Địa ốc SamLand: Kinh doanh chứng khoán làm ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp

Khi các dự án trọng điểm chậm triển khai thì hoạt động đầu tư tài chính vốn là “cứu cánh” cho lợi nhuận Samland trong nhiều năm, tuy nhiên, không phải thị trường lúc nào cũng thuận lợi, khi chứng khoán lao dốc cũng kéo theo việc đơn vị này lỗ lớn.

Không hoàn thành kế hoạch năm vì mải mê chứng khoán

Địa ốc SamLand mới đây công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với kết quả không mấy khả quan khi đơn vị này báo lỗ 20,5 tỷ đồng. Theo giải trình của SamLand, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chuyển từ lãi quý IV/2021 sang lỗ quý IV/2022 là do những biến động của thị trường bất động sản và thị trường tài chính chứng khoán làm tăng chi phí tài chính công ty.

Cụ thể, trong báo cáo tài chính vừa công bố, danh mục đầu tư tài chính Công ty ghi nhận đầu tư 56,85 tỷ đồng vào chứng khoán kinh doanh, tuy nhiên giá trị hợp lý hiện tại chỉ còn 35,2 tỷ đồng tức là đang lỗ nặng 37,9%. SamLand phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh đến 21,56 tỷ đồng.

Trích lập dự phòng tài chính đến 21,56 tỷ đồng.  
Trích lập dự phòng tài chính đến 21,56 tỷ đồng.  

Công ty đã bán toàn bộ 16,77 tỷ đồng cổ phiếu TCB; 32,01 tỷ đồng cổ phiếu FPT và 8,9 tỷ đồng cổ phiếu MWG (Thế giới Di động). Danh mục còn lại là 31,99 tỷ đồng cổ phiếu HPG, trích lập dự phòng 11,87 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 37,1%; 22,96 tỷ đồng cổ phiếu SJS, trích lập dự phòng 9,34 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 40,7%; 1,9 tỷ đồng vào cổ phiếu SSI, trích lập dự phòng 0,34 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 17,9%.

Danh mục đầu tư chứng khoán của SamLand.  
Danh mục đầu tư chứng khoán của SamLand.  

Kết thúc quý 4, SamLand báo lỗ từ hoạt động kinh doanh 26,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 6,9 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí phát sinh, SamLand lỗ 20,5 tỷ đồng sau thuế, khoản lỗ này chủ yếu do thua lỗ khi đầu tư chứng khoán. Lũy kế cả năm SamLand báo lỗ 61 tỷ đồng, đây là mức lỗ kỷ lục chưa từng có của SamLand.

Trong năm 2022, Samland đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế tăng 635% lên 43,85 tỷ đồng. Như vậy, với việc ghi nhận lỗ thêm 61,79 tỷ đồng trong năm 2022, công ty đã không hoàn thành kế hoạch có lãi trong năm tài chính.

Tính tới thời điểm cuối 2022, tổng tài sản của Samland giảm 8,8% so với đầu năm, xuống mức 1.156 tỷ đồng. Trong đó, tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 646,4 tỷ đồng, chiếm đến 56% tổng tài sản nằm tại 2 dự án Chung cư Samland Riverside (133,7 tỷ đồng) và Khu dân cư Nhơn Trạch (512,7 tỷ đồng).

Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên đầu năm 2022, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc SAM Holdings cho biết, 3 năm qua, nhiều dự án bất động sản liên quan tới đất công ở TP.HCM bị dừng lại, Công ty đang tìm giải pháp tháo gỡ và đến năm 2022, về cơ bản có khả năng hoàn thành các thủ tục pháp lý và có thể triển khai Dự án trong đó có dự án Chung cư Samland Riverside.

Về phía nguồn vốn, khoản nợ vay tài chính của Samland đã có sự chuyển dịch từ dài hạn sang ngắn hạn tuy nhiên lãi suất thì vẫn rất cao. Tại ngày 31/12/2022, nợ vay tài chính ngắn hạn đã tăng hơn 329 tỷ đồng do khoản trái phiếu dài hạn sắp đến hạn bên cạnh việc phát sinh các khoản vay ngân hàng và các công ty có liên quan khác.

Thời điểm cuối năm 2022, Ngân hàng TMCP Việt Á (Chi nhánh TP.HCM) là chủ nợ lớn nhất của Samland với dư nợ cho vay 187,5 tỷ đồng. Mục đích của khoản vay là bù đắp chi phí bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng và bổ sung vốn đầu tư triển khai thực hiện dự án Nhơn Trạch.

Như vậy, Samland sẽ gặp thách thức lớn trong năm 2023, khi các dự án trọng điểm vẫn chậm triển khai và thị trường bất động sản bước vào giai đoạn khó khăn kéo dài.

An Nhiên

Theo Kinh doanh và Phát triển