Đầu tư đất nền, “sập bẫy” của rẻ

Dù được đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn, khả năng sinh lời cao, nhưng nếu ham của rẻ mà không tìm hiểu kỹ thông tin thì nhà đầu tư rất dễ “sập bẫy”.

Đủ chiêu để câu khách

Đất nền đang được ví là kênh đầu tư không đối thủ trên thị trường bất động sản vì tỷ suất sinh lời vượt trội so với các phân khúc còn lại. Tuy nhiên, cũng đã có không ít nhà đầu tư “sập bẫy” khi vội vàng đầu tư mà không tìm hiểu rõ thông tin. Những chiêu lừa bán đất nền hiện nay tuy không mới nhưng ngày càng tinh vi.

Đơn cử, trong "cơn sốt" đất Phú Quốc vừa qua, phong trào phân lô bán nền trên đất nông nghiệp diễn ra khá rầm rộ. Trong đó, có hiện tượng mua gom đất nông nghiệp rồi xin thủ tục tách sổ đỏ ra từng thửa nhỏ quy mô 100-150 m2 sau đó tự đặt ra tên dự án này dự án kia để rao bán với giá đất ở, thậm chí sẵn sàng làm giả giấy tờ của cơ quan chức năng để lừa gạt khách hàng.

Nổi cộm là câu chuyện lừa gạt khách hàng xảy ra tại dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng du lịch Phú Quốc Diamond Sea, nằm ngay sát bờ biển, trên tuyến đường phía đông đảo nối từ trung tâm xã Hàm Ninh đến bến tàu Bãi Vòng.

Khu đất này được xẻ đường, phân lô thành từng thửa diện tích 110 - 150 m2 và được rao bán qua một công ty môi giới có địa chỉ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM với giá 7 - 9,5 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Khi khách hàng đặt tiền, mua đất tại dự án này, và trước khi đặt mua, thì đều được nhân viên của công ty môi giới giới thiệu cặn kẽ, cung cấp văn bản photo của Phòng Quản lý đô thị huyện Phú Quốc cung cấp thông tin quy hoạch liên quan khu đất này.

Tuy nhiên, khi đối chiếu giữa văn bản photo với văn bản chính (có dấu đỏ) của Phòng Quản lý đô thị huyện Phú Quốc thì khách hàng mới “ngã ngửa”, vì nội dung đã bị chỉnh sửa.

Cụ thể, nội dung văn bản photo gửi bà Nguyễn Lệ Thúy (chủ khu đất) do công ty môi giới cung cấp là xác nhận khu đất này không thuộc đồ án quy hoạch thuộc khu du lịch Bãi Vòng, không thuộc đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu trung tâm hội nghị, khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng Bãi Vòng, Hàm Ninh... Nhưng trong văn bản gốc do ông Du Việt Thanh, Phó phòng Quản lý đô thị Phú Quốc ký thì xác định khu đất nói trên "thuộc Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500...".

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, chị Hương, một nhà đầu tư chuyên về phân khúc đất nền cho biết, một chiêu bẫy khách hàng khác mà nhiều môi giới đang thực hiện đó là rao một đằng, bán một nẻo. Thậm chí, để tăng tính hấp dẫn cho dự án, nhiều cò đất còn đưa ra hàng loạt tiện ích "bánh vẽ". Đặc biệt, lúc đã dẫn được khách hàng tới coi dự án thì một số công ty sẽ sử dụng chim mồi để “dụ” khách xuống tiền.

Đầu tư đất nền, “sập bẫy” của rẻ - Ảnh 1

 

Nhiều địa phương phải cắm biển cảnh báo người dân

“Khi khách đang coi dự án thì sẽ một người của công ty cũng tới hỏi và quyết định mua lô đất được môi giới giới thiệu là lô đất cuối cùng của dự án. Trong trường hợp khách hàng vẫn phân vân thì sẽ có một chim mồi khác đến và cầm tiền đặt cọc ngay nền đất này. Nếu không vững lòng tin, nhà đầu tư sẽ rất dễ sập bẫy và xuống tiền đặt cọc mua đất với giá cao hơn”, chị Hương nhấn mạnh.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), các thủ đoạn lừa đảo của các doanh nghiệp bất động sản thiếu uy tín là thay đổi tên của dự án, thay đổi tên chủ đầu tư, làm lại quy hoạch 1/500, tăng thêm những tiện ích không có thật… Thậm chí, có những trường hợp doanh nghiệp tự ý thay đổi quy hoạch 1/500, cơ quan chức năng chưa phê duyệt nhưng chủ đầu tư vẫn mang ra rao bán.

Chớ ham của rẻ

Theo các chuyên gia, niềm tin giá đất tăng dần theo thời gian hoặc giữ giá tốt hơn những tài sản khác khiến người Việt luôn ưu tiên loại sản phẩm này, thậm chí họ còn dùng đất nền làm của hồi môn, tích lũy tài sản lâu dài. Tuy nhiên, với những dự án đất nền giá rẻ, thấp hơn giá trung bình trên thị trường hay trong khu vực thì thường tiềm ẩn yếu tố rủi ro pháp lý.

Đơn cử, mới đây, hàng loạt nạn nhân mua đất của Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Angel Lina, đã cầm băng rôn kéo đến trụ sở công ty này tại địa chỉ số 22B Phùng Khắc Khoan, phường ĐaKao, quận 1 (TP.HCM), để tố cáo doanh nghiệp này lừa đảo, không giữ đúng cam kết và đòi lại tiền đã đóng khi mua nền đất do công ty này rao bán trước đó.

Đầu tư đất nền, “sập bẫy” của rẻ - Ảnh 2

4Thông tin dự án giá rẻ được dán tràn lan trên cột điện

Bà Loan, một khách hàng mua nền đất tại dự án Khu dân cư Đỗ Xuân Hợp (phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM), cho biết, từ tháng 4/2018, Công ty Angel Lina đã phân lô 224 nền tại dự án Khu dân cư Đỗ Xuân Hợp với giá bán chỉ từ 1,8 - 2 tỷ đồng/nền.

Khách hàng phải thanh toán 50% giá trị hợp đồng ngay đợt đầu tiên, các đợt tiếp theo là 10%. Công ty này cam kết trong 3 tháng đầu góp vốn sẽ thi công xong hạ tầng, sau 6 tháng sau sẽ giao nền và sau 12 tháng sẽ giao sổ. Nếu vi phạm sẽ trả lại toàn bộ số tiền đã nhận và bồi thường thêm 50%. Tuy nhiên, đến nay, Công ty Angel Lina vẫn không thi công cơ sở hạ tầng, không bàn giao nền và làm sổ.

Theo bà Loan, không chỉ riêng cá nhân bà mà còn hàng trăm khách hàng khác cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Họ đã nhiều lần đến trụ sở của Công ty Angel Lina để yêu cầu doanh nghiệp này giải thích, giao nền đúng tiến độ nhưng phía công ty chần chừ, nhiều lần thoái thác, lảng tránh.

Được biết, Công ty Angle Lina trước đó đã bị UBND phường Linh Trung (Thủ Đức, TP.HCM) điểm tên để cảnh báo cho người dân về những thông tin mà công ty rao bán dự án ảo trên địa bàn.

Cụ thể, theo UBND phường Linh Trung, khu đất mà doanh nghiệp trên đang rao bán tọa lạc tại khu đất trống thuộc tổ 5, khu phố 6, phường Linh Trung. Khu đất này hiện đang nằm trong quy hoạch của dự án làng Đại học Quốc gia TP.HCM và đang chờ giải tỏa, đền bù.

Để ngăn chặn tình trạng nhức nhối kể trên, UBND quận Bình Tân (TP.HCM) cũng đã có thông báo và cảnh báo với người dân về 9 dự án "ma" đang được phân lô trái phép, không phù hợp quy hoạch đồng thời vi phạm các quy định về đất đai, nhà ở, trên địa bàn của quận.

Theo UBND quận Bình Tân, đây là 9 dự án phân lô trái phép, không đảm bảo về cơ sở hạ tầng, không có đường giao thông. Nguy hiểm hơn, các khu đất này đều có quy hoạch là đất trường học, đường giao thông dự phòng, cây xanh, không thể chuyển mục thành đất ở.

Nhìn nhận về vấn đề trên, bà Trần Thùy Linh, lãnh đạo một công ty kinh doanh bất động sản tại quận Thủ Đức cho biết, do sự khan hiếm nguồn cung đất nền mà nhiều khách hàng chủ quan, chạy theo lời giới thiệu hoa mĩ của môi giới, thiếu cảnh giác trong giao dịch nhà đất.

Những thông tin rao bán đất nền giá mềm kèm theo những lời cam kết như sẽ ra sổ được sau một thời gian, có đường dây hỗ trợ pháp lý an toàn nên ra sổ chỉ là chuyện sớm muộn, mua đất chưa xong pháp lý giá sẽ rẻ, sau ra hàng lời càng cao… đã chiêu dụ không biết bao nhiêu nhà đầu tư mắc bẫy.

“Để không mắc lừa mua dự án mập mờ, khi giao dịch, khách hàng cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp pháp lý toàn khu đất, pháp lý từng lô hoặc giấy nhận hồ sơ, giấy hẹn trả kết quả của cơ quan chức năng theo nội dung chấp thuận cho phân lô và thời hạn nhận sổ từng lô. Chỉ nên mua khi lô đất đã đầy đủ pháp lý, với các trường hợp còn lại cần hết sức cảnh giác”, bà Linh nói.

Vị trí của 9 lô đất bị lập dự án "ma" tại quận Bình Tân gồm: Khu đất thuộc thửa 517 gần hẻm 480 đường Mã Lò, phường Bình Hưng Hòa A, thuộc quy hoạch trường học; Khu đất mặt tiền đường số 7, phường Bình Hưng Hòa B, thuộc quy hoạch cây xanh và đường dự phòng; Khu đất tại hẻm 428 đường quốc lộ 1A, khu phố 3, phường Bình Hưng Hòa B, thuộc quy hoạch cây xanh; Khu đất mặt tiền đường Liên khu 5-6, phường Bình Hưng Hòa B, thuộc quy hoạch đất giáo dục; Khu đất tại cuối hẻm 131/6/1 đường Tây Lân, phường Tân Tạo; Khu đất thuộc các thửa 149, 150, 151, 153, 155, 156, 157, 158, 162, 163 phường Tân Tạo; Khu đất thuộc tại góc ngã tư đường Trần Văn Giàu và đường Võ Trần Chí, phường Tân Tạo A; Khu đất tại cuối hẻm 26/19 đường Lâm Hoành, phường An Lạc; Khu đất mặt tiền đường Hương Lộ 2, phường Bình Trị Đông A.

Theo Việt Dũng/ Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan