Công ty con gặp khủng hoảng trái phiếu, Evergrande ‘nợ chồng nợ’
Tập đoàn Evergrande, đơn vị phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc, tiếp tục chìm sâu trong khủng hoảng sau khi thông báo không thể trả được trái phiếu trong nước trong bối cảnh kế hoạch tái cơ cấu của công ty với các chủ nợ nước ngoài cũng gặp nhiều bấp bênh.
Cổ phiếu Tập đoàn Evergrande liên tục giảm trong thời gian gần đây
Theo đó, Evergrande đang ở trong tâm điểm của cuộc khủng hoảng khi công ty con Hengda Real Estate Group thông báo nợ trái phiếu cả gốc và lãi tính đến ngày 25/9 ước tính khoảng 4 tỷ NDT (547 triệu USD).
Tháng 3/2023, Hengda đã chậm trả lãi cho lô trái phiếu phát hành vào năm 2020. Công ty này cũng cho biết đã tích cực đàm phán với các trái chủ để cùng tìm ra giải pháp nhưng có vẻ chưa có hướng xử lý nào được đưa ra.
Cùng thời điểm, truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin ông Xia Haijun, cựu CEO của Evergrande, và ông Pan Darong, cựu CFO, đã bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ để điều tra.
Là một trong những “ông lớn” của thị trường bất động sản Trung Quốc, không ai nghĩ rằng Evergrande sẽ có ngày phải vật lộn với tổng nợ lớn hơn 2,39 nghìn tỷ NDT (gần 330 tỷ USD).
Trước tình hình hiện tại, Evergrande đang nỗ lực đưa ra các giải pháp cho chủ nợ, như cho chủ nợ nhận trái phiếu có thời hạn từ 10 - 12 năm, hoặc đổi lấy cổ phiếu liên kết với vốn chủ sở hữu đang là những lựa chọn được cân nhắc.
“Sau những tin tức mới nhất, việc chuyển đổi các khoản nợ thành cổ phiếu của Evergrande hoặc cổ phiếu của công ty con thuộc hệ sinh thái của tập đoàn đang là lựa chọn tốt nhất để tái cơ cấu nợ, mặc dù phương pháp này cũng đem lại nhiều rủi ro”, các nhà phân tích tài chính nhận định.
Bên cạnh đó, tập đoàn này vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu và phải bán một loạt tài sản để trả nợ. Theo kế hoạch, Evergrande dự định kêu gọi các chủ nợ nước ngoài hoán đổi các trái phiếu không trả được để lấy cổ phiếu của tập đoàn.
Nếu việc tái cơ cấu không được triển khai sớm, tập đoàn sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị thanh lý, đặc biệt là khi doanh nghiệp đang chuẩn bị cho phiên điều trần tại Hong Kong vào ngày 30/10 do có đơn khởi kiện yêu cầu Evergrande phải thanh lý công ty.
Cũng tại thời điểm này, hàng loạt các nhà phát triển lớn khác, kể cả “trụ cột” bất động sản Trung Quốc Country Garden, đều liên tục gây sức ép cho thị trường tài chính Trung Quốc khi nhiều đơn vị đồng loạt rơi vào tình trạng chậm trả lãi trái phiếu ngoại tệ bằng USD.
Liên tiếp những thông tin thiếu tích cực nối tiếp nhau về các tập đoàn hàng đầu đã làm bùng lên nỗi lo về cuộc khủng hoảng bất động sản ngày một nghiêm trọng tại Trung Quốc, khiến thị trường quốc gia tỷ dân không còn là “miếng bánh thơm” đối với nhà đầu tư. Hệ quả, cổ phiếu bất động sản Trung Quốc ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong 9 tháng trở lại đây.
Trái phiếu rác ở nước ngoài của Trung Quốc, đa phần được phát hành bởi các nhà phát triển bất động sản và từng là một trong những giao dịch sinh lợi nhất thế giới, đã mất hơn 127 tỷ USD giá trị kể từ thời điểm đạt đỉnh vào khoảng hơn 2 năm trước.