Đánh rơi thị phần, lãi quý III của VNDIRECT vơi bớt 20%
Quý III/2024, VNDIRECT đã bị đá khỏi top 5 thị phần môi giới khi chỉ còn nắm 5,7% - mức thấp nhất trong vòng 8 năm trở lại đây
Mới đây, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT (HoSE: VND) đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2024 với nhiều điểm đáng chú ý.
Cụ thể, tổng doanh thu hoạt động của công ty đạt 1.270 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng lưu ý, cả ba mảng kinh doanh chính gồm tự doanh, môi giới và cho vay ký quỹ đều giảm mạnh.
Theo báo cáo, hoạt động tự doanh (FVTPL) của VNDIRECT mang về 678 tỷ đồng, giảm 27% so với quý 3/2023. Mảng cho vay ký quỹ ghi nhận 313 tỷ đồng, giảm 13%, trong khi doanh thu từ môi giới chứng khoán giảm tới 44%, chỉ đạt 168 tỷ đồng.
Trong kỳ, VNDIRECT không phải trích lập dự phòng cho tài sản tài chính, thậm chí, công ty còn ghi nhận gần 85 tỷ đồng từ danh mục này. Bên cạnh đó, các khoản chi phí trong quý đều ghi nhận mức giảm như: lỗ từ hoạt động tự doanh (FVTPL) ghi nhận 260 tỷ đồng (giảm 8%); chi phí môi giới chứng khoán đạt 109 tỷ đồng (giảm 40%)...
Nhờ vậy, chi phí hoạt động của công ty "co" lại đáng kể, giảm 27% so với cùng kỳ, chỉ xuống còn 379 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí tài chính của VNDIRECT cũng giảm 53%, ghi nhận ở mức 178 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ các khoản chi phí và thuế, VNDIRECT báo lãi ròng 505 tỷ đồng, giảm 21% so với quý III/2023.
Một trong những nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của VNDIRECT kém khả quan là do công ty tiếp tục mất thị phần môi giới vào tay các đối thủ. Từ mức đỉnh 8,01% thị phần trong quý III/2023, đến quý III/2024, VNDIRECT chỉ còn 5,7% thị phần, mức thấp nhất trong vòng 8 năm trở lại đây, và rớt xuống vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng
Đây là hệ quả sau khi VNDIRECT quyết định không tham gia vào cuộc đua cạnh tranh phí môi giới mà tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ để giữ chân khách hàng. Trong năm 2023, VNDIRECT đã cắt giảm gần 400 nhân sự, ưu tiên cải thiện chất lượng đội ngũ môi giới hơn là tăng số lượng. Trong khi đó, các đối thủ như VPS và SSI lại chọn chiến lược chấp nhận hy sinh lợi nhuận từ môi giới để duy trì và mở rộng thị phần, thông qua việc áp dụng ưu đãi phí giao dịch và trả hoa hồng cao cho nhân viên.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu của công ty đạt 4.113 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.467 tỷ đồng, tăng 22,6% so với 9 tháng đầu năm 2023.
So với mục tiêu mang về 2.020 tỷ đồng tiền lãi sau thuế, VNDIRECT đã hoàn thành 72,6% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Tại thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản của VNDIRECT đạt 43.296 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Danh mục tự doanh (FVTPL) chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản, với giá trị 24.437 tỷ đồng, tăng 46% so với đầu năm. Tiếp theo là các khoản cho vay ký quỹ, đạt 10.859 tỷ đồng, tăng nhẹ 6%.
Đáng chú ý, trong danh mục tự doanh của VNDIRECT, các khoản đầu tư vào trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi chiếm tỷ trọng lớn, lần lượt đạt 13.129 tỷ đồng và 7.949 tỷ đồng.
Như vậy, từ đầu năm 2024, VNDIRECT đã đầu tư thêm gần 5.000 tỷ đồng vào trái phiếu. Tuy nhiên, lãi từ hoạt động trái phiếu lại giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, lãi từ việc bán trái phiếu niêm yết và chưa niêm yết, cùng với chứng chỉ tiền gửi chỉ đạt 981 tỷ đồng, giảm 26%, trong khi lỗ từ việc bán trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi là 146 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty còn có khoản đầu tư 1.588 tỷ đồng vào cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết, với các khoản lỗ tại VPB (-3%) và lãi tại HSG (+15%). Đối với danh mục cổ phiếu và chứng chỉ quỹ chưa niêm yết, tổng giá trị đầu tư đạt 1.718 tỷ đồng, trong đó lỗ lớn nhất thuộc về C4G (-11%) và LTG (-55%).
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VND đang diễn biến không mấy tích cực. Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/10, mã này giảm xuống còn 14.700 đồng/cp, giảm 21,4% từ đầu năm, đi ngược với xu hướng chung của thị trường. Từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index đã tăng 13,7% và nhóm ngành chứng khoán tăng 5%.