Tin bất động sản nổi bật trong tuần: 'Khai tử' dự án KĐT nghìn tỷ ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng đề nghị công an điều tra đường dây tạo 'sốt đất'
“Khai tử” dự án khu đô thị nghìn tỷ ở Bà Rịa - Vũng Tàu vì chậm triển khai, Đà Nẵng đề nghị công an xác minh, điều tra đường dây tạo 'sốt đất', TP HCM siết tín dụng vào bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng… là những tin tức bất động sản đáng chú ý trong tuần qua.
TP HCM "siết" tín dụng vào bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng
Mới đây, trong văn bản số 437 của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM gửi đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn, nhằm triển khai ý kiến của Thủ tướng về phát triển thị trường bất động sản thành phố ổn định, lành mạnh. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM yêu cầu các tổ chức tín dụng quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, chuyển tiền thu được từ bất động sản ra nước ngoài.
Đồng thời, thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thực tế về nhà ở của người dân. Hạn chế tín dụng cho đầu tư bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ bất động sản.
Hiện tín dụng bất động sản chiếm khoảng 18-20% tổng dư nợ nền kinh tế, tương đương 2 triệu tỷ đồng. Tăng trưởng cho vay với lĩnh vực này cũng dần hạ nhiệt, từ mức trên 26% năm 2018, giảm còn 12% năm 2021.
Trước tình trạng dòng vốn cho thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng, thời gian qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có những chỉ đạo về kiểm soát dòng vốn chảy vào lĩnh vực này từ kênh tín dụng và trái phiếu.
Bên cạnh đó, các nhà băng phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đắk Lắk giám sát việc mua bán đất, tránh thất thu thuế
Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao các sở, ngành thực hiện các giải pháp giám sát, quản lý thị trường bất động sản, mua bán đất, chống thất thu thuế và hạn mức tách thửa đất nông nghiệp.
Ngày 25/4, Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết UBND tỉnh vừa có văn bản liên quan đến việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, chống thất thu tiền thuế thu nhập cá nhân, tiền sử dụng đất.
UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Tài chính sớm hoàn thiện dự thảo quyết định của UBND tỉnh thay thế quyết định cũ về việc quy định hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan khảo sát bổ sung tình hình giá đất trên thị trường thời điểm hiện nay theo từng khu vực, từng tuyến đường, trên cơ sở đó hoàn thiện dự thảo đảm bảo nguyên tắc giá đất ban hành sát giá đất thị trường theo thời điểm.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng giao Sở Tư pháp, Cục Thuế tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố có biện pháp hữu hiệu để theo dõi, giám sát hệ thống Văn phòng Công chứng, UBND các xã, phường, thị trấn trong việc hợp đồng công chứng, chứng thực đảm bảo, phản ánh giá trị quyền sử dụng đất sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung theo quy trình rút gọn đối với nội dung sửa đổi hạn mức tách thửa đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Như báo chí đã phản ánh, trong thời gian qua, giao dịch mua bán đất đai tại Đắk Lắk tăng đột biến. Trong 3 tháng đầu năm 2022, có hơn 103.000 giao dịch mua bán đất đai, tăng gần 200% so với cùng kỳ. Các cò đất liên tục đưa ra các thông tin về dự án, quy hoạch đô thị để rao bán đất khiến giá đất cũng tăng cao.
Thanh Hóa cảnh báo lừa đảo, kinh doanh đa cấp bất động sản
UBND tỉnh Thanh Hoá vừa có ý kiến chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) tại các khu đất đấu giá mà yêu cầu phải xây dựng công trình trên đất.
Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua tỉnh đã tổ chức đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư dự án phát triển nhà ở thành công một số khu đất tại TP Thanh Hóa, Sầm Sơn và tại tỉnh, trong đó yêu cầu người trúng đấu giá QSDĐ phải xây dựng hoàn chỉnh công trình trên đất.
Tuy nhiên, qua theo dõi phản hồi từ người dân, phương tiện thông tin đại chúng, tại một số khu đất sau khi trúng đấu giá đã có hoạt động huy động vốn trái pháp luật bằng hình thức hợp đồng góp vốn, vay vốn, "đặt cọc", giữ chỗ, khi chưa hoàn thành việc xây dựng công trình trên đất.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu người trúng đấu giá QSDĐ thực hiện nghiêm việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công trình trên đất đúng quy hoạch, tiến độ, chất lượng theo dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; chỉ được phép thực hiện việc chuyển nhượng QSDĐ và nhà xây thô cho người mua sau khi đã hoàn thành việc xây dựng.
