Thị trường bất động sản “tỉnh lẻ" trắng thanh khoản, cắt lỗ tới 50% vẫn không ai mua
Thị trường ghi nhận nhiều nhà đầu tư kẹt dòng tiền khi chạy theo những cơn sốt đất ở các tỉnh đang chấp nhận bán cắt lỗ, giảm giá đến 40-50% so với cuối năm ngoái. Dù cắt lỗ sâu nhưng cũng trắng thanh khoản.
Xuất hiện tình trạng cắt lỗ tới 50%
Chỉ hơn 1 năm trước, bất động sản tỉnh được ví như kênh đầu tư “cứ mua là thắng” thì đến hiện tại, khu vực này đang trầm lắng, vắng bóng người mua.
Thông qua tìm hiểu với môi giới, một lô đất có vị trí đẹp ở Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) ở thời điểm sốt cao, giá lên tới 120 triệu đồng/m2 thì hiện tại mức giá này giảm còn 60 triệu đồng/m2. Nếu so với mặt bằng giá chung, những lô đất tương đương có giá 70-80 triệu đồng/m2. Thế nhưng, hơn 1 tháng nay, môi giới vẫn chưa tìm được người “chốt”.
Môi giới cũng cho biết, lượng hàng cắt lỗ tăng dần. Ở thời điểm thị trường sôi động, không có hàng để bán trong khi người có nhu cầu rất nhiều. Thế nhưng gần đây, nhiều chủ đất nhờ rao những bán lô đất có vị trí đẹp, nằm ở trục đường ngoài, giá cũng thấp hơn thời điểm trước đến 30-40%. Song tìm khách để chốt cũng khó. Vì mọi người đều trong tâm lý chờ đợi, thăm dò. Loại hình đất hay nhà mà người dân muốn mua để ở còn có thanh khoản. Với lô đất giá trị cao, nằm ở vùng ven thành phố hoặc trong các khu đô thị mới, khả năng thanh khoản rất chậm.
Cũng theo môi giới này, trước đó, còn ghi nhận tình trạng bỏ cọc hàng loạt khi đấu giá đất. Mức giá giảm 10-25% khá phổ biến ở thị trường tỉnh. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư còn giảm tới 40% so với mức giá ở thời điểm sốt đất.
Nhiều năm kinh nghiệm quan sát và nghiên cứu thị trường, ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Vietnam nhận định, thanh khoản thị trường bất động sản đã rơi vào thời kỳ giảm tốc từ tháng 4/2022 và ngày càng ảm đạm hơn. Hiện nay, thanh khoản của thị trường đang ở mức rất thấp, chỉ bằng 10-20% so với thời điểm tháng 4/2022.
Ông Thắng nhận định, điểm đáng chú ý, đó là thị trường ghi nhận nhiều nhà đầu tư kẹt dòng tiền khi chạy theo những cơn sốt đất ở các tỉnh đang chấp nhận bán cắt lỗ, giảm giá đến 40-50% so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, theo ông Thắng, dù cắt lỗ sâu nhưng cũng trắng thanh khoản. Những người không vay tiền để đầu tư bất động sản thì giờ cũng đang kẹt vốn trong đất. Từ đó, thị trường bất động sản không có thanh khoản nên cũng không biết đâu là đáy.
Nhiều lần trước đó, TS. Đinh Thế hiển, chuyên gia kinh tế đã dự báo về tình trạng giảm giá của đất tỉnh. Theo ông Hiển, giá bất động sản tỉnh còn tiếp tục hạ nhiệt. Diễn biến hiện tại của thị trường bất động sản tỉnh đã được các chuyên gia dự báo từ trước. Bởi theo đánh giá của giới chuyên gia, giá bất động sản tỉnh tăng quá nhanh, quá mạnh trong một thời gian ngắn, đặc biệt giai đoạn 2019-2021. Nhưng cơ sở cho sự tăng giá chỉ là tin đồn hoặc hạ tầng giao thông hay dự án đổ về. So với đổi thay của hạ tầng giao thông hay tiến độ các dự án nhà ở xây dựng thì giá bất động sản tăng quá mạnh.
Dù gặp được hàng ngộp giá rẻ nhưng cũng không dám ôm vào
Thị trường bất động sản giai đoạn 2020 - 2021, đến đầu năm 2022, liên tục trong trạng thái sôi động, thậm chí, nhiều khu vực đã lên cơn sốt nóng. Đến quý II/2022, thị trường bất động sản đột ngột bị “phanh gấp” khi những chính sách tiền tệ có sự thay đổi, tín dụng và trái phiếu được kiểm soát chặt chẽ, khiến thanh khoản sụt giảm nhanh chóng.
Không ít nhà đầu tư trước đó chưa kịp “thoát hàng” rơi vào bế tắc, đặc biệt những người sử dụng đòn bẩy để mua. Đến nay, nhiều người không chịu được áp lực đòn bẩy, khi lãi suất liên tục tăng cao. Kéo theo, môi giới bất động sản cũng đau đầu vì những cuộc gọi từ người bán.
Môi giới bất động sản tại Quảng Ninh cho biết, thị trường bất động sản trầm lắng, việc bán cắt lỗ diễn ra ngày càng nhiều. Tuy nhiên, người bán “xuống nước” nhưng cũng khó tìm người mua. Nguyên từ việc tìm kiếm dòng tiền rất khó, nhà đầu tư cũng không còn tiền để mua.
“Đã nhiều tháng nay, tôi mới chỉ có vỏn vẹn 2 giao dịch. Tôi cũng đã gọi cho khách hàng cũ nhưng ai cũng từ chối mua lúc này, dù nhiều chủ đất đang chấp nhận cắt lỗ ở mức 20 - 30%, thậm chí hơn, sẽ tùy vào vị trí của mảnh đất. Theo tôi thấy, từ giờ tới cuối năm thị trường vẫn chưa có tín hiệu khả quan, vẫn rất khó bán”, người môi giới này nói.
Môi giới này chia sẻ thêm, không bán được đất, nhiều nhà đầu tư quay ra ngỏ ý muốn anh mua lại mảnh đất đang nắm giữ với mức giá thấp hơn. Nhiều người bây giờ đang ngộp hàng nên muốn giải phóng nhanh, chấp nhận giảm tiếp để mua lại bán chênh lệch. Nếu trước kia thị trường vẫn có thanh khoản, gặp hàng rẻ anh em môi giới góp tiền ôm vào. Nhưng nói thật, giờ giao dịch không có, tôi cũng dám và không có tiền để ôm lúc này.
Chủ một sàn giao dịch bất động sản chia sẻ, thời gian gần đây, văn phòng anh nhiều vị khách ghé tới. Song, những người này đến không phải để hỏi mua mà muốn bán lô đất đang nắm giữ. Đa phần, mức cắt lỗ khoảng 20 - 30%, nhưng nếu bán cho văn phòng môi giới thì giá sẽ mềm hơn.
Vị này cho rằng, bối cảnh lãi suất liên tục tăng như này, giá bất động sản còn tiếp tục giảm. Do vậy, bây giờ tất cả từ văn phòng đất đai, nhà đầu tư,... cũng sẽ không lựa chọn mua thời điểm này. Có thể, khoảng 1 năm nữa, khi đó mức giá đã tốt hơn thì thanh khoản mới có thể sôi động trở lại.
Thực tế, dù giá bất động sản đang có xu hướng giảm, song vẫn neo ở mức cao, vượt khả năng tài chính của nhiều người. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư dù muốn tiếp tục mua vào lúc này nhưng, khó khăn về dòng tiền là rào cản lớn khiến thanh khoản ngày càng sụt giảm.