Điểm danh các ngân hàng đã giảm lãi suất huy động
Lãi suất huy động được các ngân hàng như VPBank, Saigonbank, MSB,... điều chỉnh giảm về vùng 9,5%/năm sau khi tăng \'nóng\' lên 11% một năm.
Lãi suất huy động tại loạt ngân hàng bắt đầu giảm
Cuộc đua lãi suất huy động đã có dấu hiệu lắng lại, gần như không có ngân hàng nào tăng lãi suất trong thời điểm này. Phần lớn những ngân hàng đã đưa lãi suất lên 9-9,5%/năm cũng đã dừng tăng lãi suất. Đặc biệt, nhiều nhà băng đã có động thái điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm.
Đầu tiên phải kể tới Saigonbank giảm mạnh lãi suất huy động được áp dụng từ ngày 20/12.
Theo đó, lãi suất cao nhất tại nhà băng này đã giảm từ 10,5% xuống mức 9,5%/năm. Đây là mức lãi suất áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng, theo cả hình thức online và gửi tại quầy.
Tương tự, lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm 0,4% xuống 9,2%/năm, kỳ hạn 9 tháng giảm 0,5% xuống 9,3%/năm, kỳ hạn 12 tháng cũng giảm 0,4% xuống 9,4%/năm. Đối với các kỳ hạn 1 tháng – 5 tháng, lãi suất không thay đổi, vẫn ở mức tối đa 6%/năm. Ngoài ra, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn vẫn giữ nguyên 0,5%/năm.
Trước đó, Saigonbank là một trong những ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất trong hệ thống.
Mới đây nhất, Ngân hàng VPBank đã thông báo giảm lãi suất tại sản phẩm tiền gửi có kỳ hạn Prime Savings.
Cụ thể, trước đó ngân hàng đã áp dụng mức lãi suất cao nhất lên đến 11%/năm tại sản phẩm này trong tháng đầu tiên ở kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng, tuy nhiên hiện tại lãi suất cao nhất của sản phẩm này giảm xuống chỉ còn 9,25%/năm.
Đối với tiết kiệm tại quầy, lãi suất cao nhất hiện ngân hàng áp dụng là 9,3%/năm tại các kỳ hạn 18-36 tháng khi gửi số tiền từ 10 tỷ đồng. Với tiết kiệm online, lãi suất cao nhất tại kênh này là 9,4%/năm cũng tại kỳ hạn 18-36 tháng khi gửi số tiền từ 10 tỷ đồng.
Hay như OceanBank, ngân hàng này từng áp dụng lãi suất 10%/năm tại kỳ hạn 12 tháng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm 22/12, mức lãi suất huy động cao nhất tại nhà băng này là 9,2%/năm tại kỳ hạn 13 -36 tháng.
Ngày 20/12, BaovietBank cũng giảm mạnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 - 3 tháng còn 5,65%/năm và 5,9%/năm; kỳ hạn 6 tháng còn 8,8%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 9,4%/năm. Trước đó, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại ngân hàng này lên tới 10,3%/năm cho kỳ hạn 15 tháng.
Tương tự, ngân hàng MSB điều chỉnh giảm 0,4%/năm lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn. Theo đó, mức lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn từ 13 đến 36 tháng giảm từ 9,4%/năm xuống còn 9%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm từ 9,3%/năm xuống còn 8,9%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng giảm từ 9,2%/năm còn 8,8%/năm. Ngoài ra, MSB cũng điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm cao nhất với lãi suất đặc biệt, cán bộ công nhân viên ngân hàng, khách hàng ưu tiên từ 9,9%/năm xuống chỉ còn 9,5%.
Tại SHB, lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện chỉ 8,52%/năm. Kể cả khi được cộng thưởng 0,58%/năm theo chương trình khuyến mại riêng thì lãi tiết kiệm tại nhà băng này cũng chỉ 9,1%/năm.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác đã đưa mức lãi suất huy động về khoảng 9-9,5%/năm như Techcombank, Sacombank,…
Động thái điều chỉnh lãi suất huy động của các ngân hàng diễn ra trong bối cảnh Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất), ổn định bằng bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm, trên cơ sở đó tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngân hàng tăng, giảm lãi suất phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước
Tại hội nghị bàn về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng đều phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
\'\'Đây là chỉ đạo chứ không phải kêu gọi. Tinh thần tiết giảm chi phí, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp là chỉ đạo của Thủ tướng và NHNN. Còn ngân hàng nào khó khăn không làm được thì báo cáo NHNN để chúng tôi có biện pháp hỗ trợ\'\', Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Đồng thời, NHNN cũng đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo lãi suất tiền gửi và cho vay của các giao dịch phát sinh mới trong kỳ báo cáo hàng tuần cho NHNN, mục đích là để phục vụ việc quản lý hoạt động ngân hàng và điều hành chính sách tiền tệ.
Theo yêu cầu của NHNN, các ngân hàng phải thực hiện báo cáo lãi suất định kỳ hàng tuần và phải gửi trước 11h ngày thứ hai của tuần tiếp theo cho Vụ Chính sách tiền tệ, thuộc NHNN. Trường hợp ngân hàng có quyết định thay đổi về mức lãi suất trong kỳ báo cáo tuần thì phải gửi quyết định điều chỉnh lãi suất cho NHNN.