Đà Nẵng thu hút doanh nghiệp trong nước và quốc tế tìm kiếm cơ hội đầu tư

Đà Nẵng thuộc nhóm bất động sản “hàng hiệu” trên thị trường, với đầy đủ tiềm năng Đà Nẵng ngày càng thu hút nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Những năm qua, thị trường bất động sản liên tục chứng kiến đà tăng giá “khủng khiếp” của hầu hết các phân khúc bất động sản tại Đà Nẵng.

Đà Nẵng thu hút nhiều “ông lớn” trong nước

Thời gian qua nhiều ông lớn bất động sản liên tục đổ bộ vào Đà Nẵng để mở rộng quỹ đất, đầu tư, phát triển ‘dự án khủng’.

Mới đây, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã mở ra một không gian phát triển mới, đầy triển vọng cho Đà Nẵng.

Theo Đồ án Quy hoạch này, Đà Nẵng sẽ hình thành 2 vành đai kinh tế, gồm: vành đai phía Bắc là vành đai “công nghiệp công nghệ cao và cảng biển – logistics”; vành đai phía Nam là vành đai “đổi mới sáng tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.

Trong đó, Tập đoàn Sun Group tham gia ý tưởng thuộc Phân khu Đô thị sườn đồi với Dự án Khu tổ hợp đô thị thông minh – phi thuế quan với diện tích 1.110 ha. Đồng thời, Sun Group đề xuất tham gia nghiên cứu và đầu tư Khu đô thị ven sông Tây Nam Nhà máy nước Cầu Đỏ (khoảng 50 ha).

Nhiều ông lớn bất động sản liên tục đổ bộ vào Đà Nẵng để mở rộng quỹ đất, đầu tư, phát triển ‘dự án khủng’.  
Nhiều ông lớn bất động sản liên tục đổ bộ vào Đà Nẵng để mở rộng quỹ đất, đầu tư, phát triển ‘dự án khủng’.  

Tập đoàn Liên Thái Bình Dường (IPPG) được Đà Nẵng thống nhất tiếp nhận ý tưởng quy hoạch Phân khu Đô thị sườn đồi (khoảng 2.729 ha). Bên cạnh đó, IPPG còn đề xuất ý tưởng quy hoạch Dự án Khu tổ hợp đô thị thông minh – phi thuế quan (khoảng 850 ha) và đề nghị tài trợ chi phí quy hoạch Phân khu Khu đô thị sân bay.

Tập đoàn Vingroup tự khảo sát khoảng 450 ha tại xã Hòa Châu – Hòa Tiến, cũng có sự tham gia của Công ty cổ phần Phát Đạt…

Một ông lớn khác không thể không nhắc đến trong M&A dự án ở Đà Nẵng thời gian qua là CTCP Tập đoàn Danh Khôi. Doanh nghiệp này đã mua 100% vốn của Công ty TNHH MTV Đầu tư Sun Frontier với giá trị 92 triệu USD, qua đó phát triển dự án Tháp ven sông nằm ở mặt tiền đường Bạch Đằng, quận Hải Châu. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 3.109 tỷ đồng.

Tại diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022 diễn ra vào ngày 25/6, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã công bố danh mục dự án thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2026, định hướng đến 2030. Trong đó, nhiều dự án hạ tầng lớn đã thu hút sự quan tâm, chú ý của các nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế.

Theo đó, từ nay đến năm 2030, thành phố Đà Nẵng đang thu hút đầu tư 7 dự án trọng điểm, gồm các dự án: cảng Liên Chiểu; Khu phức hợp Trung tâm tài chính, thương mại, vui chơi giải trí, casino và chung cư cao cấp; không gian Sáng tạo Đà Nẵng; trung tâm thương mại quốc tế; bệnh viện Quốc tế; viện dưỡng lão; trường liên cấp quốc tế.

Cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài tại Đà Nẵng

Mới đây, ngày 18/07, Tập đoàn F&B Holdings (Hàn Quốc) cũng mong muốn sớm có kế hoạch liên kết và trở thành đối tác cùng xây dựng và đầu tư một số hạng mục tại khu vực cảng biển Đà Nẵng, trong đó chú trọng xây dựng Cảng biển Du lịch đưa các Tàu du lịch cỡ lớn vào Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung.

Tại buổi làm việc, về phía Tập đoàn F&B Holdings có ông Y.K.Won – Chủ tịch Tập đoàn, ông Chris Lee – Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn và Bà Heidie Kim – Giám đốc Điều hành Tập đoàn. Được biết, Tập đoàn F&B Holdings có trụ sở tại Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và phân phối thực phẩm.

Theo đó, Ông Y.K.Won đã thông tin tới lãnh đạo Công ty CP Cảng Đà Nẵng về việc Tập đoàn F&B Holdings được sự hậu thuẫn, cam kết hỗ trợ tối đa của Hiệp hội Tàu biển Hoa Kỳ và đặc biệt là sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc trong việc tìm kiếm vị trí phù hợp, đối tác phù hợp để xây dựng Cảng du lịch tại miền Trung Việt Nam.

Lãnh đạo Cảng Đà Nẵng và đoàn lãnh đạo Tập đoàn F&B Holdings trao đổi về khả năng Hợp tác, phát triển Cảng Du lịch.  
Lãnh đạo Cảng Đà Nẵng và đoàn lãnh đạo Tập đoàn F&B Holdings trao đổi về khả năng Hợp tác, phát triển Cảng Du lịch.  

Ông Y.K.Won và đoàn thể hiện mong muốn sớm có kế hoạch liên kết cùng Cảng Đà Nẵng để cùng là đối tác, tham gia xây dựng và đầu tư một số hạng mục tại Cảng Đà Nẵng, trong đó chú trọng xây dựng Cảng biển Du lịch đưa các Tàu du lịch cỡ lớn vào Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung.

F&B Holdings cũng cho biết, trong kế hoạch xây dựng cảng biển du lịch mà tập đoàn này mong muốn liên kết với Công ty CP Cảng Đà Nẵng thực hiện bao gồm cả việc xây dựng và phát triển cảng các chuỗi bán hàng, khách sạn, các khu vui chơi giải trí, dịch vụ hải quan, cung cấp nhiên liệu, nguyên vật liệu phục vụ ăn uống, giải trí…

Còn về phía Cảng Đà Nẵng, tại buổi làm việc, ông Lê Quảng Đức đại diện Lãnh đạo Cảng đã giới thiệu khái lược tình hình hoạt động và phát triển của Cảng các năm qua. Trước sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng các chỉ số sản xuất kinh doanh của Cảng Đà Nẵng vẫn tăng trưởng vượt trội. Tốc độ tăng trưởng hàng hóa trong các năm qua đạt mức 15%, sản lượng hàng container chiếm hơn 60% cơ cấu tỷ trọng, với tốc độ tăng trưởng hàng container bình quân 22%/năm.

Trước đó, Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa tin, theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, Cảng biển Đà Nẵng được quy hoạch trở thành cảng biển loại đặc biệt.

Trong đó Liên Chiểu là khu bến chính (tổng diện tích quy hoạch 450ha) đóng vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế khu vực miền Trung, gồm các bến container, bến tổng hợp, hàng rời, bến cảng hàng lỏng/khí, các bến công vụ, sà lan; có khả năng tiếp nhận tàu 100.000DWT và lớn hơn. Khu bến Tiên Sa tiếp nhận tàu 50.000DWT và tàu khách quốc tế; sau năm 2030 sẽ từng bước chuyển đổi công năng thành bến cảng du lịch phù hợp với tiến trình đầu tư khai thác khu bến Liên Chiểu.

Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng mong muốn các cơ quan chức năng chấp thuận cho công ty đầu tư vào cảng Liên Chiểu để dần dịch chuyển cảng hàng hóa từ cảng Tiên Sa về cảng Liên Chiểu. Đồng thời, sớm chuyển đổi để đưa cảng Tiên Sa trở thành cảng biển du lịch quy mô lớn của TP. Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung.

Chiều 30/06, UBND thành phố Đà Nẵng cũng có buổi tiếp xúc, làm việc với Tập đoàn ParkCity Property Holdings (Malaysia). Chủ tịch tập đoàn ông Datuk Seri Yaw Chee Siew cho biết đang tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản, xây dựng hạ tầng tại Đà Nẵng và mong muốn lãnh đạo thành phố tạo điều kiện.

Tập đoàn ParkCity Property Holdings có trụ sở tại Malaysia và đầu tư tại nhiều nước, nhiều khu vực trong lĩnh vực phát triển bất động sản, dịch vụ thương mại, giáo dục, khách sạn nghỉ dưỡng… Ngoài ra, tập đoàn này còn phát triển kinh tế lâm nghiệp, đầu tư xây dựng hạ tầng, đường phố, các nhà máy sản xuất nước sạch, xử lý nước thải, phân phối xe hơi.

Ông Datuk Seri Yaw Chee Siew – Chủ tịch Tập đoàn ParkCity Property Holdings chia sẻ, buổi gặp gỡ là cơ hội để tập đoàn nắm bắt thêm thông tin về xúc tiến đầu tư, thương mại. Ngay khi tới Đà Nẵng, ParkCity đã thực hiện khảo sát các địa điểm đầu tư trên địa bàn thành phố và nhận thấy nơi đây có nhiều tiềm năng.

Thanh Xuân

Theo Kinh doanh & Phát triển