Khi thực hiện chuyển nhượng QSDĐ và nhà xây thô cho người mua thì chủ đầu tư dự án phải ký kết hợp đồng mua bán đúng quy định, đúng giá đã niêm yết…
Các giao dịch huy động vốn (hoặc chuyển nhượng QSDĐ và nhà xây thô) thông qua hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, đặt cọc giữ chỗ, phiếu thu "đặt cọc" giữ chỗ hoặc biên bản "đặt cọc" khi chưa hoàn thành việc xây dựng công trình trên đất là có dấu hiệu lừa đảo, kinh doanh đa cấp biến tướng và phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
“Khai tử” dự án khu đô thị nghìn tỷ ở Bà Rịa - Vũng Tàu vì chậm triển khai
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có văn bản 4496 liên quan đến công tác xử lý việc chậm triển khai giai đoạn 2 và giai đoạn 3 của dự án khu đô thị mới Nam Quốc lộ 51 tại TP Bà Rịa.
Được biết, đây là dự án do Công ty cổ phần Xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện theo Quyết định 1266 năm 2012, với tổng diện tích hơn 50 ha và tổng mức đầu tư là hơn 1.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dự án đến nay vẫn chậm triển khai giai đoạn 2 và 3, nên UBND tỉnh sau khi xét theo đề nghị của Sở Xây dựng tỉnh, đã chấp thuận về nguyên tắc thu hồi chủ trương đầu tư, chấm dứt hoạt động đối với 2 giai đoạn này. Đồng thời, yêu cầu Công ty cổ phần Xây dựng và phát triển đô thị tỉnh phải tự chịu mọi chi phí liên quan đến việc thực hiện dự án.
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao Sở Kế hoạch - Đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư đối với giai đoạn 2 và 3 tại dự án nêu. UBND TP Bà Rịa chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan rà soát quy hoạch, tổ chức điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng; Xác định cụ thể ranh mốc dự án, quy mô sử dụng đất tại giai đoạn 2 và giai đoạn 3 dự án làm cơ sở phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng cần rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, chương trình phát triển đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở và các quy định có liên quan để tổ chức lập, trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quyết định đã ký.
Trong đó, tách phần diện tích với quy mô sử dụng đất khoảng 39 ha thuộc giai đoạn 2 và 3 của dự án thành phần của dự án khu đô thị mới Nam Quốc Lộ 51, làm cơ sở lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy định.
Giao Sở Tài nguyên - Môi trường lập các thủ tục để UBND tỉnh thu hồi đất, giao Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật. Thời hạn hoàn thành các nội dung nêu trên trước ngày 30/4.
Đà Nẵng đề nghị công an xác minh, điều tra đường dây tạo 'sốt đất'
UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng có biện pháp yêu cầu các ngân hàng thương mại không cho phép đảo nợ hoặc định giá lại đối với quyền sử dụng đất đã thế chấp; thắt chặt tín dụng BĐS, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định cho vay vốn tín dụng BĐS.
Đồng thời, UBND thành phố yêu cầu rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất tại thành phố để bảo đảm an toàn tín dụng.
Trong khi đó, các sở, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có yếu tố trục lợi trong đấu giá quyền sử dụng đất.
Thường xuyên trao đổi thông tin với Công an thành phố về tình hình triển khai đấu giá, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố, khi phát hiện các dấu hiệu, hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất thì giao Công an thành phố triển khai xử lý theo quy định pháp luật.
Đáng chú ý, Sở TN&MT TP Đà Nẵng cũng vừa có công văn bản gửi Công an thành phố đề nghị vào cuộc, điều tra xem có hay không về đường dây thông đồng giữa những đối tượng và cán bộ cơ quan nhà nước để tạo "sốt đất" ở huyện Hòa Vang.
Trước đó, Sở này cũng phát đi thông tin cảnh báo sốt đất ảo để trục lợi ở vùng nông thôn thành phố. Theo đó, thời gian gần đây xuất hiện một số nhóm người có chủ ý tạo ra những đợt sốt đất ảo, nhất là ở khu vực nông thôn ở các tỉnh, thành cả nước, trong đó có huyện Hòa Vang nhằm trục lợi.