Đất Cần Giờ “sốt nóng”, đầu tư cẩn trọng tránh nhận “trái đắng”

Còn nhớ, cách đây 3 năm, khi TP Hồ Chí Minh có thông tin các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn… sắp được quy hoạch lên quận, thị trường bất động sản nơi đây lên cơn sốt nóng hầm hập. Thời gian qua đến lượt huyện Cần Giờ trở thành tâm điểm trước thông tin quy hoạch 1/500 khu đô thị lấn biển Cần Giờ được thông qua cùng với đó là thông tin đề xuất xây sân bay nhỏ ở huyện này.

Đất Cần Giờ “sốt nóng”, đầu tư cẩn trọng tránh nhận “trái đắng” - Ảnh 1

Giá nhà đất tăng phi mã

Giá đất Cần Giờ từng tăng “nóng” nhất vào giai đoạn 2018 đến 2019. Còn nhớ, đầu năm 2018, giới đầu cơ, đầu tư bất động sản đã đổ xô về Cần Giờ gom đất, khiến nơi này trở thành “điểm nóng” trên thị trường địa ốc TP Hồ Chí Minh. Thời điểm đó, giá đất tại 3 khu vực sầm uất của huyện Cần Giờ là Bình Khánh, Cần Thạnh và Long Hòa có mức tăng 200 – 300%, so với thời điểm trước đó.

Nhớ lại câu chuyện của 3 năm về trước, một nhà đầu tư đến từ quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, đầu năm 2017, anh có vay ngân hàng 3 tỷ đồng để mua 2 lô đất có diện tích 100 m2 tại huyện Bình Chánh, khi thấy thông tin nơi này sắp quy hoạch lên quận, không ngờ việc mua được mấy lô đất này chỉ là khởi đầu cho những tháng ngày “đoạn trường” của anh.

“Trong suốt 3 năm qua, từ mức 40 triệu đồng/m2 trong giai đoạn 2017 đến cuối năm 2019, rồi xuống 35 triệu đồng/m2 vào năm 2020, trước khi về mức khoảng 32 triệu đồng/m2 như hiện tại, tôi đã rao rất nhiều lần với hy vọng sẽ thu hồi được vốn, nhưng vẫn chưa bán được”, anh chia sẻ thêm, nếu bây giờ bán lô đất với giá 30 triệu đồng/m2 thì sẽ lỗ khoảng 800 – 900 triệu đồng, bởi với khoản vay 3 tỷ đồng, hàng tháng anh phải trả lãi ngân hàng hơn 30 triệu đồng, tổng số tiền lãi và gốc phải trả trong 2 năm qua là hơn 800 triệu đồng.

Bước sang năm 2020, Cần Giờ bớt “sốt” hơn khi giá đất không còn tăng nóng nhưng cũng luôn duy trì ở mức khá cao. Khảo sát của một số sàn nhà đất cho thấy, khu thị trấn Cần Thạnh giá đất được chào bán ở mức từ 6,8 – 22 triệu đồng/m2 tùy vị trí, tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2019. Hay như tại xã Long Hòa, đất nền có giá giao dịch dao động 3,5 – 11 triệu đồng/m2, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện tại, TP Hồ Chí Minh chính thức phê duyệt quy hoạch Khu đô thị lấn biển Cần Giờ khiến thị trường BĐS Cần Giờ tiếp tục có dấu hiệu “nóng” lên, càng thu hút hơn khi mới đây Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đề xuất bổ sung sân bay cỡ nhỏ tại Cần Giờ vào Đồ án quy hoạch mạng lưới sân bay vùng TP Hồ Chí Minh, khiến giá nhà đất tiếp tục có xu hướng tăng, thậm chí có khu vực…”nóng sốt”.

Giá đất Cần Giờ ngày càng sốt nóng.  
Giá đất Cần Giờ ngày càng sốt nóng.  

Một môi giới nhà đất cho biết, đất Cần Giờ giờ đã “nóng ran” và chưa có dấu hiệu dừng lại, đặc biệt là đất ở xã Bình Khánh. Đơn cử, giá mặt tiền đường Rừng Sác (xã Bình Khánh), đoạn cách bến phà khoảng 2 km, có giá từ 60 – 70 triệu đồng/m2. Các tuyến đường nhỏ hơn khu vực này, giá đất cũng dao động trong khoảng 25 – 30 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền đường Tắc Xuất, Cần Thạnh – nối từ phà Vũng Tàu ra biển, giá đất được giao dịch khoảng 45 – 50 triệu đồng/m2, tăng 70 – 80% so với cùng kỳ.

Hay một lô đất ở đường Thạnh Thới, được giới thiệu gần trung tâm khu đô thị lấn biển Cần Giờ, được chào bán với giá 40 triệu đồng/m2; hoặc một lô đất khác 600m2 ở mặt tiền đường Thạnh Thới, xã Long Hòa được rao bán với giá 33 triệu đồng/m2.

Cẩn trọng trước khi “xuống tiền”

Bàn về việc “sốt đất” ở huyện Cần Giờ, các chuyên gia cho rằng, đầu tiên là do thông tin TP Hồ Chí Minh có phương án xây cầu nối huyện đảo này về khu trung tâm nội đô. Kế đến, việc một tập đoàn BĐS lớn nhất Việt Nam có thông tin chính thức trở thành chủ đầu tư dự án lấn biển ở huyện đảo này cũng đã “thổi” sức nóng vào giá đất quanh đây. Thêm nữa, tác động của cơn sốt đất đang diễn ra ở nhiều địa phương trong nước khiến cho “nước chảy về chỗ trũng”, một huyện đảo heo hút có giá đất “bèo” nhất tại TP Hồ Chí Minh như Cần Giờ khó có thể nằm ngoài vòng xoáy tăng giá đất.

Ông Nguyễn Hoàng – Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Thị trường DKRA Việt Nam cho rằng “Mỗi khi xuất hiện thông tin khu vực nào được nâng cấp lên quận hay có thông tin về các dự án lớn, giá đất tại khu vực đó lại nóng sốt, gây bất ổn cho thị trường nhà đất nói riêng và thị trường BĐS nói chung. Do đó, chính quyền địa phương cần phải có ngay các giải pháp minh bạch thông tin về quy hoạch, lộ trình đầu tư kết cấu hạ tầng để nhà đầu tư, người dân biết, tránh chạy theo tâm lý đám đông, rất dễ rơi vào vòng xoáy làm giá của các “cò” đất”.

Ông Nguyễn Hoàng Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Thị trường DKRA Việt Nam.  
Ông Nguyễn Hoàng Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Thị trường DKRA Việt Nam.  

Còn theo ông Cao Hữu Phi – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng địa ốc COPiHOME cho biết, hiện tại, hầu hết nhà đầu tư “đổ tiền” về đây đều với mục đích đón đầu quy hoạch. Chỉ cần hoàn thiện về hạ tầng, đặc biệt là khi dự án cầu Cần Giờ hoàn tất, thì hàng loạt dự án lớn sẽ đổ bộ và đánh thức thị trường nơi đây.

“Cần Giờ hiện mới có dự án Bến phà Cần Giờ – Vũng Tàu được đưa vào sử dụng, dự án nâng cấp tuyến đường Rừng Sác với tổng số vốn hơn 2.000 tỷ đồng chưa hoàn thiện, còn kế hoạch xây dựng cầu Cần Giờ cũng chưa triển khai. Bởi vậy, thời điểm này không phù hợp cho những nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn”, ông Phi phân tích.

Cùng bàn luận về vấn đề có nên đầu tư đất tại Cần Giờ thời điểm này, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho hay “Nếu nhà đầu tư muốn tham gia đầu tư BĐS Cần Giờ, mặc dù có thông tin rất tốt về việc Vingroup đầu tư Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, nhưng nhà đầu tư cũng cân nhắc khi nào nhà đầu tư bắt tay làm, khi nào công trình đưa vào hoạt động, sau đó mới biết được có nên đầu tư hay không, chứ không nên nghe người này người kia đầu tư mà cũng đầu tư theo, rất rủi ro”.

Quang Anh

Theo Kinh doanh & Phát triển