nhất trong một phiên kể từ nhiều năm trở lại đây. Tâm lý nhà đầu tư trở nên đặc biệt hưng phấn, hơn 700 cổ phiếu tăng kịch trần trên toàn thị trường, tạo nên một trong những phiên giao dịch sôi động nhất từ đầu năm.

Cổ phiếu tăng mạnh: DRH 'lên ngôi' nhờ may mắn, SAB - VIC bứt phá thuyết phục - Ảnh 1

Dù vậy, với diễn biến “lấy – trả” gần như triệt tiêu lẫn nhau, biên độ dao dộng của nhóm cổ phiếu tăng mạnh chỉ loanh quanh ngưỡng 20 – 30%, thấp hơn đáng kể so với những nhịp hồi trước đó.

HoSE: Điểm sáng bluechip SAB - VIC

Trên sàn HoSE, cổ phiếu DRH của Công ty CP DRH Holdings dẫn đầu nhóm bứt phá khi có tăng 17,37%.

Đáng chú ý, mã này chỉ vừa được giao dịch trở lại từ phiên 10/4 – đúng vào thời điểm thị trường bắt đầu hồi phục mạnh. Trước đó, DRH bị đình chỉ giao dịch theo Quyết định số 514/QĐ-SGDHCM ngày 09/09/2024 của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM do vi phạm quy định công bố thông tin. Thành công "né bão" trong giai đoạn thị trường chịu áp lực nặng nề từ chính sách thuế quan của Mỹ, cổ phiếu DRH theo đó đã có một màn “tái xuất” ngoạn mục.

Xếp sau DRH là SAB – cổ phiếu của Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), tăng 13,03%. Tính theo giá đóng cửa ngày 11/4, vốn hóa của Sabeco đạt hơn 62.800 tỷ đồng. So với vùng đáy gần nhất, SAB đã phục hồi hơn 18% và quay lại vùng giá trước thời điểm các chính sách thuế của cựu Tổng thống Donald Trump có hiệu lực đối với hàng hóa Việt Nam.

Cổ phiếu tăng mạnh: DRH 'lên ngôi' nhờ may mắn, SAB - VIC bứt phá thuyết phục - Ảnh 2

Những cái tên còn lại trong danh sách 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần qua lần lượt gọi tên DRH (+17,37%), SAB (+13,03%), PGI (+12,89%), DHA (+12,77%), VPS (+11,82%), VIC (+11,66%), FIR (+11,54%), LBM (+11,40%), ABR (+10,50%), BBC (+9,94%).

Trong đó, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup – CTCP lại là tâm điểm chú ý. Với mức tăng hơn 11,6%, cổ phiếu VIC đã thiết lập đỉnh giá mới. Tính đến cuối phiên 11/4, vốn hóa của Tập đoàn Vingroup tiệm cận ngưỡng 250.000 tỷ đồng, củng cố vị thế là doanh nghiệp tư nhân có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đà tăng ấn tượng của VIC cũng là một trong những nhân tố chính thúc đẩy chỉ số VN30 và VN-Index tăng mạnh trong tuần qua.

Liên quan đến Vingroup, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng mới đây đã đăng ký chuyển nhượng hơn 35 triệu cổ phiếu VIC trong khoảng thời gian từ ngày 17/4 đến 16/5. Đây là giao dịch chuyển quyền sở hữu nhằm góp vốn bằng cổ phiếu vào Công ty CP Năng lượng VinEnergo/

Sau giao dịch, ông Vượng sẽ giảm sở hữu tại Vingroup xuống còn 656 triệu cổ phiếu, tương đương 16,92% vốn điều lệ. Giá trị góp vốn vào VinEnergo được xác định là 1.420 tỷ đồng, dựa trên giá bình quân 50 phiên giao dịch liên tiếp tính đến ngày 21/2. Theo đó, ông Vượng sẽ nắm giữ 71% vốn tại VinEnergo, công ty có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất trong tuần qua gồm: AGM (−13,27%), VAF (−12,87%), SIP (−12,08%), MSH (−11,61%), DAT (−11,44%), HPX (−11,25%), LHG (−10,37%), HTG (−10,19%), VHC (−10,09%), YBM (−10,06%).

Đáng chú ý, nhóm dệt may (MSH, HTG), bất động sản khu công nghiệp (LHG, SIP) và thủy sản (VHC) tiếp tục chịu áp lực bán mạnh, phản ánh sự lo ngại của nhà đầu tư trước các chính sách thuế quan mới từ Mỹ.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 10/4/2025, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ không gia hạn thời gian tạm hoãn 90 ngày áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ hàng chục đối tác thương mại – bao gồm Việt Nam – bất chấp việc nhiều nước vẫn chưa đạt được thỏa thuận chính thức với Washington. Động thái này khiến tâm lý thị trường trở nên thận trọng, đặc biệt với các nhóm ngành phụ thuộc lớn vào xuất khẩu.

HNX: Cổ phiếu penny nổi sóng, nhóm khoáng sản đảo chiều

Trên sàn HNX, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần qua gồm: PGT (+20,22%), NFC (+18,39%), SGC (+17,54%), GDW (+17,19%), CMC (+16,67%), SMT (+16,25%), HKT (+13,33%), NBW (+11,18%), TTT (+11,11%) và V12 (+10,62%).

