Đề xuất điều chỉnh chủ trương sử dụng đất của dự án cao tốc hơn 17.000 tỷ
Dự án do liên danh CTCP Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh - CTCP Tập đoàn Nam Miền Trung đề xuất với chiều dài 66km.
Nguồn ảnh: Báo Thanh niên
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa gửi tờ trình tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông về việc đề nghị điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khách các đoạn điều chỉnh cục bộ hướng tuyến để thực hiện dự án xây dựng tuyến cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) – Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
Theo đó, UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông thẩm định và trình Thủ tướng quyết định điều chỉnh mục đích sử dụng rừng giảm từ 100,6ha (bao gồm: 82,8ha rừng tự nhiên núi đất, 17,8ha rừng trồng núi đất) xuống còn 87ha (bao gồm: 56,2ha rừng tự nhiên núi đất với trữ lượng lâm sản là 8.224m3 gỗ và 76.212 cây lồ ô; 30,8ha rừng trồng núi đất, chủ yếu là keo, điều, cao su với trữ lượng lâm sản là 166,7m3 gỗ).
Cũng theo tờ trình, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được thực hiện theo phương thức PPP.
Dự án do UBND tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư, với chiều dài 66km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài khoảng 11km (đi qua huyện Tân Phú); đoạn qua tỉnh Lâm Đồng dài khoảng 55km (đi qua huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc).
Điểm đầu của dự án trùng với điểm cuối của dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú tại cầu vượt trực thông nút giao Quốc lộ 20, thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối dự án giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án theo tờ trình là khoảng 455ha (tỉnh Đồng Nai khoảng 81ha, tỉnh Lâm Đồng khoảng 374ha). Phạm vi giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh với nền đường rộng 22m.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án (giai đoạn phân kỳ) là 17.200 tỷ đồng gồm phần vốn nhà nước tham gia dự án là 6.500 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỷ đồng); phần vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng; vốn huy động khác là 9.095 tỷ đồng từ các nguồn huy động hợp pháp.
Nhà đầu tư đề xuất dự án là liên danh CTCP Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh - CTCP Tập đoàn Nam Miền Trung. Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả làm đại diện liên danh nhà đầu tư.
Dự kiến, dự án sẽ được khởi công vào đúng dịp Quốc khánh 2/9.