“Cuộc chiến vương quyền” tại Hòa Bình và Coteccons: Khi hai nhà vua cùng “ngã ngựa”

Từng vượt mặt Coteccons để trở thành nhà thầu xây dựng số 1 Việt Nam, nhưng không lâu sau Xây dựng Hòa Bình làm ăn sa sút, đặc biệt là thời điểm “nội chiến” diễn ra. Câu chuyện này cũng từng diễn ra đối với Coteccons cách đây nhiều năm.

 

“Cuộc chiến vương quyền” tại Hòa Bình và Coteccons: Khi hai nhà vua cùng “ngã ngựa” - Ảnh 1

Từ câu chuyện Coteccons…

Nhìn lại cuộc chiến giữa hai cổ đông nội ngoại tại CTCP Xây dựng Coteccons (mã CK: CTD) diễn ra cách đây 1 thập kỷ. Cụ thể, vào thời điểm năm 2012, khi thị trường bất động sản rơi vào khó khăn, khủng hoảng tài chính diễn ra đã buộc Coteccons phải quyết định nhận đầu tư để đổi mới mô hình kinh doanh.

Theo đó, sự xuất hiện đầu tiên của nhóm cổ đông ngoại Kusto Group (nắm 25% tại CTD) là khởi đầu cho những tranh chấp nội bộ sau này. Kusto Group là một tập đoàn tư nhân quốc tế đa ngành có trụ sở tại Singapore với các lãnh đạo chủ chốt đều đến từ Đông Âu, các đối tác của Kusto cũng là các nhân vật quyền lực trong giới kinh doanh.

Nói đi cũng phải nói lại, việc Coteccons quyết định bán cổ phần cho Kusto Group đã giúp doanh nghiệp này có tiền và bứt phá những năm sau đó.

Tuy nhiên, đỉnh điểm mâu thuẫn diễn ra vào thời điểm năm 2018 khi Kusto đã năng sở hữu từ 25% lên 36%. Đến đây, quan hệ đối tác dần chuyển sang đối đầu, mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông ngoại mà đại diện là Kusto và nhóm cổ đông nội mà đại diện là ông Lê Bá Dương xảy ra khi không tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề quản trị doanh nghiệp.

Đồng thời, Kusto cho rằng, ban lãnh đạo thời điểm đó, mà đứng đầu là ông Lê Bá Dương – chủ tịch HĐQT Coteccons và cũng là nhà sáng lập doanh nghiệp này đã vi phạm nhiều lợi ích đáng ra thuộc về Coteccons. Và rồi, giữa lúc dịch bệnh Covid đang diễn ra phức tạp, phía Kusto đã gửi công văn triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường, trong đó nhấn mạnh “Các hành vi quản trị, quản lý và điều hành liên quan tới xung đột lợi ích của đội ngũ lãnh đạo Coteccons giữa các công ty trong Coteccons Group đã gây thiệt hại cho khoản đầu tư của chúng tôi khi giá cổ phiếu giảm đáng kể và quyền cổ đông của chúng tôi bị vi phạm nghiêm trọng.”

Và tất nhiên, phía lãnh đạo Coteccons đã phản pháo và cho rằng những thông tin cáo buộc từ phía Kusto là vô căn cứ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cổ đông khác, ảnh hưởng nghiệm trọng đến giá cổ phiếu CTD và hoạt động sản xuất kinh doanh công ty.

Đến quý III/2020, cuộc chiến quyền lực tại đây mới đi đến hồi kết khi ông Nguyễn Bá Dương đã có đơn từ nhiệm của ông vì “lý do sức khỏe và muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình” được HĐQT nhanh chóng thông qua. Và ông Dương cùng không còn là cổ đông lớn công ty này và chấp nhận công ty do mình sáng lập về tay nhà đầu tư ngoại.

Và đến tháng 4/2021, lần đầu tiên Hội đồng quản trị mới ra mắt, với Chủ tịch là ông Bolat Duisenov, đại diện cổ đông lớn Kusto.

Sau khi ông Dương rời đi, hàng loạt thành viên lâu năm trong ban điều hành Coteccons cũng nối gót ra đi như ông Nguyễn Sỹ Công (tổng giám đốc Coteccons), Trần Quang Quân (phó tổng Coteccons) hay ông Võ Thanh Liêm (quyền tổng giám đốc Coteccons)…

Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận của Conteccons đã lao dốc không phanh kể từ thời điểm diễn ra nội chiến, ngoài ra những hệ lụy do dịch bệnh kéo dài cũng ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Kết quả kinh doanh của Coteccons kể từ năm 2018 đến cuối năm 2022.  
Kết quả kinh doanh của Coteccons kể từ năm 2018 đến cuối năm 2022.  

Theo đó, năm 2019, lợi nhuận Coteccons “bốc hơi” một nửa, thu về vỏn vẹn 710 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Các năm tiếp theo, báo cáo tài chính của công ty tiếp tục công bố thông tin với những bước trượt dài của doanh nghiệp, năm 2020 lãi 334 tỷ đồng, năm 2021 lãi 24 tỷ đồng và tới năm 2022 xuống mức “đáy” 20,7 tỷ đồng.

Đến quý I/2023, Coteccons ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng tích cực đạt 3.129 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Tuy nhiên do giá vốn hàng bán ở mức cao cùng nhiều loại chi phí nối đuôi tăng mạnh khiến lợi nhuận của doanh nghiệp xây dựng bị bào mòn, giảm 24% xuống còn 22 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu CTD không ngừng giảm và về mức thấp nhất, chưa đến 50.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 3/2019. Đến nay, dù đã trải qua nhiều đợt điều chỉnh, cổ phiếu này cũng mới chỉ có thể vươn lên giao dịch loanh quanh vùng giá trên dưới 60.000 đồng/cổ phiếu, cách xa so với thời hoàng kim 300.000 đồng/cổ phiếu.

… nhìn sang Xây dựng Hòa Bình

Và 3 năm sau khi cuộc chiến tại Coteccons kết thúc thì “lời nguyền” chiến tranh vương quyền lại đến với CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Hòa Bình Corp – mã CK: HBC), đây cũng được coi là “kỳ phục địch thủ” của Coteccons khi hai “đế chế” xây dựng này liên tục cạnh tranh nhau cho vị trí nhà thầu xây dựng số 1 Việt Nam.

Xây dựng Hòa Bình là nhà thầu xây dựng gắn liền với các đại dự án như Cocobay Đà Nẵng, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất, Aeon Mall Hà Đông, Vinhomes Ocean Park… cũng gây nhiều chú ý. Và là doanh nghiệp gắn liền với cái tên Lê Viết Hải – chủ tịch HĐQT HBC.

Câu chuyện của Hòa Bình chính là việc ông Hải rời ghế Chủ tịch để "dọn đường" cho con trai vào vị trí CEO của tập đoàn này.

Theo đó, xung đột tại HBC bắt đầu gây sự chú ý vào thời điểm đầu năm 2023, khi có những thông tin trái ngược về người nắm vị trí Chủ tịch Tập đoàn này.

Cụ thể, ngày 14/12/2022 HBC đã có nghị quyết thông qua đơn từ nhiệm tư cách chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải, đồng thời bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức Chủ tịch HBC thay ông Hải và sẽ bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc HBC với ông Hiếu (con trai ông Hải) từ ngày 1/1/2023.

Ông Hải cũng cho biết sau khi từ nhiệm sẽ lập Hội đồng sáng lập để tham mưu, tư vấn và phản biện cho HĐQT và ban điều hành, những gì chiến lược và trọng yếu mà HĐQT đưa ra phải được sự đồng ý của Hội đồng sáng lập.

Đồng thời, Ông Nguyễn Công Phú - người dự kiến ngồi vào vị trí Chủ tịch lúc đó - đã cam kết lãnh đạo công ty trên nguyên tắc đồng thuận.

Tưởng chừng mọi việc sẽ êm đẹp và đi đúng quỹ đạo nhưng vào tối ngày 31/12/2022, HĐQT Xây dựng Hòa Bình đã công bố nghị quyết thông qua việc hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải kể từ ngày 1/1/2023; hoãn thi hành đơn từ nhiệm của ông Lê Viết Hải xin rút khỏi tư cách thành viên HĐQT. Nghị quyết cũng hoãn thi hành việc bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc cho ông Lê Viết Hiếu.

Ngay sau khi thông tin này được công bố, sáng 1/1/2023, một số thành viên HĐQT, gồm ông Nguyễn Công Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine đã phát đi một văn bản bác bỏ động thái của ông Lê Viết Hải đưa ra hôm 31/12/2022, với cáo buộc cuộc họp HĐQT của HBC không có đủ thành viên theo yêu cầu.

Sau đó, đến ngày 14/2, HBC đã công bố nghị quyết HĐQT về việc chấp thuận đơn xin từ nhiệm chức vụ thành viên độc lập HĐQT công ty của ông Nguyễn Công Phú kể từ ngày 13/2. Và đến đây, cuộc chiến vương quyền tại HBC gần như đã đi đến hồi kết.

Ngay sau khi ông Phú rời HBC, hàng loạt các lãnh đạo khác cùng nối gót, đặc biệt là các thành viên thuộc nhóm phản đối ông Lê Viết Hải như ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine.

Cũng giống như Coteccons, kể từ nội chiến diễn ra, tình hình kinh doanh của Hòa Bình liên tục “lao dốc” mà đỉnh điểm là quý IV/2022 khi doanh nghiệp này báo lỗ kỷ lục hơn 1.215 tỷ đồng khiến kết quả kinh doanh cả năm 2022 cũng bị ảnh hưởng, lỗ hơn 1.130 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của HBC từ năm 2018 đến năm 2022.  
Kết quả kinh doanh của HBC từ năm 2018 đến năm 2022.  

Đến quý I/2023, tình hình vẫn chưa có dấu hiệu khá khẩm hơn với 1.194 tỷ doanh thu thuần, giảm 60% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế gần 445 tỷ đồng.

Theo đó, khoản lỗ luỹ kế của Hoà Bình cũng bị nâng lên thành hơn 1.137 tỷ đồng. Nợ phải trả của Xây dựng Hoà Bình tại cuối quý I/2023 ghi nhận 13.503 tỷ đồng, chiếm 86% tổng nguồn vốn và cao gấp 6 lần vốn chủ sở hữu.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HBC của Hòa Bình cũng “cắm đầu” khi giảm gần 80% trong năm 2022. Hiện tại, cổ phiếu HBC vẫn chỉ loanh quanh dưới 10.000 đồng/cổ phiếu.

Thậm trí, mới đây, doanh nghiệp này còn nhận được thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh (HoSE) về việc cổ phiếu HBC bị cho vào diện kiểm soát. Theo đó. đến ngày 23/5 tới đây, mã này sẽ bị chuyển sang diện hạn chế giao dịch vì vẫn chưa công bố thông tin theo quy định dù đã bị nhắc nhở nhiều lần.

Nhìn nhận một cách thực tế, kể từ sau khi vấn nội bộ tại Coteccons được giải quyết, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này đã dần ổn định trở lại. Nhưng với Hòa Bình thì câu chuyện hậu “nội chiến” sẽ diễn biến thế nào thì vẫn là một dấu hỏi lớn.

An Nhiên

Theo Kinh doanh và Phát triển