Đề xuất cấp tỉnh được quyết xây sân bay, cảng biển, khu đô thị

Chính phủ đề xuất phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND tỉnh đối với 7 nhóm dự án.

Ngày 17/5, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (1 luật sửa 7 luật).

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết việc sửa luật để thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, tạo động lực góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.

Đáng chú ý, đối với Luật Đầu tư, Chính phủ đề xuất những nội dung về phân cấp, phân quyền cụ thể: Sửa đổi, bổ sung theo hướng phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND tỉnh đối với 7 nhóm dự án.

Đơn cử như dự án đầu tư xây dựng mới cảng hàng không, sân bay; đường cất hạ cánh của cảng hàng không, sân bay; nhà ga hành khách của cảng hàng không quốc tế; nhà ga hàng hóa của cảng hàng không, sân bay có công suất từ 1 triệu tấn/năm trở lên.

Dự án đầu tư xây dựng mới như bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt, cảng biển loại I; Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị không phân biệt quy mô sử dụng đất hoặc quy mô dân số...

Ngoài ra, dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) để tăng cường phân cấp, phân quyền; giải quyết vướng mắc một số dự án BOT.

Trong đó, dự thảo luật đề xuất phân cấp cho Bộ, HĐND, UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư các dự án PPP trước đây thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, phân cấp cho Bộ trưởng hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt dự án PPP thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương của Quốc hội và quyết định chấm dứt hợp đồng dự án PPP; quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với dự án, trong đó có cả hình thức chỉ định nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn đặc biệt.

Ngoài ra, phân cấp để Bộ quản lý ngành có ý kiến thống nhất giao một cơ quan làm cơ quan có thẩm quyền ký kết trong trường hợp dự án thuộc phạm vi quản lý của nhiều cơ quan.

Về các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi, bảo đảm của Nhà nước, dự thảo luật bổ sung 1 điều trong Luật PPP để quy định cơ chế xử lý vướng mắc giảm doanh thu đối với dự án BOT được thực hiện trước khi Luật PPP có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2021), nhằm tháo gỡ vướng mắc đã kéo dài nhiều năm nay của nhóm dự án này.

Nêu lý do sửa đổi, bổ sung, ông Thắng cho hay với dự án PPP ở các lĩnh vực khác đã được triển khai nhiều năm trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành, đến nay phát sinh rất nhiều vướng mắc (11 dự án).

Bộ Tài chính đã trao đổi, thống nhất với Bộ Xây dựng bổ sung một điều về quy định cơ chế xử lý vướng mắc.

Theo đó, đối với dự án BOT trong lĩnh vực đường bộ có hợp đồng được ký kết trước ngày 1/1/2021, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP phần chênh lệch giữa doanh thu trong phương án tài chính và doanh thu thực tế theo tỷ lệ.

Để áp dụng cơ chế này, các dự án phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ, bảo đảm công bằng, minh bạch, đúng đối tượng, đúng dự án, hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp và nhà nước.

Trình bày báo cao thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, Ủy ban nhất trí cần thiết sửa đổi, bổ sung các luật.

Ủy ban cho rằng việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho một số dự án BOT trong lĩnh vực đường bộ nói riêng, dự án PPP nói chung mà nguyên nhân dẫn đến khó khăn, vướng mắc có trách nhiệm của Nhà nước là cần thiết.

Tuy nhiên, vấn đề này đòi hỏi sử dụng nguồn kinh phí chưa có trong dự toán ngân sách nhà nước rất lớn và áp dụng với các dự án BOT đã được triển khai từ trước khi Luật PPP có hiệu lực thi hành.

Để đảm bảo cơ sở chính trị trong giải quyết vấn đề lớn mà thực tiễn đang đặt ra, Ủy ban đề nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.

Trường hợp được cấp có thẩm quyền đồng ý, cần quy định chặt chẽ trong dự thảo luật để bảo đảm trường hợp được áp dụng cơ chế này, các dự án phải gặp khó khăn vướng mắc có lý do khách quan đáp ứng các điều kiện chặt chẽ, cụ thể, nhằm bảo đảm tính rõ ràng, nhất quán, minh bạch và tránh những kẽ hở về chính sách.

Đối với nội dung cụ thể, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị cần bổ sung xác định nguồn vốn, cơ chế bố trí vốn để thực hiện chính sách.

Tuệ Lâm

Theo Vietnamfinance