Đề xuất đánh thuế bất động sản thứ hai, giá bất động sản sẽ còn tiếp tục giảm

Sau khoảng thời gian dài chịu tác động từ nhiều trở ngại, cộng với thanh khoản gần như “đóng băng”, nhiều doanh nghiệp bất động sản và nhà đầu tư buộc phải cắt lỗ. Các chuyên gia đồng dự báo, năm 2023, giá bất động sản có thể còn giảm sâu.

Chuyên gia dự báo giá bất động sản sẽ còn tiếp tục giảm

Quá nhiều thách thức đẩy nhà đầu tư và doanh nghiệp bất động sản vào thế khó khi dòng vốn từ ngân hàng co hẹp, lãi suất tăng cao. Trên thị trường đã xuất hiện doanh nghiệp địa ốc tung ra chiết khấu tới 40-50% giá sản phẩm. Ngay cả với những nhà đầu tư, để gồng lỗ lãi ngân hàng, họ cũng phải mạnh tay cắt lỗ hàng “ngộp”. Tình trạng giảm giá 10-20% đã xuất hiện ở nhiều khu vực.

Tuy nhiên theo giới chuyên gia, giá bất động sản sẽ còn tiếp tục giảm. GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, dù mức giá đã được doanh nghiệp chiết khấu tới 50% nhưng người dân phải chưa đủ sức mua.

Theo ông Võ, giá bất động sản sẽ còn hạ. Trong vòng 1-2 năm tới, giá đất cũng sẽ hạ. Thế nên, người mua bình tĩnh, không nên sốt ruột trước mức giá giảm như hiện tại bởi thời gian tới, giá bất động sản hạ là cơ hội cho người mua.

Chuyên gia khác cũng đưa ra dự báo, xu hướng giảm giá, chiết khấu của các nhà đầu tư trong giai đoạn thị trường khát vốn được dự báo sẽ tiếp tục tăng vào cuối năm. Còn thanh khoản năm 2023 vẫn sẽ khó khăn khi chính sách tiền tệ, lạm phát và diễn biến kinh tế thế giới phức tạp.

Hiện tại, thị trường “đóng băng”, thiếu vắng người mua vì đa số mua ở dạng lướt sóng giờ không còn tiền mua tiếp. Điều này cho thấy “mua thổ thì luôn luôn lời” sẽ không còn đúng khi thị trường đã phát triển với quy mô lớn. Đầu tư bất động sản vẫn là ngành hấp dẫn, nhưng cần phải tập trung vào các loại bất động sản có nhu cầu ở và kinh doanh thật sự. Đây cũng là hướng đi cho các công ty bất động sản trong giai đoạn tới.

Dự báo giá bất động sản sẽ còn tiếp tục giảm.
Dự báo giá bất động sản sẽ còn tiếp tục giảm.

Ông Trần Minh Hoàng, Phó tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá về sự khó khăn của thị trường trong năm 2023 khi lãi suất chưa giảm. Dù dự báo một số loại hình sẽ cắt lỗ nhanh theo ông Hoàng, giá bất động sản có giá trị ở thực và cho thuê, đặc biệt những sản phẩm đã hình thành, sẽ không có sự giảm giá. Lý do mà ông Hoàng đưa ra do tình trạng nguồn cung khan hiếm nhưng nhu cầu vẫn ở mức cao.

Khó có một kịch bản giá bất động sản sẽ nhanh chóng lấy lại ngưỡng cao như ở thời điểm sốt nóng trong ngắn hạn, đặc biệt trong bối cảnh nhiều biến động. Chính tâm lý dè dặt, cẩn trọng của người mua cũng tác động ngược lại với nhà đầu tư. Bước sang năm 2023, sự “thấm” khó khăn của thị trường mới càng lộ rõ sức trường của những nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư cầm cự tốt, họ vẫn vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhưng nếu mức tài chính eo hẹp, họ buộc phải cắt lỗ. Bên cạnh đó, trong trạng thái lo sợ giá bất động sản tụt dốc không phanh thì nhà đầu tư có thể “lây” tâm lý: Phải đẩy hàng nhanh!

Đây là lý do giá bất động sản sẽ còn tiếp tục hạ và cơ hội cho người mua sẵn tiền mặt đã tới. Ở góc độ nhìn nhận khác, giới chuyên gia cho rằng, nếu tìm kiếm bất động sản đẹp, giá đã giảm từ 10-20%, người mua vẫn nên vào tiền mà không cần chờ đợi.

Đề xuất nhiều cơ chế đặc thù, đánh thuế bất động sản thứ hai

UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM, thay thế nghị quyết 54.

Cụ thể, theo UBND TP.HCM, sau 5 năm thực hiện nghị quyết 54, mục tiêu tăng thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương khá khiêm tốn. Thời gian qua, đà tăng trưởng, sự vượt trội của TP so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 1996 - 2010 bình quân 10,2%/năm, đến giai đoạn 2011 - 2025 giảm xuống 7,22%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 chỉ còn 6,41%/năm.

Theo đó, UBND TP.HCM đã kiến nghị đưa vào dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết số 54 gồm 7 nhóm vấn đề gồm:

Về quản lý đầu tư, hiện nay quy trình thủ tục đầu tư, cơ chế giao đất, cho thuê đất, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các dự án chỉnh trang đô thị, cải tạo chung cư cũ rất đặc thù về quỹ đất… vướng rất nhiều quy định và đang là "điểm nghẽn" trong thu hút vốn đầu tư; thu hút PPP trong lĩnh vực văn hóa - thể thao. Nếu được tháo gỡ sẽ huy động thêm được nguồn lực và tăng khả năng hấp thụ vốn đầu tư tư nhân, giúp cho TP phát triển.

Về tài chính ngân sách, cơ bản giữ lại các nội dung của nghị quyết 54, ngoài quy định về thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế môi trường vì không khả thi.

Bổ sung quyết định thu thuế bổ sung đối với bất động sản thứ hai trở lên (trừ bất động sản duy nhất). Phương thức này được cho sẽ hạn chế việc đầu cơ bỏ hoang nhà, đất trong dự án bất động sản, gây lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời là cơ sở để xây dựng chính sách chung sau này. TP.HCM đề xuất được hưởng trọn nguồn thu từ thuế nhà đất thứ hai cũng như các phí mới mà thành phố thí điểm. Bên cạnh đó, hiện TP được hưởng ngân sách theo tỉ lệ điều tiết là 21%. Đề nghị giữ nguyên tỉ lệ này đến hết năm 2025.

TP được thí điểm cơ chế bồi thường bằng đất theo tỉ lệ khi giải phóng mặt bằng. Cho phép TP được thí điểm tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B…

Bên cạnh đó, về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, phân cấp cho TP phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị với điều kiện không làm thay đổi quan điểm và định hướng quy hoạch tổng thể.

Phân cấp cho TP được quyết định các nội dung liên quan đến xây dựng nhà ở thương mại; nhà ở xã hội, nhà tái định cư, xử lý chung cư cũ, nhà ở trên, ven kênh rạch... hiện đang gặp vướng về quy định.

Phân cấp hoàn toàn cho TP xây dựng và ban hành hạ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất. TP được thí điểm bồi thường "bằng đất theo tỉ lệ" khi giải phóng mặt bằng...

Về quản lý văn hóa xã hội và quản lý trật tự xã hội, phân cấp cho TP quy định các điều kiện thành lập, xây dựng các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao trong các dự án phát triển đô thị.

Mở rộng thẩm quyền "lập quy" của HĐND TP.HCM trong lĩnh vực xử phạt các loại vi phạm hành chính về đô thị chưa có quy định hoặc quy định chưa đủ sức răn đe…

Về tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, ủy quyền và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tiếp tục thực hiện quy định về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức tại nghị quyết 54.

Đồng thời, bổ sung phân cấp cho HĐND TP.HCM quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn…

Đối với TP Thủ Đức, UBND TP cho biết hiện nay TP.Thủ Đức cơ bản như đơn vị hành chính cấp quận. Theo đó, TP kiến nghị cho phép HĐND, UBND TP.HCM phân cấp cho chính quyền TP.Thủ Đức những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền ở số lĩnh vực quản lý nhà nước. Chuyển giao một số nhiệm vụ thuộc sở ngành TP cho TP.Thủ Đức. Cho phép HĐND TP.HCM quyết định bộ máy hành chính và các đơn vị sự nghiệp của TP.Thủ Đức. Ưu tiên phân bổ ngân sách cho TP.Thủ Đức để chi đầu tư phát triển.

Trước đó, năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 với nhiều cơ chế đặc thù cho TP.HCM nhằm tạo động lực mới để đô thị kinh tế lớn nhất cả nước bứt phá. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện TP chưa nhận được kết quả như mong đợi do nhiều vướng mắc từ bộ ngành. Hầu hết chính sách đặc thù về quản lý tài chính nhằm tăng nguồn thu như cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, nguồn thu từ đấu giá tài sản công chưa thể thực hiện.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống