Đề xuất mua lại 7 dự án BOT: Không thể vội vàng

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, cần có sự xem xét, đánh giá cụ thể từng dự án trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Bộ GTVT đang kiến nghị sử dụng 9.427 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 để xử lý 7 dự án BOT đã hoàn thành, đưa vào khai thác nhưng chưa thể tổ chức thu phí; hoặc đang thu phí nhưng không đạt được các cam kết hợp đồng với doanh nghiệp.

Bảy công trình BOT dự kiến được mua lại gồm trạm Bờ Đậu (Thái Nguyên), trạm Ninh Xuân (Khánh Hòa), trạm T2 (Cần Thơ), trạm cầu Thái Hà (nối Thái Bình - Hà Nam), trạm Bỉm Sơn (Thanh Hóa), trạm thu phí km 1.747 (đường Hồ Chí Minh), trạm La Sơn - Túy Loan.

Trao đổi với Đất Việt, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, đây mới chỉ là đề xuất của Bộ GTVT, cần phải đưa ra Quốc hội thảo luận cho kỹ càng.

Ông Hòa khẳng định, đầu tư theo hình thức BOT là thuận mua vừa bán. Ngay từ đầu khi chủ đầu tư bắt tay vào thực hiện dự án đã phải xây dựng phương án tài chính, trong đó tính toán tất cả các điều kiện thực hiện dự án, chi phí, khả năng và thời gian thu hồi vốn, đồng thời tính toán cả những rủi ro để lên phương án xử lý. 

"Tất cả những việc ấy đã được thực hiện, do đó, chủ đầu tư phải thu phí BOT để hoàn vốn, chứ không thể nào để Nhà nước bỏ tiền ngân sách để hoàn trả cho doanh nghiệp. Làm như vậy thì hóa ra đó không phải là dự án BOT nữa rồi", vị Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chỉ rõ.

Ông cũng nói thêm, chủ đầu tư thi công dự án rồi đưa vào vận hành, không qua đấu thầu, trong khi lẽ ra phải thực hiện việc này, có khi giảm giá xuống nhiều có lợi cho Nhà nước.

Trạm thu phí của dự án BOT Thái Nguyên-Chợ Mới.  
Trạm thu phí của dự án BOT Thái Nguyên-Chợ Mới.  

"7 dự án BOT không thu phí hoàn vốn được do những nguyên nhân khác nhau, trong đó có trạm đã đi vào nhưng thường xuyên xảy ra mất an ninh trật tự. Dự án BOT là đường nhà đầu tư làm và họ đã tính toán tất cả, sau đó thu phí, cho nên dù xảy ra vấn đề gì về an ninh trật tự thì cơ quan quản lý nhà nước phải kiên quyết xử lý cho được, chứ không phải theo yêu cầu của nhà đầu tư BOT là Nhà nước phải hoàn trả vốn cho họ", đại biểu Hòa cho biết.

Cho rằng đề xuất của Bộ GTVT chưa hợp lý, vị đại biểu đề nghị vấn đề này cần được đưa ra Quốc hội thảo luận, xem xét cụ thể, khách quan. Bộ GTVT phải giải trình trước Quốc hội và các đại biểu cho ý kiến, qua đó đảm bảo không thiệt thòi cho nhà đầu tư, Nhà nước và người dân.

"Thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch nên việc thực hiện nhiệm vụ có thể chưa đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, khi các địa phương bước vào giai đoạn "bình thường mới" thì 7 dự án BOT nêu trên cần phải được xem xét cụ thể, rành mạch từng dự án, nguyên nhân gì mà không thu được, vì sao xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự... Không thể vội vàng đưa ra một đáp án chung cho tất cả", đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Liên quan đến các dự án BOT giao thông, trước đó, hồi đầu năm 2021, Bộ GTVT cũng từng đề xuất sử dụng ngân sách mua lại 8 trạm thu phí BOT gặp vướng mắc do bất cập về vị trí đặt trạm, không nhận được sự đồng thuận từ người dân địa phương nên chưa thể thu phí, hoặc thu phí không đúng phương án tài chính nên không thể hoàn vốn.

Đáng chú ý, đa số các dự án này đã mắc kẹt từ năm 2018 đến nay, đều rơi vào tình trạng vỡ phương án tài chính, nhưng vẫn chưa có giải pháp để xử lý triệt để. Điển hình như dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới của Cienco4, nhà đầu tư này đã có nhiều văn bản “cầu cứu” lên Bộ GTVT, Chính phủ, đồng thời có phương án giảm phí tối đa. Bộ GTVT nhiều lần có văn bản đề xuất gửi UBND tỉnh Thái Nguyên phối hợp thu phí, song chưa thể thực hiện.

Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đối với các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu đã dẫn đến bất cập đó là đặt trạm thu phí ngoài phạm vi dự án hoặc trạm thu phí để thu cho những dự án khác mà người dân không sử dụng... nên không bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các nhà đầu tư BOT và người dân, dẫn đến gây mất an ninh, trật tự; mặc dù đã có chính sách miễn, giảm phí và điều chỉnh vị trí đặt trạm thu phí.

Theo Ủy ban Kinh tế, việc Bộ GTVT đề nghị dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ hoặc mua lại dự án BOT là không hợp lý bởi các lý do.

Một là, người dân tại khu vực trạm thu phí các dự án này phản đối quyết liệt nên không thể thu phí hoàn vốn cho dự án, trong khi chưa có tiêu chí rõ ràng để có đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn cho việc xem xét, quyết định mua lại các dự án này;

Hai là, ngoài 8 dự án trên vẫn còn tồn tại một số dự án (như Trạm thu phí cầu Bến Thủy và Bến Thủy II thu phí hoàn vốn cho dự án tuyến tránh thành phố Vinh, Dự án nâng cấp mở rộng QL1A đoạn Nam cầu Bến Thủy – tránh Hà Tĩnh, Cầu Yên Xuân…) có những bất cập về vị trí đặt trạm thu phí, nhưng người dân tại địa phương đó lại không còn phản đối sau khi có chính sách miễn, giảm phí;

Ba là, trường hợp Nhà nước mua lại các dự án đó sẽ tiềm ẩn nguy cơ thiếu minh bạch, dẫn đến hiệu ứng lan rộng tại các dự án khác, khiếu kiện, làm mất an ninh, trật tự, đồng thời gây áp lực cho ngân sách nhà nước trong điều kiện khó khăn hiện nay và đi ngược với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc huy động nguồn vốn xã hội hóa cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế cũng chỉ rõ, Chính phủ đã tổng kết việc triển khai thực hiện các mô hình đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có hình thức hợp đồng BOT, nhưng đến nay vẫn chưa tổng hợp kết quả kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định.

Ủy ban Kinh tế kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo tổng hợp kết quả kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Tập trung xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc của các trạm thu phí, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ áp dụng hệ thống quản lý, giám sát, khai thác dữ liệu cho tất cả các trạm thu phí trên phạm vi cả nước. Chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương bảo đảm an ninh, trật tự và tài sản của các nhà đầu tư.

Thành Luân

Theo Đất Việt