Đà Nẵng mới: Không gian phát triển mới, mở cơ hội tăng trưởng lớn

Việc mở rộng địa giới hành chính, kết hợp hệ sinh thái kinh tế – logistics – du lịch liên vùng đang tạo cho Đà Nẵng mới một không gian phát triển rộng mở và cơ hội tăng trưởng vượt bậc.

Tạo thế và lực mới cho phát triển

Ông Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Duy Tân cho rằng, việc tái sáp nhập hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam là một bước đi mang ý nghĩa lớn, không chỉ về hành chính mà còn thúc đẩy sự phát triển của địa phương.

Trong số 31 tỉnh thành có tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng vẫn giữ được vị thế nổi bật, chỉ sau TP.HCM và Hà Nội. Ông tin rằng, thời kỳ mới, Đà Nẵng sẽ phát huy mạnh mẽ hơn nữa để tạo dựng một diện mạo mới như kỳ vọng của Tổng Bí thư và Trung ương.

Đà Nẵng mới sẽ thêm những động lực mới để phát triển.
Đà Nẵng mới sẽ thêm những động lực mới để phát triển.

Chia sẻ về quá trình sáp nhập đơn vị hành chính và định hướng phát triển mới của Đà Nẵng sau khi mở rộng địa giới hành chính, Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5 cho rằng đây là bước đi cần thiết để thành phố khai thác hiệu quả hơn tiềm năng sẵn có.

Địa thế đặc biệt của Đà Nẵng – một thành phố ven biển, có núi, có đồng bằng, có biên giới biển, có cảng và sân bay quốc tế – tạo nên một hình ảnh thu nhỏ của đất nước. Đây chính là lợi thế để Đà Nẵng trở thành trung tâm phát triển kinh tế toàn diện, đồng thời là địa bàn chiến lược về quốc phòng - an ninh.

“Tôi tin rằng, với nguồn lực, con người và các tiêu chí phát triển đang được xác lập rõ ràng, Đà Nẵng sẽ trở thành một địa phương mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn nhấn mạnh.

Theo ông PGS.TS Lê Văn Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế (Đại học Đà Nẵng), khi Đà Nẵng sáp nhập với tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng mới sẽ thêm những động lực mới.

Cụ thể, việc sáp nhập không những giúp mở rộng địa giới hành chính, tạo ra một không gian phát triển liền mạch từ biển đến núi, từ thành thị đến nông thôn mà còn phát huy được những hạn chế về không gian phát triển mà TP. Đà Nẵng hiện tại đang gặp những khó khăn. Thành phố mới có điều kiện xây dựng các siêu đô thị vệ tinh, khu công nghiệp – dịch vụ – công nghệ cao với quy mô lớn hơn. Tái quy hoạch đồng bộ giữa vùng đô thị Đà Nẵng hiện đại và vùng nông thôn – miền núi giàu tiềm năng của Quảng Nam.

Là một địa phương có hai sân bay (Đà Nẵng và Chu Lai) khá phát triển, rất thuận lợi cho việc phát triển giao thông, logistics (đặc biệt là phát triển đặc thù sân bay hàng hoá), sự liên thông giữa hệ thống cảng biển (Tiên Sa, Kỳ Hà), Cảng Tiên Sa, Cảng Liên Chiểu (trong dự kiến), cao tốc (Đà Nẵng – Quảng Ngãi) và đường sắt giúp phát triển mạnh logistics và thương mại quốc tế. Đà Nẵng (mới) có thể trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa và du lịch lớn nhất miền Trung, đóng vai trò như một “Hub” trong chuỗi cung ứng quốc tế.

Bên cạnh đó, thành phố mới có thể định vị mình như một “siêu” điểm đến du lịch quốc tế, đa trải nghiệm, quanh năm có “văn hoá” đặc thù; sản phẩm du lịch phong phú; món ăn ngon, rẻ và đa dạng; có dịch vụ du lịch “phố đêm” khá tiềm năng…

Kỳ vọng mô hình chính quyền hai cấp

Ông Phạm Bắc Bình – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Đà Nẵng cho hay, việc sáp nhập Đà Nẵng – Quảng Nam tạo nên một không gian kinh tế rộng mở hơn, gia tăng cơ hội tiếp cận đất đai, nhất là tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp còn quỹ đất ở Quảng Nam. Đồng thời, mỗi địa phương có những thế mạnh riêng, khi gộp lại sẽ hỗ trợ, bổ trợ cho nhau, từ đó hình thành động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - doanh nghiệp.

Ông Bình kỳ vọng, cộng đồng doanh nghiệp hai địa phương sẽ nhanh chóng bắt tay, đoàn kết tìm kiếm cơ hội hợp tác, cùng phát triển. Đặc biệt, tính tương trợ, chia sẻ giữa các doanh nghiệp sẽ được phát huy mạnh mẽ tạo nên hệ sinh thái kinh doanh năng động và hiệu quả hơn trong không gian hành chính – kinh tế mới.

Các phường, xã của Đà Nẵng đã sẵn sàng vận hành bộ máy hành chính mới từ ngày 1/7.
Các phường, xã của Đà Nẵng đã sẵn sàng vận hành bộ máy hành chính mới từ ngày 1/7.

Việc chuyển đổi sang mô hình chính quyền 2 cấp, ông Bình nhấn mạnh: “Đây là niềm vui lớn của cộng đồng doanh nghiệp vì khi giảm bớt một cấp trung gian, đồng nghĩa với việc cắt giảm nhiều thủ tục hành chính. Mọi vấn đề của doanh nghiệp sẽ được giải quyết nhanh gọn, thay vì phải qua ba cấp như trước đây.”

Với chính quyền cấp phường, xã là tuyến tiếp xúc trực tiếp với người dân và doanh nghiệp, các vấn đề được giải quyết cụ thể, sát thực tế, tăng tính giám sát và phản biện xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng đây sẽ là cơ chế để chính sách đi vào cuộc sống nhanh hơn, đồng thời tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tham gia góp ý, phản ánh bất cập, từ đó góp phần hoàn thiện chính sách một cách thực chất.

Cùng với đó, hệ thống chính quyền số, các cổng dịch vụ công trực tuyến giúp doanh nghiệp không phải đi lại nhiều, tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời tăng tính công khai, minh bạch.

Dù kỳ vọng nhiều nhưng ông Bình cho rằng, thời gian đầu chắc chắn sẽ có những lúng túng nhất định về nhân sự, quy trình xử lý công việc và hệ thống công nghệ. Có thể xảy ra tình trạng chồng chéo chính sách giữa cấp trên và cấp dưới hoặc sự chậm trễ do hệ thống điện tử chưa cập nhật kịp thời, gây gián đoạn trong xử lý thủ tục hành chính.

Hai tuần đầu tháng 7 có thể xem là thời gian sắp xếp lại bộ máy, nhưng chắc chắn sau đó, toàn bộ hệ thống phải đi vào quy củ, hoạt động trôi chảy. Một điều quan trọng khác là các quyền lợi, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã từng có cần được kế thừa, tiếp tục áp dụng trong bộ máy mới.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, mô hình chính quyền 2 cấp đi vào hoạt động không chỉ giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý mà còn là nền tảng để tạo ra không gian phát triển lớn hơn, huy động nguồn lực chuyên sâu hơn và mở rộng năng lực phát triển cho các địa phương.

Đối với ngành du lịch, mô hình chính quyền hai cấp sẽ đem lại những tác động rõ rệt, đặc biệt là ở khía cạnh phân cấp quản lý. Cấp tỉnh sẽ tập trung cho các chiến lược tổng thể, các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh du lịch ra ngoài địa phương và quốc tế. Trong khi đó, cấp phường, xã sẽ có điều kiện tiếp cận thực tiễn tốt hơn, đảm nhiệm vai trò quản lý trực tiếp hoạt động kinh doanh du lịch tại cơ sở.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng lưu ý rằng, để mô hình chính quyền 2 cấp thực sự vận hành hiệu quả, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là trong việc phân định rành mạch chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp chính quyền.

Cùng với đó là việc duy trì và mở rộng các kênh tham vấn ý kiến từ doanh nghiệp và người dân nhằm cải tiến hoạt động quản lý và cung ứng dịch vụ. Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, việc tích hợp dữ liệu du lịch, ứng dụng công nghệ số, thực tế ảo và nền tảng trực tuyến sẽ trở thành yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả truyền thông, marketing điểm đến và thích ứng với xu thế tiêu dùng mới của khách du lịch.

Khánh Hồng

Theo Vietnamfinance