Điểm lại thị trường bất động sản 2022, kỳ vọng bước ngoặt mới trong 2023

Khép lại năm 2022 với những biến động mạnh mẽ, lên bổng xuống trầm của thị trường bất động sản. Chuyên gia cho rằng, có thể dùng những cụm từ hot để khái quát lại những gì đã diễn ra trong năm 2022 như siết tín dụng, cắt lỗ, bắt đáy, tái cơ cấu.

Những biến động của thị trường bất động sản trong năm 2022

Nói về siết tín dụng, theo chuyên gia, cơn sốt đất trong giai đoạn dịch Covid-19 đã tạo ra tâm lý có thể kiếm lời trong ngắn hạn “tiền vẫn tăng lên khi đang ngủ”, cùng với đó là là các chính sách mở từ chủ đầu tư có thể cho phép người mua nhà chỉ cần 50 triệu đồng là có thể sở hữu căn hộ.

Nhiều nhà đầu tư bất chấp rủi ro khi cố gắng dùng đòn bẩy tối đa hoặc chỉ cần vào giai đoạn đầu nhằm hưởng lợi phần chiết khấu. Nhưng phần cay đắng lại nằm lại phía sau khi ngân hàng từ chối cho vay, hết room để giải ngân cùng với thời điểm nhu cầu giảm sút đã đẩy các nhà đầu tư vào tình huống “không có tiền để theo tiếp hợp đồng, muốn bán cắt lỗ cũng không xong mặc dù đã giảm tới vài trăm triệu”.

Tiếp đến, đối với việc “cắt lỗ” trong thời gian qua, năm 2022 cũng là lần đầu tiên trong vòng 5 năm trở lại nhiều chủ đầu tư lớn trên thị trường tung ra gói chiết khấu khủng 50% nhằm kích cầu tiêu dùng có sẵn tiền mặt trong bối cảnh room tín dụng ngân hàng siết chặt, khó huy động thêm vốn từ các kênh cổ phiếu và trái phiếu.

“Mua vàng thì lỗ, mua thổ thì lời” dường như không phù hợp với bối cảnh thị trường 2022 khi hàng loạt dự án vừa mở bán đối mặt với tình cảnh “cắt lỗ”, nhẹ thì vài chục triệu nặng thì tỷ là chuyện bình thường.

Điểm lại thị trường bất động sản 2022, kỳ vọng bước ngoặt mới trong 2023 - Ảnh 1

Cũng theo chuyên gia, “bắt đáy” cũng là một cụm từ hot trong năm 2022, bất động sản là tài sản có giá trị và giá thị thị trường được quyết định nhiều bởi nhu cầu nhà ở và nguồn cung, khác với cổ phiếu trong một thời điểm có thể giảm mạnh và sau đó sẽ bật lên nhanh chóng.

Với tình hình hiện tại có thể thấy thị trường đang có dấu hiệu giảm tốc khi nguồn cung, nhu cầu và giao dịch sụt giảm, lãi suất tăng cao và áp lực đáo hạn trái phiếu hơn 700 ngàn tỷ cho giai đoạn 2023-2025.

Có thể rất khó để xác định đâu là đáy và xác định thời điểm phù hợp để tham gia bắt đáy, chỉ có thể dựa vào một số chỉ báo quan trọng: lãi suất có giảm hay chưa, room tín dụng ngân hàng có tăng thêm hay không và chính sách hỗ trợ thị trường (như gói 30.000 tỷ năm 2012).

Nếu cả 3 câu hỏi trên đều có chung đáp án là có thì đó là thời điểm phù hợp để ra các quyết định đầu tư phù hợp. “Bắt đáy luôn là con dao 2 lưỡi, và bắt dao rơi có ngày đứt tay”.

Cụm từ “tái cơ cấu” xuất hiện khi Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ thị trường tín dụng, phát hành trái phiếu đã tạo ra rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để phát triển dự án, thanh toán nhà cung cấp cũng như chi phí hoạt động chung của doanh nghiệp.

Từ đó, các doanh nghiệp lớn nhỏ lần lượt phải điều chỉnh tái cơ cấu lại các khoản nợ: gia hạn nợ, chuyển đổi gói vay sang lãi suất mới, mua lại trái phiếu và quyền chọn chuyển đổi thành các sản phẩm bất động sản.

Không ít doanh nghiệp lớn nhỏ cũng tái cơ cấu hoạt động kinh doanh bắt đầu thu gọn mô hình giảm quy mô 30-70%, tập trung các sản phẩm lõi và đẩy mạnh chiết khấu lên tới 50%. Hiệu ứng tuyết lở bắt đầu từ những khó khăn từ tiếp cận vốn từ người bán và người mua đã tạo nên bức tranh ảm đảm trong những tháng cuối năm 2022.

Nhìn toàn cảnh thị trường thời gian qua, chuyên gia nhận định, nhận định, điểm khó khăn chính của thị trường chính là vấn đề tín dụng và các kênh dẫn vốn cho bất động sản bên cạnh điểm nghẽn pháp lý.

Bước sang năm 2023, giới chuyên gia và đầu tư kỳ vọng về dòng vốn mới sẽ đổ bộ vào thị trường, giúp xoá đi gam màu trầm đang bao phủ.

Dòng tiền sẽ đổ mạnh vào bất động sản trong năm 2023?

Ông Trần Kim Chung - Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, năm 2023, triển vọng dòng tiền đổ vào thị trường địa ốc khả quan.

Đầu tiên, dưới sự chỉ đạo rất quyết liệt, tích cực, bằng nhiều giải pháp của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, một số chỉ tiêu vĩ mô đã có những dấu hiệu rất tích cực. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã xem xét và quyết định nới thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để tạo đà cho doanh nghiệp vận hành năm 2023.

Thứ hai, ông Chung nhận định, trái phiếu sẽ dần phục hồi.

Thứ ba, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn có nhiều triển vọng gia tăng. Hơn 200 đại diện cấp cao từ các công ty đầu tư hàng đầu đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên nhất và đứng thứ 2 trong nhóm các thị trường mới nổi. Việt Nam đang trở thành điểm sáng trong thu hút sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư FDI và lần đầu tiên Việt Nam lọt vào Top 20 nền kinh tế về thu hút FDI trên thế giới.

Thứ tư, nguồn vốn đầu tư công cam kết tăng mạnh. Theo ông Chung, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021. Năm 2023 cũng yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Áp lực lớn, nhưng nếu thực thi hiệu quả, sẽ tạo động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế.

Thứ năm, vị chuyên gia này cho rằng, với các nguồn vốn khác về cơ bản, không có biến động mạnh và ở mức ổn định như năm 2022: Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vượt qua thời điểm khó khăn, phải điều chỉnh bị động năm 2022; các nhà đầu tư tiềm năng vẫn ổn định; kiều hối tiếp tục ổn định; các luồng tiền phái sinh tiếp tục xuất hiện, phục hồi cùng với đà phục hồi kinh tế sau COVID-19.

Còn theo ông Phan Việt Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), trong thời điểm hiện tại và trong ngắn hạn cần có cách khơi thông dòng tiền vốn đang bị tắc nghẽn.

Một, cần tiếp tục thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều tỉnh thành trong cả nước kích thích cho dòng tiền được lưu thông.

Thứ hai, cần có sự đồng hành và chia sẻ của Ngân hàng nhà nước trong công tác cấp vốn và chỉ đạo điều hành trong hệ thống ngân hàng các ngân hàng thương mại cổ phần có sự đánh giá phân loại hồ sơ tín dụng khách quan hơn.

Theo ông Hoàng, phía phê duyệt hồ sơ không nên nhạy cảm quá đối với những hồ sơ liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Đặc biệt cần hỗ trợ và đảm bảo các khoản tín dụng dành cho người mua nhà để ở, mua căn nhà đầu tiên, nhất là phân khúc nhà ở xã hội cần đảm bảo nguồn vốn và ổn định lãi suất dài hạn cho người dân. Siết tín dụng các khoản vay đầu cơ bất động sản bằng hình thức giải ngân tự sử dụng phương án vốn vay.

Thứ ba, phải thay đổi cơ cấu sản phẩm của thị trường bất động sản, rút ngắn khoảng cách chênh lệcnh dòng sản phẩm cao cấp - trung bình.

Ông Hoàng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh triển khai chương trình Một triệu căn nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp do Bộ xây dựng chủ trì đề án góp phần tạo thanh khoản cho thị trường bất động sản.

Trong dài hạn các doanh nghiệp đầu tư phát triển bất động sản cần chủ động đa dạng nguồn vốn, đặc biệt mở rộng các kênh dẫn vốn như FDI, trái phiếu doanh nghiệp hay là trong dân trên cơ sở tuân thủ pháp luật nhằm giảm phụ thuộc vào dòng vốn tín dụng ngân hàng.

Thanh Xuân

Theo Kinh doanh và Phát triển