'Đế chế' đa ngành VNGroup của ông Vũ Văn Thành đang làm ăn ra sao?

Từ nền tảng hoạt động trong ngành luật, Công ty cổ phần Tập đoàn VNGroup dần lấn sân sang mảng bất động sản và trở thành một cái tên đáng chú ý trong lĩnh vực này với nhiều dự án nổi tiếng. Dẫu vậy, khối nợ đang dần một phình to là điểm đáng quan ngại với sự phát triển của doanh nghiệp này.

Ông Vũ Văn Thành và cơ đồ VNGroup.
Ông Vũ Văn Thành và cơ đồ VNGroup.

Cơ đồ của ông Vũ Văn Thành

Công ty cổ phần Tập đoàn VNGroup tiền thân là Công ty cổ phần Luật Việt, thành lập tháng 11/2003 tại Hà Nội. Tại thời điểm mới thành lập, công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn Luật Năm 2009, công ty thành lập 2 đơn vị thành viên đó là Văn phòng luật sư Luật Việt và Công ty TNHH Thẩm đinh giá Luật Việt.

Đến năm 2014, Công ty cổ phần Luật Việt đổi tên thành Công ty cổ phần bất động sản VNG Việt Nam. Đơn vị thành viên đổi thành văn phòng Luật sư VNG và Công ty TNHH Thẩm định giá VNG Việt Nam. Cùng năm, công ty tiếp tục thành lập văn phòng đại diện tại Sơn La, Hải Phòng, Hưng Yên, Thanh Hóa.

Đến năm 2015, tiếp tục mở rộng việc phát triển các dịch vụ bằng việc cho ra đời Công ty cổ phần truyền thông VNG Việt Nam và thành lập chi nhánh Đà Nẵng và văn phòng đại diện TP. HCM. Năm 2018, Công ty cổ phần bất động sản VNG Việt Nam đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn VNGroup.

Công ty cổ phần Tập đoàn VNGroup có trụ sở tại tầng 5, tòa nhà Diamond Flower Tower, Hoàng Đạo Thúy, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội. Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này là ông Vũ Văn Thành. Ông Thành đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của VNGroup.

Từ nền tảng hoạt động trong ngành luật, VNGroup dần chuyển mình với thế mạnh trong lĩnh vực bất động sản. Bên cạnh vai trò là đơn vị phân phối nhiều dự án lớn, VNGroup còn trực tiếp đầu tư và phát triển một số dự án bất động sản nghỉ dưỡng như Goldsand Hill Villa, Ecocharm Đà Nẵng, Cocobay Đà Nẵng, Sapa Jade Hill, Hoian d'Or, khu nghỉ dưỡng Cẩm An - Hội An...

Trên chặng đường lập nghiệp, ông Vũ Văn Thành đã khởi nghiệp từ một văn phòng tư vấn luật, sau đó ông Thành mở văn phòng môi giới bất động sản và dần trở thành chủ đầu tư của nhiều dự án.

Khối nợ phình to của VNGroup

Theo dữ liệu mà VietnamFinance có được, trong 3 năm gần đây, tài sản của VNGroup được bồi đắp một cách đầy ấn tượng. Cụ thể, từ mức 372,7 tỷ đồng vào năm 2020, tổng cộng tài sản của doanh nghiệp này đã cán mốc 1.005 tỷ đồng vào năm 2021 và tiếp tục tăng lên 1.348,6 tỷ đồng vào năm 2022.

Trong khi tài sản ngắn hạn có chiều hướng giảm (từ 359 tỷ xống còn 215 tỷ), thì tài sản dài hạn của VNGroup gia tăng rất mạnh và chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp này, đặc biệt là trong 2 năm gần nhất. Trong đó, đáng chú ý nhất là các khoản đầu tư tài chính dài hạn.

