Cơn sốt đất Vân Đồn và “bài học” từ thị trường Đà Nẵng
Nhìn vào hai khu vực “nóng sốt” nhất thời gian qua là Đà Nẵng và Vân Đồn, rất dễ để nhận thấy những điểm tương đồng tại những thị trường này: Từ việc xuất hiện tình trạng “thổi giá”, tung tin giả, những câu chuyện kiếm tiền tỷ của môi giới và đến cả việc cơ quan chức năng vào cuộc khiến giá đất quay đầu giảm nhiệt…
‘Tàn tiệc’ 700 triệu/ngày, ‘cò đất’ kêu trời hàng cắt lỗ
Từ cơn sốt đất chóng vánh tại Đà Nẵng
Sau một thời gian dài cơn sốt đất tại ba địa phương dự kiến trở thành khu kinh tế đặc biệt lắng xuống, bắt đầu từ đầu năm 2019, thị trường bất động sản bất ngờ sôi động trở lại khi giá đất tăng mạnh tại Vân Đồn sau lệnh mở cửa giao dịch và tại Đà Nẵng sau hàng loạt những thông tin "đồn thổi" về hạ tầng.
Nhìn tổng thể, “kịch bản” sốt đất tại hai khu vực này có nhiều điểm tương đồng.
Tại Đà Nẵng, cơn “sốt” đất nền chóng vánh quét qua một số huyện ngoại thành thời gian qua đã khiến thị trường đất nền khu vực này chao đảo. Đất ao, ruộng lúa, vườn tược... được hét giá lên đến cả tỷ đồng. Ở mọi ngóc ngách, người ta đều nghe thấy những lời bàn tán về giá đất, chuyện đặt cọc, giữ chỗ, sổ đỏ,... khiến những vùng quê yên bình ven đô bỗng nhiên nườm nượp người về chỉ trỏ, ngã giá.
Trên nhiều trang báo, những câu chuyện về môi giới kiếm tiền tỷ sau các giao dịch hay chuyện nhà đầu tư ôm cả “bao tải” tiền đổ về Đà Nẵng buôn đất kiếm tiền lãi “bỏng tay” xuất hiện dày đặc.
Tại Đà Nẵng, giới “cò” đất còn tung tin đồn Đà Nẵng thành lập quận mới để thổi giá đất. Thậm chí, xuất hiện cả văn bản giả mạo về việc UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt một số dự án đầu tư để gây ở sốt đất ở quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ. Những thông tin này đã khiến thị trường đất nền Đà Nẵng chao đảo,thị trường hỗn loạn, giá đất nền một số khu vực tăng phi mã…
Ngay sau đó, chính quyền TP Đà Nẵng đã vào cuộc “dẹp loạn” tình trạng mua bán đất đai trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo một số địa phương tại Đà Nẵng đã lên tiếng “bác” những tin đồn nói trên. Đồng thời cho rằng động cơ của những tin đồn này đều nhằm thổi giá, tạo cơn sốt đất để trục lợi.
Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cũng vào cuộc, ban hành văn bản gửi Công an TP Đà Nẵng, UBND các quận, huyện và các cơ quan truyền thông về việc chấn chỉnh hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản… khiến thị trường yên ắng trở lại.
Sau một thời gian ngắn giá đất tăng điên cuồng, nhiều khu vực ven Đà Nẵng giá đất bắt đầu chững lại, hạ nhiệt và giá giảm sâu nhanh chóng, nhiều nhà đầu tư “bỏ cọc” tháo chạy, làn sóng các nhà đầu tư ‘lướt sóng’ cắt lỗ ngày càng nhiều…
Lúc này, không còn hoạt động mua bán ảo nhằm đẩy giá, giá đất quay đầu giảm sâu khiến các nhà đầu tư không kịp thoát ra khỏi cơn sốt đất mắc kẹt.
Hệ quả khi cơn sốt đất đi qua là nỗi đau dành cho khách hàng, những nhà đầu tư chậm chân, “nhẹ dạ” đang "mắc cạn" sau cơn sốt, tiền của bị chôn vùi…
Đà Nẵng – Vân Đồn cùng một kịch bản?
Nhìn vào hai khu vực “nóng sốt” nhất thời gian qua là Đà Nẵng và Vân Đồn, rất dễ để nhận thấy những điểm tương đồng tại những thị trường này, đặc biệt là trong cách “làm giá” và “tạo sóng” vô cùng lộ liễu… của giới đầu cơ, các chủ dự án và cò đất.
Từ việc xuất hiện tình trạng “thổi giá”, tung tin giả, những câu chuyện kiếm tiền tỷ của môi giới, doanh nghiệp ra văn bản cảnh báo thu tiền lừa đảo và đến cả việc cơ quan chức năng vào cuộc khiến thị trường quay đầu giảm nhiệt…
Văn bản của Sở Xây dựng TP Đà Nẵng.
Theo tìm hiểu, tại Vân Đồn, sau một thời gian “đóng băng” các giao dịch, vào ngày 9/1/2018, chính quyền huyện Vân Đồn đã chính thức cho phép giao dịch mua bán đất đai trở lại tại địa phương này. Ngay sau đó, các thông tin về việc thị trường bất động sản Vân Đồn “dậy sóng”, các giao dịch, mua bán đất đai sôi động trở lại xuất hiện dày đặc trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng.
Thậm chí, Công ty CP Đầu tư xây dựng đô thị Phương Đông (Công ty Phương Đông), chủ một dự án kinh doanh hạ tầng đô thị lớn ở huyện Vân Đồn có đơn trình báo cơ quan chức năng địa phương về việc xuất hiện một nhóm đối tượng giả danh cán bộ Văn phòng Chính phủ, đến Vân Đồn lừa đảo người dân có nhu cầu mua đất tại Dự án Phương Đông để chiếm đoạt khoản tiền ứng trước.
Nắm bắt được thông tin cảnh báo cảu doanh nghiệp, UBND huyện Vân Đồn kịp thời giao cho Công an huyện điều tra, xác minh. Điều lạ là dù đã rất nỗ lực nhưng Công an huyện Vân Đồn không tìm ra tung tích thủ phạm và người bị hại. Sau đó, huyện Vân Đồn đã khẳng định, không có sự lừa đảo mua bán đất ở đô thị Phương Đông như chủ dự án này đã “tố”.
Một dự án tại Vân Đồn.
Việc cơ quan điều tra không thể tìm ra thủ phạm lẫn bị hại khiến dư luận không khỏi hoài nghi thực hư các nội dung doanh nghiệp trình báo cơ quan chức năng? Thậm chí không ít người tỏ ra nghi ngờ đây thực chất chỉ là chiêu trò để thu hút sự quan tâm, chú ý nhiều hơn của nhà đầu tư cả nước tới dự án này?
Thực tế, ngay sau khi thông tin trên xuất hiện, dự án Phương Đông được giới thiệu rầm rộ như một trong những dự án “hot” của Vân Đồn và được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Cùng với đó, các thông tin về giới “cò” đất hoạt động nhộn nhịp, các dự án bất động sản, các khu đất nền tại Vân Đồn bắt đầu có sự tăng giá xuất hiện dày đặc.
Thậm chí, các thông tin giá đất tăng 4-5 triệu mỗi tuần, môi giới bất động sản tại Vân Đồn kiếm tiền tỷ một ngày... khiến nhiều người cho rằng thị trường Vân Đồn đang thực sự “nóng sốt”.
Trước những thông tin về tình trạng “thổi giá” xuất hiện dày đặc và sự nhiễu loạn của thị trường, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản thanh tra việc quản lý, sử dụng, chuyển nhượng đất đai tại huyện này.
Quyết định thanh tra được ban hành đã khiến lượng khách đến đầu tư và giao dịch bất động sản tại Vân Đồn có dấu hiệu "hạ nhiệt" so với thời điểm đầu năm 2019.
Theo thông tin trên báo Người Đồng Hành, có “cò” nói lượng khách nhà đầu tư đến với Vân Đồn giảm khoảng 50% sau khi có lệnh thanh tra của UBND tỉnh. Các văn phòng môi giới một số có khách, một số im ắng, thậm chí đóng cửa…
Có thể nói, nếu so sánh thị trường giữa Đà Nẵng và Vân Đồn sẽ có những khác biệt bởi tại Đà Nẵng, số lượng dự án tương đối ít, nhưng mặt bằng giá đất lại khá cao vì địa phương này đã có những nền tảng phát triển nhất định. Trong khi đó, Vân Đồn vẫn còn là một vùng biển đảo hoang sơ, hạ tầng cũng chưa phát triển… nên tiềm năng đầu tư của mỗi vùng sẽ khác nhau.
Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến thị trường có thể thấy kịch bản “sốt đất” tại thị rường Vân Đồn và Đà Nẵng khá giống nhau và “bài học” để lại cho các nhà đầu tư khi “cơn sốt” đi qua vẫn còn đó.
Mặc dù vậy, cơn sốt đất tại Vân Đồn vẫn âm ỉ, và các thông tin đầu tư hấp dẫn vẫn xuất hiện đều đặn trên các website nhà đất.
Những câu chuyện chốt giao dịch kiếm hàng trăm triệu của môi giới vẫn vô cùng đặc sắc, như cái cách “chị gái đà nẵng kể chuyện kiếm 700 triệu 1 ngày” khiến nhiều nhà đầu tư bất chấp, mạo hiểm lao theo cơn sốt mà không lường hết được hậu quả sau đó…
Theo Hải Lan/ Sở hữu Trí tuệ