Cổ phiếu tăng mạnh: DRH 'lên ngôi' nhờ may mắn, SAB - VIC bứt phá thuyết phục - Ảnh 3

Có thể thấy, các cổ phiếu tăng mạnh trên HNX trong tuần qua phần lớn thuộc nhóm penny, với vốn hóa nhỏ và thanh khoản thấp. Trong nhóm này, PGT nổi bật với thanh khoản tốt nhất, khi khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 17.000 đơn vị/phiên.

Tính theo giá đóng cửa phiên 11/4, vốn hóa của CTCP PGT Holdings đạt gần 99 tỷ đồng. So với vùng đáy gần nhất, cổ phiếu PGT đã tăng gần 70%. Tuy nhiên, dưới góc độ phân tích kỹ thuật, mã này đang cho thấy dấu hiệu tạo đỉnh khi xuất hiện mẫu nến cảnh báo đảo chiều đi kèm khối lượng giao dịch tăng cao – yếu tố thường báo hiệu rủi ro điều chỉnh ngắn hạn.

Ở chiều ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất gồm: PGN (−33,06%), QST (−25,62%), KDM (−22,11%), CTP (−21,53%), TIG (−20%), PTD (−18,33%), BKC (−18,29%), KSV (−18,13%), VTV (−15,87%) và NRC (−14,29%).

Trong nhóm này, sự xuất hiện của KSV và BKC gây bất ngờ lớn với nhà đầu tư. Còn nhớ ở tuần trước, cả hai mã này từng dẫn đầu danh sách tăng mạnh nhất trên HNX và là những cổ phiếu hiếm hoi giữ được đà tăng trước áp lực từ chính sách thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên, nhịp trả điểm trong tuần qua đã khiến cả KSV và BKC quay trở lại điểm xuất phát.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, hai cổ phiếu này đang cho tín hiệu rủi ro cao, khi cùng hình thành mẫu hình hai đỉnh lớn – một trong những mô hình đảo chiều phổ biến và được giới phân tích cảnh báo thường xuyên. Trong bối cảnh đó, nếu tiếp tục tham gia giao dịch các mã này trong thời gian tới, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro điều chỉnh sâu có thể xảy ra.

UPCoM: Nhóm kiệt thanh khoản lên ngôi

Với mức tăng hơn 38%, cổ phiếu BVN của Công ty CP Bông Việt Nam là mã tăng mạnh nhất sàn UPCoM tuần qua. Tính theo mức giá đóng cửa phiên 11/4, vốn hóa của doanh nghiệp này đạt hơn 77,5 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Bông Việt Nam hiện đang hoạt động trong các lĩnh vực cho thuê kho xưởng, cho thuê văn phòng, sản xuất điện năng lượng mặt trời, kinh doanh măng tây Vietgap, nước uống i-on kiềm Imizu. Trong ba năm gần đây, doanh nghiệp Nam duy trì doanh thu ổn định trong khoảng 46–50 tỷ đồng mỗi năm. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng ghi nhận mức tương đối đều đặn, khoảng 15 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, dù kết quả kinh doanh khá tươi sáng, Bông Việt Nam không thực hiện chia cổ tức trong nhiều năm qua. Lần gần nhất cổ đông nhận cổ tức là vào năm 2019, với mức chi trả 500 đồng/cổ phiếu.

Theo sau BVN, những cổ phiếu khởi sắc nhất sàn UPCoM tuần qua gồm có VIE (+36,84%), UCT (+35,62%), QNW (+31,58%), TIN (+27,06%), HAC (+26,74%), HAV (+26,67%), CFM (+26,47%), DCR (+25,00%), SIG (+24,29%).

Cổ phiếu tăng mạnh: DRH 'lên ngôi' nhờ may mắn, SAB - VIC bứt phá thuyết phục - Ảnh 4

Ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh là EMG (−40%), BSD (−35,26%), GND (−29,39%), DBM (−27,01%), L45 (−24,39%), PXT (−21,74%), VBH (−21,05%), PEQ (−18,22%), M10 (−17,39%), PXM (−16,67%).

Các cổ phiếu nói trên gần như không có thanh khoản, thậm chí có mã không có giao dịch suốt nhiều phiên liên tiếp. Điều này dễ khiến nhà đầu tư gặp rủi ro thanh khoản – một trong những rủi ro lớn nhất trên thị trường chứng khoán.

Khi giá cổ phiếu bắt đầu điều chỉnh, việc không có lực mua đồng nghĩa với việc nhà đầu tư không thể cắt lỗ kịp thời, dẫn đến tình trạng "kẹt hàng". Tài khoản có thể ghi nhận mức lỗ sâu, nhưng không thể thực hiện lệnh bán do không có bên mua đối ứng. Trong nhiều trường hợp, giá cổ phiếu tiếp tục giảm sàn trong nhiều phiên liền, gây áp lực tâm lý nặng nề và làm xói mòn nghiêm trọng giá trị tài sản đầu tư.

Hoàng Anh

Theo VietnamFinance