Cơn 'sốt đất điên cuồng' tại nhiều nơi đã bắt đầu hạ nhiệt?
Cơn sốt đất nền tại nhiều khu vực thời gian qua như Nghệ An, Hà Tĩnh hay Thanh Hóa thời gian qua đã có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều giao dịch đã bị ‘bỏ cọc’, một số phiên đấu giá đất có ít người tham gia.
Cơn sốt đất điên cuồng diễn ra khắp nơi
Thời điểm dịch bệnh Covid 19 bùng phát, nhiều thành phần trong xã hội đổ xô nhảy vào hoạt động buôn bán BĐS. Chưa bao giờ thị trường các tỉnh miền Trung lại trở nên sôi động giữa “cò đất và nhà đầu tư”, họ có mặt khắp nơi từ thành thị đến vùng nông thôn hẻo lánh như lúc bấy giờ.
Lấy ví dụ như tại huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An), thời điểm trước Tết Nguyên đán 2022, diễn biến thị trường đất nền diễn ra cực kỳ sôi động, các phiên đấu giá đất đều đông nghịt người tham gia.
Trong guồng quay 'sốt đất', một người dân tại địa phương này chia sẻ, hồi năm 2020 tôi có đầu tư 4 lô đất nền ở các xã, đợt tháng 3/2022 có khách trả chênh mỗi lô 500 triệu đồng nhưng không bán vì kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng.
Một người khác đang làm việc ở một bệnh viện tại TP Vinh, Nghệ An chia sẻ: “Vào thời điểm sốt đất trước Tết, hai vợ chồng không đủ tiền để mua một miếng đất dự án. Lúc đó, mấy chị em trong viện bàn nhau chung tiền để đầu tư vào đất. Ban đầu háo hức bao nhiêu thì những ngày, tháng sau càng lo lắng bấy nhiều. Vì chung nhau mua miếng đất gần 2 tỷ đồng, thế nhưng khi người này cần bán thì người kia lại bảo giữ lại chờ giá lên cao hơn”.
Cũng diễn biến tương tự tại Thanh Hóa, cơn sốt đất diễn ra chưa từng có trong năm 2021. Thời điểm đó, một môi giới bất động sản tại Sầm Sơn cho biết: “Ngay ừ đầu tháng 2/2022 trở lại đây, giá đất nền tại nhiều địa phương của Thanh Hoá đã tăng với mức chóng mặt, trung bình khoảng 50-60% so với cuối năm trước.
Ở một số dự án chưa hoàn thành hạ tầng, chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, hay những lô đất tại khu vực xấu, hạ tầng kém, đất trong ngõ nhỏ cũng được giới đầu tư săn tìm khiến giá tăng dựng đứng. Cục bộ một số nơi tăng đến 200% chỉ trong 1-2 tháng. Hiện tượng sốt đất đã đẩy nhiều người bỏ kinh doanh, công việc hằng ngày, rút tiền tiết kiệm, vay lãi nóng để lao vào làm môi giới hoặc đầu tư đất nhằm kiếm lời”.
Tại một số mặt bằng ở xã Quảng Đại (TP. Sầm Sơn), xã Quảng Hải (Quảng Xương) cách đây hơn một tháng giá đất tăng đột biến, có những lô đất được chào bán với giá từ 1,5- 2,5 tỷ (tăng 50- 60% so với cuối năm 2021) vẫn được chuyển nhượng, sang tay một cách nhanh chóng, đất mới rao bán lúc sáng thì trưa hoặc chiều đã có khách đặt cọc, chốt lời từ 50 đếm 200 triệu đồng.
Hay như tại Hà Tĩnh, chỉ trong vòng đầy 2 năm đã hàng trăm doanh nghiệp có mã ngành kinh doanh môi giới BĐS ở Hà Tĩnh được thành lập. Người người buôn đất, nhà nhà bán đất khiến loại hình kinh doanh này trở nên nhộn nhịp.
Cũng từ đó, từng dàn xe ô tô cứ thế xếp hàng dài, ken kín người tấp nập mua bán khiến đất nông thôn nhiều vùng quê Hà Tĩnh từ vài trăm triệu đã "vọt" lên hàng tỷ đồng.
Một người dân sống tại xã Yên Hòa cho biết: “Tôi vô cùng ngạc nhiên, bởi từ trước tới nay vùng quê tôi đang yên bình, nay cò đất về tận nhà chèo kéo, rủ rê gia đình tôi bán cả vườn tược. Nhưng bán đất đi thì gia đình tôi ở đâu. Trước đây vùng này giá vài trăm triệu mỗi lô, nay giờ bị cò thổi lên nhiều tỷ đồng, khiến chúng tôi vô cùng hoang mang”.
Tại xã Việt Tiến (huyện Thạch Hà), người dân cũng không khỏi lo lắng khi hai ngày gần đây, xe cộ tấp nập đổ về khu vực này mua bán đất.
Một người đàn ông sống tại đây chia sẻ: “Cách đây vài năm khi con đường này chưa lên quốc lộ thì chỉ có giá 300 đến 400 triệu đồng mỗi lô. Như năm ngoái thì khu này có giá khoảng 800 triệu đồng/lô. Mảnh đẹp nhất có giá 1,1 tỷ. Nhưng thời điểm này sau khi có tin đồn có dự án về đây thì đất đã lên tới hơn 2 tỷ mỗi lô. Cò thổi giá lên nên người dân cũng không có tiền để mua đất”.