Trong 2 năm qua, VNGroup đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết và các đơn vị khác. Cụ thể, khoản tiền này vào năm 2021 là 664,7 tỷ đồng, rồi tăng lên 1.029 tỷ đồng vào năm 2022. Cấu trúc này cho thấy dường như ông Vũ Văn Thành đang chuyển hướng công ty trở thành doanh nghiệp đầu tư.

Về nguồn vốn, trong khi vốn chủ sở hữu được cố định ở mức loanh quanh 500 tỷ đồng thì nợ phải trả của VNGroup lại có chiều hướng tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua.

Cụ thể, từ mức 72,4 tỷ đồng vào năm 2020, nợ phải trả của VNGroup đã tăng mạnh lên 502,1 tỷ đồng vào năm 2021 (chiếm gần 50% nguồn vốn). Tính đến ngày 31/12/2022, nợ phải trả của VNGroup đạt mức 842,6 tỷ đồng, tăng gần 12 lần so với năm 2021 và chiếm 62,5% nguồn vốn của doanh nghiệp này.

Phần lớn số nợ của VNGroup là nợ dài hạn, trong đó các khoản phải trả dài hạn và nợ vay dài hạn. Trong đó, nợ vay dài hạn tăng từ 283,5 tỷ đồng vào năm 2021 lên mức 362 tỷ đồng vào năm 2022. Cũng trong năm 2022, các khoản phải trả dài hạn của VNGroup cũng cán mốc hơn 434 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, giai đoạn 2020-2022 chứng kiến sự thăng giáng về doanh thu của VNGroup. Cụ thể, năm 2020, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt mức 36 tỷ đồng, rồi giảm xuống còn 30,9 tỷ đồng vào năm 2021. Đến năm 2022, doanh thu thuần của VNGroup lại tăng vọt lên 40,1 tỷ đồng, với mức tăng đạt 30%.

Khoản đầu tư tài chính dài hạn vào các đơn vị khác như đã đề cập ở trên cũng mang về hàng chục tỷ đồng doanh thu cho VNGroup, với con số cụ thể là 7,8 tỷ đồng năm 2021 và 11,7 tỷ đồng vào năm 2022.

'Đế chế' đa ngành VNGroup của ông Vũ Văn Thành đang làm ăn ra sao? - Ảnh 1

Dẫu vậy, sau khi trừ đi giá vốn và các khoản chi phí như lãi vay, bán hàng, quản lý, lợi nhuận thuần còn lại của VNGroup cũng chẳng còn là bao. Cụ thể, năm 2020, VNGroup báo lãi hơn 46 triệu đồng, năm tiếp theo lãi 2,7 tỷ đồng. Năm ngoái (2022), doanh nghiệp của ông Vũ Văn Thành báo lãi 3,1 tỷ đồng.

Về hoạt động tín dụng, tháng 6/2021, VNGroup đã sử dụng một ô tô Lexus LX570 mang biển số 30H-100.97 làm tài sản bảo đảm tại Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam - chi nhánh Trần Duy Hưng (Hà Nội). Đến tháng 9/2021, doanh nghiệp này tiếp tục sử dụng các quyền tài sản (bao gồm quyền đòi nợ và thụ hưởng số tiền đòi nợ; quyền thụ hưởng số tiền bảo hiểm, quyền yêu cầu hoàn trả tiền ứng trước, tiền phạt vi phạm, tiền bồi thường thiệt hại và thụ hưởng số tiền này, lợi ích, các khoản bồi hoàn) phát sinh từ các hợp đồng làm tài sản bảo đảm tại Ngân hàng Vietinbank -  chi nhánh Hai Bà Trưng (Hà Nội).

Cuối tháng 12/2021, VNGroup tiếp tục sử dụng 1 xe ô tô con Kia Carnival biển số 43A-641.01 và 1 xe ô tô tải Ford Ranger biển số 43C-257.96 làm tài sản bảo đảm tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Thanh Xuân (Hà Nội).

Chí Bình

Theo VietnamFinance