Đảm bảo nguồn thu ngân sách bền vững thông qua đấu giá đất
Đấu giá quyền sử dụng đất là một trong những giải pháp để tăng nguồn thu ngân sách nhà nước nhằm đầu tư phát triển hạ tầng địa phương. Tuy nhiên, trước những diễn biến bất thường trong đấu giá đất thời gian vừa qua có thể ảnh hưởng đến thu ngân sách lâu dài.
Tăng thu ngân sách từ đấu giá đất
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, thu ngân sách 5 tháng đầu năm của cả nước 898.000 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ 2023, riêng khoản thu từ nhà, đất đạt 90.600 tỷ đồng, tăng tới 78,2% so với cùng kỳ năm trước. Số thu nhà đất tăng do địa phương tổ chức tốt công tác đấu giá đất, giao đất cho các dự án từ cuối năm 2023 phát sinh số nộp tiền sử dụng đất đầu năm nay. Một số địa phương phát sinh thu tiền thuê đất một lần của dự án.
Những năm gần đây, số thu từ nhà đất liên tục tăng cao. Năm 2013, số thu từ nhà đất là gần 63.700 tỷ đồng, năm 2022, số thu này tăng khoảng 4 lần. Năm 2023, do thị trường bất động sản trầm lắng nên thu ngân sách từ nhà đất giảm so với năm 2022.
Thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất là một trong những nguồn thu quan trọng của ngân sách nhà nước. Do đó, nhiều địa phương đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất để tăng thu cho ngân sách.
Tại Hà Nội, theo UBND TP Hà Nội, năm 2024, thành phố được giao 408.547 tỷ đồng dự toán thu ngân sách nhà nước, trong đó, thu nội địa là 378.530 tỷ đồng.
UBND TP Hà Nội cũng xác định, nguồn thu từ đất là nguồn lực chính đầu tư của các quận, huyện, thị xã. Do đó, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị để tổng hợp số liệu liên quan đến khả năng đấu thầu, đấu giá của 30 quận, huyện, thị xã từ nguồn thu từ đất…
Đáng chú ý, để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội, UBND TP Hà Nội đã tăng thêm quyền cho UBND cấp huyện được quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất, quyết định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất.
Chính vì vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều địa phương trên địa bàn Thủ đô đã thực hiện đấu giá đất. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng giá đất đấu giá thành công cao bất thường, cao hơn giá khởi điểm tới cả chục lần.
Cụ thể, ngày 10/8, UBND huyện Thanh Oai tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với 68 thửa đất tại khu ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao. Các thửa đất có diện tích từ 60 - 85m2/thửa với giá khởi điểm từ 8,6 - 12,5 triệu đồng/m2.
Đến chiều 10/8, buổi đấu giá kết thúc. Kết quả nhiều ô đất đã tăng gần chục tỷ đồng so với giá khởi điểm. Đơn cử như ô LK01-4, diện tích 85m2, có giá khởi điểm 11.247.000 đồng/m2, tổng giá trị khởi điểm ô đất là 955.955.000 đồng. Kết thúc đấu giá, lô đất này được trả giá 84.747.000 đồng/m2, thành tiền tổng lô đất là 7,2 tỷ đồng (tăng hơn 6 tỷ đồng/lô). Bảng tổng hợp cho thấy, có khoảng 15 lô ở vị trí đẹp giá khởi điểm từ 955 triệu đồng/lô được giao dịch mức hơn 7 tỷ đồng/lô.
Tiếp đó, sáng ngày 19/8, huyện Hoài Đức (Hà Nội) tổ chức đấu giá quyền sử dụng 19 thửa đất tại khu LK04, thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên. Diện tích của các thửa đất đưa ra đấu giá dao động khoảng 74m2 đến 118m2. Giá khởi điểm đấu giá là 7,3 triệu đồng/m2. Phiên đấu giá đã không thể kết thúc trong ngày mà kéo dài xuyên đêm. Nhiều lô có giá đấu trúng gấp 10 lần giá khởi điểm, thậm chí có lô mức giá lên tới 133,3 triệu đồng/m2, cao gấp gần 18 lần so với giá khởi điểm.
Ngăn chặn lũng đoạn thị trường, bảo đảm nguồn thu bền vững
Đấu giá quyền sử dụng đất là một trong những giải pháp để có nguồn đầu tư phát triển hạ tầng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, việc này cũng góp phần phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, thúc đẩy sớm hình thành các khu đô thị, nhà ở theo quy hoạch. Tuy nhiên, việc đấu giá đất bất thường, cao hơn nhiều so với giá khởi điểm, phản ánh không đúng giá trị thực của đất có thể tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản, cũng như nguồn thu ngân sách nhà nước về lâu dài.
Ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín cho rằng, trong ngắn hạn, việc các phiên đấu giá có được mức giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm sẽ giúp tăng thu ngân sách nhà nước. Bởi giá càng cao và thì ngân sách càng tăng, góp phần vào việc đầu tư, sửa chữa cơ sở hạ tầng địa phương.
Nhưng vấn đề đặt ra là giá tăng như vậy có phù hợp với thực tế hay không? Kết quả giá cao như vậy có thể làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai các dự án đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bởi nó sẽ khiến cho chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng trở nên đắt đỏ hơn; tạo ra xu hướng đầu cơ đất đai, gây lãng phí trong xã hội và về lâu dài dòng tiền trong bất động sản đó không giao dịch được và từ đó ảnh hưởng tới nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Để có nguồn thu từ đất bền vững, theo ông Nguyễn Văn Được cần phải có giải pháp đồng bộ. Đó là giá đất đưa ra đấu giá phải phù hợp với thực tế, phản ánh đúng giá thị trường mới hỗ trợ được thị trường bất động sản bền vững, nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài. Cùng với đó, phải xây dựng khung pháp lý, cơ chế đấu giá đất rõ ràng, công bằng.
Các cơ quan chức năng cần phối hợp điều tra xác minh xem có hay không việc lũng đoạn thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Ngoài ra, cần tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân về các thông tin tài sản đấu giá, giá khởi điểm, hình thức, phương án đấu giá... theo đúng quy định.
“Hậu quả từ vụ Tân Hoàng Minh, khiến cho các lô đất xung quanh tăng giá, thị trường bất động sản đóng băng, nhà nước sẽ không có nguồn thu. Vì vậy cơ quan nhà nước cần phải có biện pháp mạnh tay hơn, góp phần lành mạnh hóa việc đấu giá đất”, ông Được nhấn mạnh.
Để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2024, ngành Thuế cũng đã đề nghị các tỉnh, đẩy nhanh tiến độ thu tiền sử dụng đất, phấn đấu đến 31/12/2024 hoàn thành chỉ tiêu thu tiền sử dụng đất, tạo nguồn lực cho đầu tư, phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn tăng thu bền vững cho ngân sách nhà nước.
Tính đến cuối tháng 6/2024, thu tiền sử dụng đất cả nước mới đạt 39% dự toán. Bên cạnh một số địa phương có tiến độ thu tiền sử dụng đất đạt khá như: Hải Phòng, Hải Dương, Hoà Bình, Long An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh,... thì còn nhiều địa phương tiến độ thu chậm.
Để phấn đấu hoàn thành dự toán thu tiền sử dụng đất, trong những tháng cuối năm, Tổng cục thuế yêu cầu các địa phương cần đẩy mạnh rà soát lại các dự án còn chưa thực hiện hoặc chậm tiến độ, các dự án còn vướng mắc về chính sách, về giá, phối hợp với các sở, ban ngành trên địa bàn tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố khẩn trương tháo gỡ khó khăn, kịp thời đấu giá đất, xác định giá để giao đất cho các dự án, phấn đấu hoàn thành dự toán thu tiền sử dụng đất năm 2024, đồng thời kiến nghị với UBND tỉnh/TP kiên quyết áp dụng các chế tài xử lý theo quy định đối với các dự án cố tình chây ỳ, chậm tiến độ, không triển khai,...
Tại Công điện ngày 21/8, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý và đề xuất phương án xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng gây nhiễu loạn thị trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 8 năm 2024.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đánh giá cụ thể các tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, nhất là các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường (cung, cầu) nhà ở, bất động sản, chủ động điều tiết, giải quyết theo thẩm quyền và có giải pháp xử lý hiệu quả hoặc đề xuất các giải pháp hạn chế các tác động tiêu cực (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Các cơ quan chức năng chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền sử dụng đất nhất là các hành vi cấu kết thao túng thị trường, thổi giá để tạo ra thị trường không lành mạnh, không đúng thực tế để trục lợi.