Trong khi đó, một môi giới bất động sản tại Hà Tĩnh cho biết: “Xung quanh khu vực này đất đang sốt lên từng giờ. Khu đất này phân lô, mỗi lô 180m2: rộng 9m, chiều dài 20m. Lô mặt tiền, bám quốc lộ 15B hiện có giá 2,630 tỷ. Anh chị có thiện chí thì chốt nhanh, nếu để đến ngày mai có thể lên cao hơn vài trăm triệu”.
Theo người này, xung quanh đây sắp có xây dựng Dự án Phức hợp Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ nên đất đang sốt xình xịch.
Những ‘điểm nóng’ này đang có dấu hiệu hạ nhiệt?
Sau một thời gian sốt nóng diễn ra cục bộ tại một số địa phương. Giá đất cũng như sự sôi động đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại.
Một người chuyên làm nghề môi giới đất ở Yên Thành (Nghệ An) cho biết: Thời gian gần đây số lượng cuộc gọi, tin nhắn đưa đi xem đất giảm rõ rệt, thậm chí nhiều người còn bỏ, rút tiền cọc, không giao dịch. Một số xã trên địa bàn huyện Yên Thành, các phiên đấu giá đất thành công nhưng vẫn lo các nhà đầu tư “bỏ cọc” bởi đấu giá đất vẫn còn cao. Như tại các xã Xuân Thành, Long Thành, Hoa Thành đất sau trúng đấu giá đạt từ 1,5 - 2 tỷ đồng.
Hay như huyện Diễn Châu, thị trường bất động sản vốn rất sôi động thì nay thoắt bỗng ảm đạm. Theo một số người làm nghề môi giới, mấy tuần nay người đi xem các dự án bất động sản trên địa bàn Diễn Châu vắng hẳn, một số người trước đó “cọc” đất nhưng nay xin rút.
Đối với đất nền ở các xã cũng vắng khách giao dịch, một số giao dịch mua đi bán lại cũng bị “bỏ cọc”.
Qua tìm hiểu cho thấy, với những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, đầu tư bằng vốn tự có thì không bán cắt lỗ, giảm giá trong thời gian này. Tuy nhiên trong trường hợp nhiều người phải vay ngân hàng nhưng đang bị "chôn" vốn tại bất động sản, muốn bán cắt lỗ nhưng cũng rất khó.
Một người dân tại Hà Tĩnh cho biết : “Khi nghe các cò đất nói tôi chốt cọc, mua xong ít hôm, thậm chí trong ngày thì lập tức sẽ có người trả giá cao hơn. Cò đất còn mở điện thoại, bật loa ngoài cho tôi nghe một cuộc gọi của ai đó nói về việc trả giá đất, về việc đất mới cọc đã tăng vọt lên vài trăm để dụ tôi chốt cọc sớm. Nghe vậy tôi khá hoang mang, nhưng sau khi suy xét lại thì tôi nghĩ đó là trò của các cò đất nên không xuống tiền cọc".
Theo đó, những nơi “cò” kéo đến quần thảo, khuấy động cơn sốt đất, chỉ sau vài ngày lại sạch bóng, không còn bóng dáng người mua bán.
Ông Trần Đình Cúc - Chủ tịch UBND xã Yên Hòa (Cẩm Xuyên) cho hay: “Hiện đất ở xã này không còn ai mua bán gì nữa. Bữa này cò đất lại kéo nhau xuống đi theo dự án ở Thạch Văn, Thạch Trị (huyện Thạch Hà). Cò đất đi như mây về gió, khuấy động một tuần rồi lại đi vùng khác”.
Tại Thanh Hóa, sau hơn 2 tháng sốt đất cục bộ, đến thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản nơi này đang có dấu hiệu hạ nhiệt, điều đó khiến nhiều nhiều nhà đầu tư tay ngang, môi giới bất động sản đã trót “xuống cọc” trong 2 tháng qua rơi vào cảnh lao đao vì không thể ra hàng, đồng nghĩa với việc mất luôn số tiền đã cọc.
Một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết: Giữa năm 2021, vợ chồng tôi có đầu tư 3 lô đất nền ở xã Quảng Đại (Sầm Sơn), sau khi hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng, ngay lập tức một số nhà đầu tư khác có ý định mua lại các lô đó và trả chênh mỗi lô 600 triệu đồng nhưng tôi không bán vì kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng. Thế nhưng, hơn một tuần qua, vợ chồng tôi quyết định bán những lô đất này theo giá thị trường nhưng không thể bán được dù đã nhờ rất nhiều môi giới hay đăng tin quảng cáo.
Theo các chuyên gia bất động sản, có nhiều nguyên nhân khiến thị trường bất động sản Thanh Hóa hạ nhiệt thời gian qua.
Đầu tiên là do các ngân hàng hạn chế tín dụng cho đầu cơ bất động sản, các ngân hàng tạm ngưng giải ngân khoản tín dụng bất động sản dù đã được phê duyệt hồ sơ.
Thứ hai là nhiều địa phương có các biện pháp tuyên truyền, xử lý hiện tượng thổi giá, đầu cơ hoặc huy động vốn trái phép.
Thứ ba là cơ quan có thẩm quyền đã tạm dừng giải quyết thủ tục liên quan việc phân lô, tách thửa, kiểm soát việc huy động vốn tại những dự án chưa được phép, rà soát các hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn.