'Đất vàng đất bạc rơi vào tay doanh nghiệp bạch tuộc'

Đại biểu Quốc hội đề nghị kiểm tra nhiều khu đất vàng được giao cho doanh nghiệp rồi biến thành dự án treo khiến người dân "đi không được, ở chẳng xong".

Thảo luận về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại Hội trường Quốc hội sáng nay (25/5), ông Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đề nghị Chính phủ "huy động tổng lực kiểm tra đất đai, giải quyết khiếu nại, bức xúc của dân liên quan tới đất đai".

"Dân bất bình, thậm chí phẫn nộ khi nguồn lực cực lớn của đất nước từ đất đai, đất vàng, đất bạc rơi vào tay các doanh nghiệp bạch tuộc, không đầu tư sản xuất mà chăm chăm vào sang nhượng dự án, phân lô bán nền làm thất thu ngân sách", ông Vượt nói. 

Vị đại biểu tỉnh Gia Lai nêu thực trạng, nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu là sân sau của một số quan chức, tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, mục đích sử dụng đất vì lợi ích nhóm. Có thực trạng tồn tại nhiều quy hoạch treo gây tốn kém, lãng phí, khốn đốn cho người dân vùng quy hoạch.

"Cử tri mong muốn có sự vào cuộc của cơ quan chức năng Trung ương để giải quyết đến nơi đến chốn, không dây mơ rễ má, liên quan tới ‘hậu duệ’, ‘đồ đệ’, lợi ích nhóm", đại biểu Vượt dứt khoát.

Cùng mạch suy nghĩ này, ông Nguyễn Thanh Quang - Trưởng đoàn đại biểu Đà Nẵng cho biết, năm 2012 Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra sai phạm về quy hoạch, quản lý đất đai tại Đà Nẵng và yêu cầu thu hồi số tiền 10% sử dụng đất, điều chỉnh lại thời hạn giao đất từ lâu dài thành 50 năm. Điều này ảnh hưởng lớn đến sản xuất trên địa bàn thành phố.

Khẳng định "ai sai thì chịu trách nhiệm", ông Vượt nói, sai ở đây là chính quyền, còn người dân và doanh nghiệp đã làm đúng theo quy định của chính quyền.

Vị đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, có cơ chế xử lý theo hướng chấp nhận cho người dân và doanh nghiệp không phải nộp thêm 10% tiền sử dụng đất và không rút ngắn thời hạn sử dụng đất còn 50 năm.

Tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An trăn trở trước tình trạng đất giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhưng lại biến thành dự án treo đang xảy ra nhiều nơi, gây lãng phí.

"Họ chọn đất vàng, rồi đầu cơ chỉ đem lại lợi ích cho cá nhân, còn Nhà nước thất thoát lớn", ông Cầu nói.

Theo đại biểu Nghệ An, tình trạng quản lý yếu kém, gây thất thoát lãng phí như 12 đại dự án là một ví dụ nhãn tiền. Gần đây thì xuất hiện thêm những vấn đề xung quanh các dự án BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp, cá biệt như dự án nạo vét xây kè sông Sào Khê ở Ninh Bình được điều chỉnh tăng 36 lần, từ 72 tỷ lên 2.595 tỷ đồng...

Theo Bảo Hà - Nguyễn Hoài/Vnexpress